Bởi khi thương, mỗi người dù ít dù nhiều đều có thể mang lại niềm vui và nụ cười cho người khác, và cũng vì thương nên nhiều y, bác sĩ đã chọn cách “cho đi” khi gặp những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống…
Bác sĩ Mai Hữu Phước (phải) và một tình nguyện viên người Đức ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi phường Hòa Hải. Ảnh: T.Y |
1. Tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng), chúng tôi gặp một cậu bé dễ thương có cái tên khá hay: “Trần Hồng Phước”. Cậu bé bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng và được những người có trách nhiệm đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây. Giám đốc Trung tâm Trần Thị Nhì mở lời: “Cái tên “Trần Hồng Phước” được bác sĩ Mai Hữu Phước (đang công tác tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn) đặt, ghép từ họ Trần của chị, chữ lót “Hồng” lấy từ tên chị Lê Thị Như Hồng (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng) và chữ “Phước” của bác sĩ Mai Hữu Phước”.
Theo lời chị Nhì, nhiều năm qua, đều đặn tuần đôi lần, bác sĩ Mai Hữu Phước ghé lại Trung tâm thăm khám cho những bé “trục trặc” về sức khỏe. Nói về cơ duyên đưa mình đến với những đứa trẻ mồ côi, bác sĩ Mai Hữu Phước kể: “Khi chị Nhì, Giám đốc Trung tâm ngỏ lời mời tôi cộng tác về mặt y tế, chị ngập ngừng rào đón “chỉ có phụ cấp xăng xe và cà-phê cho vui thôi chứ không có tiền lương”. Tôi bảo, điều đó không quan trọng, nếu trung tâm cần thì mỗi tuần, trên đường về tôi sẽ ghé lại thăm khám cho các bé”.
Bao lần thăm khám, tiếp xúc với những đứa trẻ mồ côi là bao lần trái tim bác sĩ Mai Hữu Phước “mềm” đi. Bởi, có những em bé bụ bẫm ngay từ lúc lọt lòng, nhưng cũng có nhiều trẻ èo uột, nay ốm mai đau, một vết muỗi chích cũng trở thành ghẻ lở. “Mỗi lần tôi đến, tiếng các cháu gọi chưa tròn vành, rõ chữ như “bác chỉ”, “bác xỉ” rất dễ thương. Vài đứa dạn dĩ tiến lại gần đưa tay bắt rồi trẻ nọ bắt chước trẻ kia nên nhiều lúc phải bắt tay từng đứa cho công bằng. Có cháu đứng trong nôi đưa hai tay đòi bồng, tôi nhấc lên thả xuống lại đòi. Những cử chỉ thèm khát sự yêu thương đó đã làm trái tim nhạy cảm của tôi trào dâng cảm xúc”, bác sĩ Mai Hữu Phước chia sẻ.
Vì thương nên có tuần tụi nhỏ ốm sốt, bác sĩ Mai Hữu Phước tới lui thường xuyên để kiểm tra nhiệt độ, xem hiệu quả của thuốc và hướng dẫn các “chị nuôi” chăm sóc trẻ thế nào cho mau hết bệnh. Đứa nào có bệnh nặng hơn, bác sĩ Phước tư vấn đưa đến trung tâm y tế để được điều trị tốt hơn.
“Tôi nghĩ trong cuộc sống, cái “duyên” như là số phận, định mệnh mà tạo hóa đã lập ra cho con người. Trong hoàn cảnh nào, con người ta cũng có thể tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống của riêng mình. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đùa với mọi người rằng, ông tổ nghề y đã chọn tôi, vì tôi có “duyên” với nghề nên đã run rủi cho tôi riêng một số phận và một cơ hội để theo nghề. Nhận lời chăm sóc các cháu về mặt y tế xem như là chút đóng góp của tôi cho cộng đồng. Và đây cũng là cách tôi trả ơn tổ nghề y đã chọn tôi vậy”, anh Phước nói.
2. Qua anh Nguyễn Hồng Quân (thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi biết về tấm lòng của một vị bác sĩ đang công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Anh Quân kể, trong quá trình chuyển vợ là chị Nguyễn Thị Thuận (đã mất - PV) từ Núi Thành ra cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, trong người anh chỉ mang theo vài triệu đồng. Sau khi áp dụng các phương pháp điều trị tích cực như chạy ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng - PV) kèm kháng sinh mạnh, siêu lọc máu, số viện phí gia đình phải trả lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trong những ngày túc trực ngoài hành lang bệnh viện với tâm trạng lo lắng cho sức khỏe của vợ và số tiền viện phí vượt ngoài khả năng chi trả của gia đình, anh Quân đã bật khóc khi nghe thông tin có một vị bác sĩ tại khoa quyết định hỗ trợ anh 10 triệu đồng đóng viện phí. Điều anh xúc động và biết ơn nhất là khi ấy, việc ứng trước viện phí rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị của vợ nhưng gia đình đã cạn kiệt tài chính. “Tôi nhận được sự giúp đỡ ngay giây phút lực bất tòng tâm nên lòng rất hạnh phúc và biết ơn; tuy nhiên đến bây giờ tôi vẫn chưa thể nói lời cảm ơn vì vị bác sĩ nhất định giấu thông tin, trực tiếp chuyển tiền cho khoa mà không cho gia đình tôi biết”, anh Quân chia sẻ.
