Những mùa xuân thương nhớ

.

Sáng sớm, em dâu đăng bức hình (ảnh) lên trang cá nhân với dòng từ biệt “Tạm biệt ông nội, cháu lại phải đi rồi”. Khoảnh khắc em chụp lúc vợ chồng em bồng cháu lên xe trở về thành phố, cha tôi đứng bên cửa kính xe, vừa bịn rịn cháu nhỏ, vừa như muốn khóc. Tôi thẫn thờ nhìn bức ảnh hồi lâu, nỗi nhớ thương trào dâng nơi khóe mắt.

Ảnh: L.G
Ảnh: L.G

Một năm mới đã bắt đầu với đầy những lo toan bận rộn. Một năm mới bắt đầu bằng cách khép lại những ngày vui vẻ đoàn viên. Trẻ con đến trường, người lớn đến cơ quan, mưu sinh chiếm hết chỗ của những nhớ nhung bịn rịn. Chỉ bất chợt một khoảnh khắc nào đó như khoảnh khắc này, khi ngắm bức hình bịn rịn cảnh chia tay mới lặng lòng dâng niềm nhớ.

Nhớ tháng Chạp nào đến cũng chộn rộn ngày về. Công việc tranh thủ, nhà cửa tất bật dọn dẹp, sắm quần áo mới cho con, lo đặt vé cuối năm cho kịp chuyến tàu tránh khỏi những cơn say xe vật vã. Mẹ thì cứ vài ngày lại gọi điện hỏi: “Chừng nào nghỉ Tết con?”. Ngày vẫn 24 tiếng như mọi khi mà sao thấy lòng vội vã.

Từ khi có điện thoại, kể từ khi con đến sân ga, cha mẹ cập nhật từng phút hành trình. Từ khi có điện thoại, chẳng còn những cuộc viếng thăm cha mẹ bất ngờ, bởi mỗi lần về đều thấy mẹ cha đứng ngoài ngõ đón đợi. Niềm vui hằn lên nét mặt, yêu thương dâng đầy trong mắt, lòng ấm lạ thường dù gió lạnh buốt thịt da.

Những đứa trẻ hàng xóm bé con ngày tôi rời khỏi nhà tha phương nay đã phổng phao ra dáng những chàng trai, thiếu nữ. Chúng chào tôi bằng “cô”, bằng “dì” khiến lòng có chút như chùng lại. Những đứa trẻ nhỏ nhìn mặt quen quen nhưng chẳng biết con cháu nhà ai chạy sang hân hoan khoe áo mới.

Chợt nhớ mình mới là đứa trẻ ngày nào, lon ton theo mẹ đi chợ Tết, ngồi sau xe đạp theo cha đi mua cành đào, nay tóc đã thoáng vài sợi bạc. Thời gian kỳ diệu giúp xoa dần những nỗi đau, nhưng cũng tàn nhẫn làm phai dần đi những kỷ niệm, những niềm hạnh phúc.

Mẹ luôn hỏi tôi, nơi đất khách quê người cuộc sống có vất vả lắm không? Thật ra thì nỗi bon chen không đáng sợ bằng nỗi cô đơn, buồn tủi. Là cảm giác nơi mình ở không là quê hương, chỉ là khách trọ. Nơi mà mỗi con đường, mỗi góc phố không thể tìm nổi một dáng hình quen thuộc, yêu thương.
Nơi mà đôi khi giữa ồn ào vẫn thấy mình bơ vơ lạc lõng.

Có vài lần nào đó thuở sinh viên, bạn bè nơi phố thị đòi về quê chơi. Khi đi thì háo hức, khi về thì than vãn. Họ nói không hiểu sao người ta có thể sống trong cảnh buồn bã đến nhường ấy của những ao chuôm, những cây cối rậm rạp, những tiếng ếch kêu ngày gió mưa buồn thê thiết.

Họ thật sự không hiểu nổi tâm hồn những đứa lớn lên từ làng quê như tôi đã được nuôi dưỡng bằng những thanh âm ấy, bằng không gian yên ả ấy. Để rồi lớn lên, dù đi xa bao nhiêu năm, dù phố phường rực rỡ hoa lệ, chỉ cần có thời gian là chồn chân muốn chạy về nhà.

Ra đi là để trở về. Trở về rồi lại ra đi. Nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền khắc nghiệt hơn những niềm luyến nhớ. Cho nên những dịp Tết về, vội vã vui cười, vội vã sum họp rồi vội vã ra đi. Mẹ lúc nào cũng nói như dỗi hờn “về được vài ngày rồi đi thêm nhớ. Hay năm sau tụi bây đừng về nữa, mất công ngóng trông”.

Lời mẹ nói ra chỉ khiến lòng thêm thương. Có ai vui khi cả đến những giây phút yêu thương cũng cuống cuồng vội vã. Những ngày xuân là những ngày của sum họp, nhưng cũng là những ngày của chia ly đầy luyến lưu thương nhớ.

Chiều qua giữa lất phất mưa bay, tôi chở con cùng đi chợ chiều. Hai bên đường, những cây đào nơi cổng các cơ quan hành chính đang nở rộ. Bé con bảo: “Mẹ ơi, Tết hết rồi hoa đào mới nở, có phải hoa nở trái mùa?”. Khẽ nhắc con, hoa đào nở vào mùa xuân, giờ mới là bắt đầu mùa xuân, bắt đầu một năm mới. Nghĩ đến những tháng năm phía trước còn xa vời vợi. Bao giờ mới lại chộn rộn đón xuân sang?

Lê Giang

;
;
.
.
.
.
.