Mưu sinh trên phố

Vá xe 24/24 giờ

.

“Anh/chị đang ở đâu đó?”, “Xe anh/chị bị gì?”, “Khoảng 30 phút nữa tôi tới nơi. Anh chị yên tâm”… Đó thường là lời đáp của những người làm dịch vụ vá, sửa xe máy lưu động mỗi khi có khách gọi đến. Chỉ với chiếc điện thoại cùng một chiếc xe máy được gắn một thùng xe tự chế với đầy đủ các dụng cụ, bất kể sáng sớm tinh mơ hay đêm khuya, ngày mưa to gió lớn, ngày lễ, Tết…, chỉ cần khách gọi là họ lên đường.

Với những người làm dịch vụ vá, sửa xe máy lưu động, chuyện đi làm vào sáng sớm hay đêm khuya là rất bình thường. TRONG ẢNH: Anh Nguyễn Đình Ngọc đang vá xe cho khách. Ảnh: M.H
Với những người làm dịch vụ vá, sửa xe máy lưu động, chuyện đi làm vào sáng sớm hay đêm khuya là rất bình thường. TRONG ẢNH: Anh Nguyễn Đình Ngọc đang vá xe cho khách. Ảnh: M.H

Nghề chọn người

27 Tết vừa rồi, khoảng hơn 12 giờ trưa, chiếc xe máy của tôi chẳng may bị thủng lốp khi đang di chuyển trên đường Ngô Quyền. Gần đó cũng không thấy bóng dáng của tiệm sửa xe nào. Tôi chợt nhớ đến dịch vụ vá, sửa xe máy lưu động. Chỉ với từ khóa “vá xe lưu động ở Đà Nẵng”, tôi tìm được khá nhiều nơi cung cấp dịch vụ này. Gọi mãi đến số thứ 3 thì tôi mới nhận được sự trợ giúp vì 2 nơi tôi gọi trước đó đã nghỉ Tết.

Khoảng 30 phút sau, một anh thanh niên với dáng người gầy, da ngăm đen, đi xe máy cùng hộp đồ nghề được thiết kế khá nhỏ gọn gắn trên yên sau xe, trước giỏ xe là vài chai xăng, chạy đến. Anh vội vàng soạn đồ nghề ra và bắt đầu vá. Tầm 5 phút sau, lốp xe của tôi đã căng tròn. Anh là Mai Xuân Chung (sinh năm 1990, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), theo nghề đã hơn 12 năm nay.

Chung là con thứ 7 trong một gia đình có 9 người con. Bố Chung mất sức lao động nên không làm được gì. Tất cả mọi việc lớn, nhỏ trong nhà đều do một tay mẹ anh tần tảo chăm lo. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, Chung đã phải nghĩ đến việc kiếm tiền để phụ giúp mẹ. Năm 2005, thi rớt lớp 10 nên anh quyết định nghỉ học. Sẵn biết được một chút về nghề sửa xe máy sau một thời gian học lỏm ở tiệm sửa xe ngay cạnh tiệm thu, gom phế liệu mà anh làm thêm từ năm học lớp 8 nên Chung xin vào vừa làm, vừa học nghề ở một tiệm sửa xe trên đường Tôn Đức Thắng.

Không ai chỉ bảo, mỗi khi có khách ghé tiệm sửa xe là anh liền nhanh trí cho họ số điện thoại rồi nhắn: “Nào xe anh/chị bị gì mà không tiện ghé tiệm thì gọi, em tới liền”. Rồi anh bắt đầu bén duyên với cái nghề vá, sửa xe máy lưu động từ đó. Thuở ấy, chiếc xe máy hành nghề của anh chưa được thiết kế chuyên dụng như bây giờ. Nó chỉ đơn thuần là mang theo một hộp đồ nghề với vài dụng cụ cơ bản cùng với chiếc bơm tay rồi chạy đến nơi khách gọi.

