Hiểm họa chiến tranh sông Nile

.

Người Ai Cập bảo rằng không có sông Nile thì không còn Ai Cập. Người Ethiopia lại chờ đợi thủy điện Phục Hưng trên sông Nile sẽ giúp họ vươn vai đứng dậy là cường quốc hàng đầu châu Phi. “Phục Hưng” cho Ethiopia, song có thể đẩy Ai Cập vào khốn khổ nên nguy cơ xung đột có thể xảy ra nếu như nỗ lực hòa giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump bất thành.

Đập thủy điện Phục Hưng của Ethiopia.
Đập thủy điện Phục Hưng của Ethiopia.

Ai Cập và dòng sông Nile

Trong hàng nghìn năm, người Ai Cập được cho là bậc thầy trong việc xây dựng các đế chế cổ đại và nước cộng hòa hiện đại. Họ đã tận dụng dòng chảy của sông Nile để vận chuyển các khối đá granite khổng lồ xây dựng đại kim tự tháp Giza. Nhà lãnh đạo Gamal Abdel Nasser vào năm 1970 giám sát việc hoàn thành đập Aswan nhằm kiểm soát dòng chảy theo mùa của sông Nile để chuyển đổi nền nông nghiệp Ai Cập.

Ai Cập biện minh cho sự thống trị của mình với dòng sông Nile khi trích dẫn một hiệp ước có từ năm 1959 với Sudan. Theo đó, Ai Cập có thể phủ quyết bất cứ công trình nào trên sông Nile làm cản trở dòng nước cho dân chúng Ai Cập. Ethiopia từng đề xuất xây dựng một loạt đập trên sông Nile vào năm 1978 khiến Tổng thống Ai Cập lúc bấy giờ là Anwar Sadat nói rằng “chúng tôi sẽ không chờ chết khát mà kéo tới Ethiopia để chết ở đó”.

95% dân số Ai Cập sống dọc theo dòng sông Nile hay những đồng bằng đông đúc dân cư gần đó. Sông Nile cung cấp toàn bộ nguồn nước cho người dân Ai Cập. Chính vì thế, bất cứ công trình nào trên sông Nile đều có nguy cơ khiến Ai Cập khát nước nghiêm trọng. Ngoài ra, dân số nước này tăng quá nhanh với tốc độ 1 triệu người sau nửa năm nên Liên Hợp Quốc dự báo Ai Cập sẽ thiếu nước vào năm 2025.

Mực nước biển dâng cao “tấn công” bờ biển Ai Cập nên nước mặn xâm nhập đất liền làm hư hỏng những vùng đất màu mỡ càng làm cho nền nông nghiệp quốc gia hùng cường này thêm khó khăn. Một thủ đô hành chính mới đang được xây dựng ở sa mạc bên ngoài Cairo làm cạn kiệt nguồn nước sông Nile.

Đại thủy điện Phục Hưng của Ethiopia

Ethiopia quyết định xây dựng đại thủy điện Phục Hưng ở thượng nguồn sông Nile kể từ năm 2011. Đây sẽ là đập thủy điện lớn nhất châu Phi với kinh phí lên tới 4,5 tỷ USD, có hồ chứa nước tương đương với thủ đô London (Anh). Người dân Ethiopia coi đại công trình này sẽ là niềm tự hào bởi nó sẽ thắp sáng cho hàng triệu ngôi nhà, kiếm hàng tỷ đồng từ việc bán điện cho các nước láng giềng để khẳng định họ là một quốc gia cường thịnh của châu Phi.

Cố Giám đốc dự án đại thủy điện Phục Hưng Semegnew Bekele trả lời tờ New York Times hồi năm 2018 rằng, Ethiopia lấy cảm hứng từ đập Hoover của Mỹ. Chính đập Hoover được xây dựng những năm đầu thập niên 30 thế kỷ 20 đã giúp Mỹ vượt qua đợt đại suy thoái. Ông tự tin thủy điện Phục Hưng sẽ xóa sổ nghèo đói ở Ethiopia. Rồi người ta phát hiện ông nằm gục sau tay lái chiếc Toyota Land Cruiser với vết thương ở đầu mà sau đó được kết luận là tự sát.

Căng thẳng trước giờ tích nước

Dự kiến đập sẽ bắt đầu tích nước từ tháng 7 tới. Thời gian tích nước có thể từ 5 tới 15 năm tùy theo điều kiện thủy văn và những thỏa thuận có được giữa Ethiopia, Ai Cập và Sudan (nằm giữa hai nước này). Sau khi nhậm chức

Thủ tướng Ethiopia năm 2018, ông Abiy Ahmed sang Cairo để trấn an Ai Cập rằng: “Tôi thề, tôi thề, chúng tôi sẽ không làm tổn thương nguồn nước của Ai Cập”. Tới mùa thu 2019, căng thẳng giữa nhiều nước đã khiến Thủ tướng Abiy Ahmed đưa ra lời cảnh báo đáng ngại chỉ 2 tháng sau khi nhận giải thưởng Nobel Hòa bình nhờ giải quyết xung đột kéo dài giữa Ethiopia với Eritrea: “Không có thế lực nào ngăn nổi Ethiopia hoàn thành con đập này”, và nói thêm là có hàng triệu người sẵn sàng “chiến đấu” với Ai Cập.

Trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nói trước Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 rằng: “Sông Nile là câu hỏi về sự sống, là vấn đề về sự tồn vong của Ai Cập” bởi không có sông Nile thì sẽ không có Ai Cập. Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Nước Ethiopia, Seleshi Bekele phát biểu rằng những tuyên bố của Ai Cập về sông Nile là điều vô lý nhất mà họ từng nghe.

Thực ra, trong suốt 8 năm qua, quan chức 3 nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan đàm phán rất nhiều về đại thủy điện Phục Hưng nhưng hoàn toàn vô ích. Tình hình càng lúc càng căng thẳng bởi vì Ai Cập cho rằng, nếu con đập này tích nước quá nhanh sẽ làm giảm đáng kể nguồn cung cấp nước cho họ. Trong cuộc gặp hồi tháng 11 năm ngoái, ba bên đồng ý chọn cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại thủ đô Washington với chủ nhà Mỹ làm vai trò trung gian hòa giải.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump nói vui, kế hoạch hòa giải của ông xung quanh thủy điện Phục Hưng có thể giúp ông thắng giải Nobel Hòa bình năm nay bởi tránh được chiến tranh có thể xảy ra. Các bên thừa nhận rất khó đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp tại Washington ngày 13-2 này.

ANH THƯ (Theo New York Times)

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.