Theo lời anh Nguyễn Đình Quốc, công tác tại Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc là nơi có nhiều bệnh nhân nghèo, thời gian điều trị lâu dài và các phương pháp điều trị đều rất tốn kém. Không ít bác sĩ khi nhìn bệnh nhân đang đứng trước bờ vực sinh - tử nhưng không có tiền điều trị đã lặng lẽ rút hầu bao đóng một phần viện phí để hỗ trợ bệnh nhân. Phần lớn họ làm điều này rất tự nhiên, không cần người nhà biết và nói lời cảm ơn.
Cũng theo anh Quốc, có không ít trường hợp bệnh nhân vào viện với chiếc túi rỗng, gia đình thuộc hộ nghèo hoặc đặc biệt nghèo. Do đó, ngoài nỗi đau bệnh tật, họ còn có nỗi lo lắng khác về viện phí. Như hiểu được khó khăn của người bệnh, mỗi tháng, theo chỉ đạo của cấp trên, từng thành viên Phòng Công tác xã hội của bệnh viện phải tích cực liên hệ các nhà hảo tâm để xin tài trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân nghèo.
Điều này cũng cho thấy, ngay khi nhập viện, từng bệnh nhân sẽ được bệnh viện tìm hiểu hoàn cảnh kinh tế, nếu thấy người bệnh quá khó khăn, các khoa sẽ liên hệ Phòng Công tác xã hội tìm hiểu, nắm thông tin và chuyển thông tin đến các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ. “Thông thường, chúng tôi sẽ xin nhiều nguồn để bệnh nhân nhanh chóng có sự giúp đỡ cần thiết, không làm gián đoạn việc điều trị. Nếu ca bệnh nào chúng tôi đã xin kinh phí đủ, sẽ nhường sự hỗ trợ cho ca khác để bảo đảm mọi người đều nhận được quyền lợi và sự quan tâm ngang nhau”, anh Quốc chia sẻ.
3. “Dĩa cơm trên tường” là chương trình được khởi phát từ đội ngũ y, bác sĩ và những người đang công tác trong ngành y tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó lan tỏa đến Đà Nẵng từ tháng 6-2019. Tại đêm nhạc “Blouse trắng - Hát cho yêu thương” vol 3 với chủ đề “Sưởi ấm mùa đông”, bác sĩ Lê Văn Sơn, Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đà Nẵng với hình dáng cao gầy, mái tóc đã rụng đi nhiều (do đang trong giai đoạn điều trị bệnh hiểm nghèo - PV) vẫn cất cao lời ca tiếng hát trên sân khấu, gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Dù không đủ thời gian tham gia công tác tổ chức, nhưng bác sĩ Sơn thường xuyên có mặt lúc chương trình cần. Với anh, hát không chỉ để vơi đi nỗi buồn bệnh tật, mà còn để tiếp thêm lửa cho những bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, góp thêm nguồn kinh phí để ban tổ chức mua phiếu cơm tặng bệnh nhân. Được biết, từ đó đến nay, “Dĩa cơm trên tường Đà Nẵng” đã quyên góp được hơn 300 triệu đồng, quy đổi ra hàng ngàn phiếu cơm cho bệnh nhân và người nhà của họ.
Đây không phải là chương trình thiện nguyện đầu tiên bác sĩ Sơn tham gia. Trước đó nhiều năm, anh thường xuyên rong ruổi cùng nhóm thiện nguyện ACE Thiện Văn Đà Nẵng đến với bà con dân tộc nghèo, khi thì góp công sức, khi góp tiền bạc để tổ chức những chuyến tặng quà vùng sâu, vùng xa. Và, để nói về mình, anh chậm rãi ngâm 4 câu thơ: “Những hình ảnh đẹp năm qua/ Dù cho ngã bệnh vẫn là an nhiên/ Nguyện trong tim mãi chữ thiền/ Đời còn vung vẩy để huyền ảo rơi”, như là lời nhắn nhủ rằng anh sẽ luôn sống theo chữ thiền, an nhiên và yêu thương cuộc sống.
TIỂU YẾN