Sau hơn 4 năm theo học và làm nghề sửa xe cũng là hơn 4 năm làm dịch vụ vá, sửa xe máy lưu động, trong một lần chẳng may gây tai nạn, thêm phần nhà nghèo không có tiền bồi thường, Chung bị kết án 24 tháng tù giam ở Trại tạm giam Hòa Sơn. Những vị khách quen cũng dần quên anh. Chung dường như mất đi tất cả. Những tưởng, sau khi ra tù, anh sẽ phải mất thời gian khá lâu để làm lại. Nhưng không, chỉ 3 ngày sau khi trở về, anh phụ bạn sửa xe, đi phụ hồ để có tiền.

3 tháng sau, gom được đủ tiền, anh quyết định mua một chiếc xe máy, bắt đầu lại lần 2 với nghề làm dịch vụ vá, sửa xe máy lưu động. Ở lần này, chiếc xe hành nghề của anh Chung được thiết kế chuyên dụng hơn. Học theo những chiếc xe máy có gắn thùng xe, anh bắt đầu lên ý tưởng và nhờ những người trong nghề hỗ trợ thêm để thực hiện. Và ngoài dịch vụ vá, sửa xe máy, anh Chung còn có dịch vụ kích bình, bán xăng lẻ, vá lốp ô-tô từ 4 đến 6 chỗ.

Còn anh Nguyễn Đình Ngọc (sinh năm 1964, ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) làm nghề vá, sửa xe máy lưu động đã được 7 năm nay. Anh Ngọc chia sẻ: “Năm tôi 13 tuổi, bố mất, mẹ cùng mấy chị đi kinh tế mới ở Long Khánh, tôi ở lại quê nhà rồi đi ở đợ cho người ta chứ nhỏ thì làm được gì mà kiếm sống. Cũng khoảng thời gian ấy, tôi học lỏm được nghề sửa xe máy. Mà ngờ đâu, sau này gia đình tôi lại sống nhờ vào cái nghề này”.

Trước khi làm dịch vụ vá, sửa xe máy lưu động, anh Ngọc đã kinh qua không biết bao nhiêu nghề, nào là xe thồ, bán kem dạo, bán bánh mì dạo, thợ hàn, bán cà-phê, tạp hóa… Đến năm 2013, thấy có người làm dịch vụ vá, sửa xe máy lưu động, thấy hay nên anh học theo rồi tự chế cho mình một chiếc xe máy chuyên dụng để làm nghề.

Cho đến nay thì anh đã phải thay đổi cách bố trí hộp đồ nghề trên xe khá nhiều lần để làm sao cho gọn, nhẹ, tiện lợi nhất có thể. Và có lẽ, điều ấn tượng nhất của tôi với người đàn ông này là chiếc loa kết nối bluetooth mà anh đặt ở giỏ xe để mở nhạc nghe mỗi khi buồn. Chiếc loa ấy đối với anh chẳng khác gì một người bạn, bầu bạn cùng anh mỗi khi đi qua những quãng đường vắng khi màn đêm buông xuống.

Anh Chung cho hay, từ khoảng năm 2013, số người làm dịch vụ này ngày một nhiều lên. Nhưng không phải ai cũng có thể sống lâu với nghề. Trung bình một ngày có khoảng hơn 60 khách hàng gọi đến số điện thoại của anh. Và anh thường chia sẻ khách cho những người anh em trong nghề vì một mình anh thì không thể ôm hết việc, chưa kể để khách đợi quá lâu thì cũng không hay. Trung bình một tháng anh thu nhập được hơn 10 triệu đồng.

Còn anh Ngọc thì chia sẻ: “Càng ngày, người làm dịch vụ này càng nhiều, chưa kể những tiệm sửa xe lớn, những hãng xe cũng dần có dịch vụ sửa xe lưu động. Thời gian mới bắt đầu vào nghề, trung bình một ngày tôi có khoảng hơn 30 khách gọi đến, có ngày đông khách thì có khi thu nhập một ngày được khoảng 1 triệu đồng. Nhưng những năm gần đây thì mỗi ngày chỉ có khoảng 20 khách gọi”.

