Những người làm nghề đánh bắt cá nước ngọt thuộc hàng đầu thế giới ở vùng biển hồ Tonle Sap đối diện với khó khăn chưa từng có khi lượng cá cạn kiệt vì tình trạng xây đập và biến đổi khí hậu.
Cá ngày càng ít trên biển hồ Tonle Sap. Ảnh: AFP |
Tháng Giêng thất thu
Biển hồ Tonle Sap là hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng rất lớn với Campuchia, là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Thông thường tháng Giêng là tháng đánh bắt cá quan trọng nhất trong năm của ngư dân nơi đây bởi nguồn thu nhập này giúp họ trang trải cuộc sống cho cả năm sau đó. Vậy mà ông lão Pang Bin 75 tuổi đành gác lưới sớm ngồi nhà bên bờ hồ không phải vì tuổi tác hay vấn đề sức khỏe. Ông lão cho biết hồ không hề còn cá để đánh bắt nữa. Không chỉ ông mà hàng triệu người sống dựa vào Tonle Sap đang đứng trước nguy cơ bỏ nghề. Ông Pang Bin bảo rằng, đây là mùa vụ tồi tệ nhất trong hơn 50 năm làm nghề của mình ở đây: “Còn rất ít cá. Tôi chưa từng thấy một mùa vụ nào tồi tệ như bây giờ”.
Phần lớn ngư dân Tonle Sap cho biết chỉ đánh bắt được chừng 10%-20% sản lượng thông thường và thấp hơn cả mùa trước. Các dòng nước nuôi sống hồ từ thượng nguồn đã chuyển từ màu caramel quen thuộc vốn giàu chất dinh dưỡng để duy trì hàng trăm loài sang màu nước trong suốt đáng lo ngại. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là dòng chảy cực thấp. Các cơn bão thường bắt đầu từ cuối tháng 5 khiến hồ Tonle Sap đầy nước mang theo cá, ấu trùng, chất hữu cơ và trầm tích tạo ra sự bùng nổ về sản lượng cá. Hằng năm, sản lượng cá ở hồ này là 500.000 tấn, lớn hơn sản lượng cá đánh bắt được ở tất cả các sông và hồ tại Bắc Mỹ.
Thông thường vào tháng đầu năm mới, dọc bờ hồ Tonle Sap có hàng nghìn tấn cá chép bạc dài bằng ngón tay được chế biến bằng cách trộn với muối để tạo ra món ăn có tên gọi là prahok. Đây là nguồn protein quan trọng trong chế độ ăn uống của người Campuchia bởi ước tính ¾ lượng protein của 16 triệu dân nước này tới từ nguồn thực phẩm của hồ Tonle Sap. Nay sản lượng khai thác đã cạn từ giữa tháng Giêng, sớm hơn vài tuần so với bình thường khiến cho giá một kilogam prahok lên tới 6 USD trong khi chi phí lương thực của một gia đình trung bình chỉ vào khoảng 200 USD/tháng.
Khủng hoảng lớn hệ thống sông Mekong
Lưu vực sông Mekong tạo ra 2,6 triệu tấn cá nước ngọt hằng năm, nghĩa là cung cấp thực phẩm và sinh kế cho khoảng 60 triệu người ở Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Hiện tượng ít cá bất thường ở Tonle Sap tiếp nối sau một loạt các sự kiện thời tiết bất thường trước đó. Mùa hè năm ngoái, hiện tượng El Nino khiến cho các cơn mưa gió mùa hằng năm nuôi dưỡng hệ thống sông Mekong bị chậm lại và ít hơn. El Nino 2019 nghiêm trọng thứ hai kể từ năm 2016 như dữ liệu mà các nhà khoa học cảnh báo các cơn bão mạnh hơn và thường xuyên hơn. Tới tháng 7, mực nước sông Mekong được xác định thấp nhất trong lịch sử do Trung Quốc và Lào tiến hành thử nghiệm hai con đập khổng lồ trong vài tuần.
Trong 3 thập niên qua, 13 con đập được xây dọc theo dòng chính Mekong; 11 con đập ở đầu nguồn tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); 12 cái đang được xây dựng, hàng chục con đập nhỏ ở hạ lưu dọc các nhánh sông ở Lào. Nhiều đập thủy điện ở Lào được tài trợ bởi các khoản vay của Trung Quốc. Các nhà khoa học môi trường cho biết khi cát dưới lòng sông được nạo vét để xây dựng đã làm đảo lộn thủy văn bởi chu kỳ gió mùa hằng năm và làm giảm dòng chảy của cá cũng như chất dinh dưỡng.
Heab Nom, 38 tuổi, chuẩn bị cá chép để chế biến thành Prahok trên chiếc thuyền của cô ở Phát Sanday, Campuchia. Ảnh: Los Angeles Times. |
Biển hồ Tonle Sap được coi là nhịp đập của khu vực sông Mekong. Hồ thường đầy nước trong thời gian từ 4 đến 5 tháng nhưng năm ngoái chỉ có 6 tuần và mức nước cao nhất cũng thấp hơn tới 3m so với bình thường. Trưởng làng Phat Sanday nằm ở rìa phía nam của hồ là ông Heng Mono cho biết chưa bao giờ tồi tệ như lúc này. Trong khi đó, cô Heab Nom ở làng này cho biết, khi còn nhỏ, cô chỉ cần thả lưới là kéo lên lượng cá chép rất lớn để bán và làm món prahok, mức thu nhập tầm 1.000 USD/tháng nhưng nay chỉ còn lại 1/3 thu nhập.
Biển hồ Tonle Sap chưa đủ cảnh báo cho sinh kế của người dân Campuchia? Chính quyền Phnom Penh dự kiến xây đập thủy điện có công suất 2.6000 megawatt lớn nhất ở hạ lưu sông Mekong nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Một cơ quan giám sát môi trường cảnh báo nó sẽ tạo ra rào cản rất lớn cho cá di cư và có thể là đập có sức tàn phá lớn nhất trong lưu vực sông Mekong. Các bác sĩ làm việc gần Tonle Sap cho biết, nhiều trường hợp mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao mà nguyên nhân bị cho là do ít ăn cá và ăn thực phẩm chế biến sẵn quá nhiều. Viễn cảnh nghiệt ngã của ngư dân biển hồ Tonle Sap là phải di cư ra nước ngoài kiếm việc làm, nhiều trẻ em bỏ học vì nguồn cá ở đây ngày càng cạn kiệt.
ANH THƯ (Theo Los Angeles Times)