Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới, mà bằng chứng rõ nhất là nhu cầu về xăng dầu, diesel và dầu máy bay giảm mạnh. Các chuyên gia kinh tế dự báo giá dầu có thể giảm tới cuối năm nay.
Giá dầu có thể giảm cho tới cuối năm nay. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu hồi đầu tuần này rằng dịch bệnh là bài kiểm tra quan trọng về hệ thống quản trị đất nước và cho biết sẽ trừng phạt nếu quan chức nào thiếu trách nhiệm trong việc dập dịch. Trong khi đó, cơ quan y tế Mỹ xác nhận có ca nhiễm nCoV thứ hai lây từ người sang người và nâng số người bị nhiễm lên con số 12 (cập nhật lúc 10 giờ ngày 6-2-2020, giờ Việt Nam).
Dịch bệnh nCoV chưa có dấu hiệu ngừng lây lan và chưa có thuốc hay vaccine điều trị hữu hiệu dễ dẫn tới viễn cảnh các chuyến bay bị hoãn, biên giới quốc tế đóng cửa, các thành phố và nhà máy ở Trung Quốc cũng rơi vào im lặng. Những năm qua, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã làm rối loạn thị trường tài chính trong thời gian qua, giá cổ phiếu, hàng hóa toàn thế giới sụt giảm. Trung Quốc nhập khẩu 10 triệu thùng dầu/năm trong năm 2019; là năm thứ 17 liên tiếp trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Các hãng hàng không quốc tế lớn như: Air Canada, American Airlines (AAL), Delta (DAL) và British Airways đã đình chỉ tất cả các chuyến bay hai chiều với Trung Quốc cho tới cuối tháng 2 hoặc lâu hơn. China Eastern hôm thứ hai đã trở thành hãng hàng không lớn đầu tiên của Trung Quốc tạm dừng các chuyến bay hai chiều với Mỹ.
Giá dầu toàn cầu và riêng tại Mỹ cơ bản giảm tầm 20% so với đỉnh gần đây nhất. Sự tụt dốc đánh dấu cảnh đảo ngược nhanh chóng so với 3 tuần trước lúc căng thẳng leo thang ở Trung Đông đẩy giá dầu lên 70 USD/thùng. Giá dầu thô ở Mỹ lần đầu tiên xuống dưới mức 50 USD/thùng kể từ tháng Giêng 2019 tới nay và giảm tới 11 USD/thùng so với đầu năm 2020. Ngay cả khi Arab Saudi sẽ cắt giảm sản lượng vẫn không giúp giá dầu tăng trở lại hồi đầu tuần này. Dự kiến vào tuần tới, OPEC đưa ra quyết định có giảm sản lượng dầu hằng ngày hay không. Trong lúc Arab Saudi dự kiến tự giảm 500.000 thùng/ngày cho tới khi hết khủng hoảng, quốc gia này sản xuất tới 9,7 triệu thùng mỗi ngày.
Những số liệu từ Trung Quốc đưa ra cho thấy đã giảm nhu cầu tiêu thụ dầu lên tới 3 triệu thùng/ngày, trong khi tình trạng dịch bệnh đang có dấu hiệu căng thẳng hơn. Công ty tư vấn năng lượng JBC có trụ sở tại Vienna (Áo) dự báo Trung Quốc giảm tiêu thụ dầu 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3. Viễn cảnh đó làm giảm giá dầu 15%. Arab Saudi lo lắng bởi vì Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, sự sụt giảm này kéo theo các dự án phát triển về du lịch, bất động sản gặp khó khăn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ mức tăng trưởng của Arab Saudi mất 0,3% xuống còn mức 1,9% trong năm 2020.
Chiến lược gia năng lượng tại Rabobank (Hà Lan) nhận định sẽ mất thời gian dài để giá dầu phục hồi; bởi lần này là do nhu cầu giảm chứ không phải nguồn cung dư thừa như những lần trước. Lịch sử cho thấy phải mất thời gian khá lâu để phục hồi giá dầu sau dịch bệnh. Chẳng hạn như giá dầu cần tới 10 tháng để hồi phục sau đại dịch SARS năm 2003. Tập đoàn Citibank cũng đưa ra dự báo tương tự trên tờ Bloomberg rằng phải tới quý tư năm nay mới hy vọng giá dầu cao trở lại.
ANH THƯ (theo CNN, Wall Street Journal)