Vá xe 24/24 giờ

“Làm cái nghề này thì ngủ ngoài đường là chuyện rất bình thường”, anh Chung bộc bạch. Từ ngày chọn cách sửa xe trên đường cho khách, anh ăn uống thất thường và thường xuyên nằm ngủ trên vỉa hè hay ngủ gục ở quán cà-phê trong lúc đợi khách. Bất kể sáng sớm tinh mơ hay đêm khuya, ngày mưa to gió lớn, ngày lễ, Tết…, chỉ cần khách gọi là những người làm dịch vụ vá, sửa xe lưu động như anh Chung, anh Ngọc liền lên đường.

Anh Chung chia sẻ: “Cứ khách gọi giờ nào là tôi chạy đến giờ đó chứ không quy định khung giờ làm. Cho dù khách gọi lúc 11 giờ đêm, 12 giờ đêm hay 2 giờ sáng thì tôi cũng đi. Vừa mưu sinh nhưng cũng là giúp người. Mình giúp người ta thì hồi có người giúp lại mình”.

Còn anh Ngọc cho hay: “Con tôi thấy tôi cũng lớn tuổi rồi nên hôm nào thấy hơn 8 giờ tối mà ba chưa về là nó gọi điện. Giờ mình không còn khỏe như trước, tôi cũng đã hạn chế đi làm rồi nhưng nghe khách gọi thì phải chạy đến liền chứ nghĩ cũng tội họ. Chuyện tôi chạy đi vá, sửa xe vào đêm khuya hay 2 giờ sáng là chuyện rất bình thường”.

Chiếc xe “kiếm cơm” của anh Mai Xuân Chung được anh thiết kế nhỏ gọn và tiện dụng.  Ảnh: M.H
Chiếc xe “kiếm cơm” của anh Mai Xuân Chung được anh thiết kế nhỏ gọn và tiện dụng. Ảnh: M.H

Với anh Chung, một lỗ vá anh lấy giá dao động từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng tùy đường gần xa, lỗ thứ 2 tính thêm 10.000 đồng, từ lỗ vá thứ 3 trở đi thì không tính thêm tiền. Ngoài ra còn có thêm phí xăng xe di chuyển 4.000 đồng/km (tính từ Bến xe Trung tâm thành phố đến địa điểm vá, sửa xe).

Còn với anh Ngọc, nếu địa điểm của khách trong cự ly 4km đổ lại tính từ địa điểm anh đang đậu xe thì anh vá với giá dao động từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng. Nếu cự ly lớn hơn 4km thì anh xin thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Còn phí sửa xe thì còn tùy vào tình trạng hư hỏng của xe nhưng các anh đều đảm bảo giá phải chăng, không lợi dụng khách đang gặp khó khăn để làm tiền.

Nghề nào cũng có chuyện vui, chuyện buồn và nghề vá, sửa xe lưu động cũng không ngoại lệ. Chuyện các anh vượt một quãng đường xa chạy đến chỗ khách gọi nhưng khách đã bỏ đi từ khi nào xảy ra như cơm bữa. Có thể vị khách đó đã gọi một bên nào khác đến vá, sửa xe nhưng vô tình quên báo cho các anh hay. Nhưng cũng có thể đó là cách “chơi” nhau chỉ vì sự ganh ghét, đố kỵ của một người nào đó trong nghề. Còn niềm vui lớn nhất trong cái nghề này theo như anh Chung bảo là: “Vui vì được giúp người ta”.

Ngày nay, dịch vụ vá, sửa xe lưu động của các hãng xe, cửa hàng sửa xe lớn ngày một chuyên nghiệp và không ngừng được nâng cấp. Song với những người làm nghề như anh Chung, anh Ngọc thì chưa bao giờ các anh tự ti trước sự so sánh khập khiễng ấy.

Bởi các anh luôn tin rằng nếu làm có tâm, nhiệt tình, có trách nhiệm thì chắc chắn sẽ giữ được khách và điều ấy đã được chứng minh qua khoảng thời gian dài mà các anh theo nghề, là những số điện thoại xa lạ nối đuôi nhau dài ngoằng ở nhật ký cuộc gọi trong chiếc điện thoại của các anh và hơn cả là những vị khách từ xa lạ bỗng trở nên thân quen, lưu số điện thoại của các anh như một số cứu hộ cố định.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.