Tính đến 13 giờ 30 ngày 20-2, cộng dồn trên địa bàn thành phố ghi nhận 155 trường hợp nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra được theo dõi tại các bệnh viện (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi); trong đó có 153 trường hợp đã xuất viện (theo Sở Y tế Đà Nẵng). Chưa có trường hợp nào dương tính, song với con số ca nghi nhiễm như trên đã thể hiện phần nào sự nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch của các bác sĩ và nhân viên y tế. Hơn 1 tháng qua, những “người lính” khoác blouse trắng ấy vẫn “chiến đấu” với Covid-19 không kể ngày đêm.
Bên cạnh việc bảo đảm lấy mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 nhanh chóng, kịp thời, các kỹ thuật viên ở Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố còn phải bảo đảm thời gian trong việc đi lấy các mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm với các mẫu bệnh phẩm thường quy. Trong ảnh: Một kỹ thuật viên của khoa đang nhập dữ liệu vào máy để thực hiện xét nghiệm. Ảnh: M.H |
1. Bắt đầu tiếp nhận trường hợp nghi nhiễm Covid-19 từ mồng 6 tháng Giêng nên nếu những năm trước, sáng mồng 6 cả cơ quan gặp mặt đầu năm thì năm nay, buổi gặp mặt của các bác sĩ cùng nhân viên y tế tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chỉ diễn ra trong vài phút để mọi người có thể bắt tay ngay vào công việc tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm. Những nhân viên y tế vừa trực Tết, thay vì được nghỉ bù cũng phải đi làm bình thường. Và ngày hôm đó quả là một ngày cật lực khi mãi đến nửa đêm công việc của họ mới tạm ít lại.
Công tác tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng từ năm 2008 đến nay và cũng là lần đầu trực tiếp theo dõi, điều trị các trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh, bác sĩ Trưởng khoa Nội 3 Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ: “Ngay từ mồng 6, các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 được chuyển đến bệnh viện. Chúng tôi phải tận dụng cả giờ nghỉ trưa để làm. Với những bác sĩ, nhân viên y tế phải trực thì họ làm đến tận nửa đêm mới được nghỉ một chút”.
Từ khi bước vào “cuộc chiến” với Covid-19, bác sĩ Dương phải gửi con nhờ hàng xóm trông giúp. Gia đình chị gần như thường xuyên phải ăn cơm hộp. Chị bộc bạch: “Trưa tôi tranh thủ chạy về cho đứa nhỏ bú, mua cơm hộp cho đứa lớn ăn. Có con nhỏ, không phải trực nhưng việc tôi đi làm đến 6, 7 giờ tối mới về, hay đi làm cuối tuần là chuyện bình thường. Có hôm, vừa về đến nhà thì người được cách ly yêu cầu muốn gặp trưởng khoa, tôi cũng phải chạy lên. Cuối tuần cũng không có thời gian chơi cùng con. Lịch sinh hoạt, ăn uống của các con bị ảnh hưởng nhiều”.
Đa phần các điều dưỡng tại khoa của chị đều có con nhỏ, mỗi người một cảnh nhưng tất cả đều cố gắng sắp xếp việc nhà để bảo đảm công việc ở bệnh viện. Bác sĩ Dương cho hay: “Có bạn phải nhờ ông bà từ quê vào phụ trông cháu. Có bạn nhà có tang, con đau nhập viện cũng phải đi làm. Có cả trường hợp điều dưỡng bị chủ nhà trọ gọi yêu cầu không được về phòng trọ”.
Bác sĩ Trương Thị Hoa, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng thì có phần may mắn hơn bác sĩ Dương khi nhận được sự hỗ trợ từ bố mẹ. “Từ khi vào nghề đến giờ, tôi may mắn được bố mẹ hỗ trợ chăm sóc hai con nhỏ nên an tâm thực hiện nhiệm vụ. Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, lịch làm việc của tôi cũng không có thay đổi gì, chỉ có công việc nhiều hơn một chút, áp lực hơn một chút thôi”. Điều dưỡng Nguyễn Trung Tín, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cũng tâm sự:
“Tôi vừa về công tác tại khoa từ tháng 11-2019, chưa có kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch nên những ngày đầu tôi có chút lo lắng. Sau vài ngày, được các điều dưỡng dẫn dắt kết hợp với những kiến thức, kỹ năng học ở giảng đường, tôi cũng dần làm chủ được cảm xúc, không còn lo lắng nữa”.
Trong quá trình theo dõi, điều trị cho những trường hợp cách ly, các bác sĩ, điều dưỡng còn phải phục vụ các nhu cầu phát sinh của họ 24/24 giờ và cũng có không ít những kỷ niệm vui buồn. Bác sĩ Dương chia sẻ: “Có người nửa đêm còn nhờ chúng tôi đi mua sữa, trà sữa.
Lúc thì nhờ mua kem đánh răng, bàn chải, giấy vệ sinh, sữa tắm…, mà phải mua đúng loại họ nhờ thì họ mới dùng. Có người trong lúc đợi kết quả xét nghiệm thì liên tục đòi được xuất viện và còn bảo rằng: “Nếu anh, chị không cho tôi về, tôi sẽ trốn viện”, “Tôi sẽ kiện đơn vị đã đưa tôi vào đây”…”. Có người đến từ Trung Quốc, lúc thanh toán viện phí thì chỉ có tiền nhân dân tệ nên bảo vệ bệnh viện phải dẫn đi đổi tiền.
2. Để có cơ sở khoanh vùng, xử lý hiệu quả, hạn chế dịch bệnh lây lan, công tác điều tra yếu tố dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Công việc của những nhân viên y tế này phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Và họ chính là những nhân viên y tế của Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (XN - CĐHA - TDCN) và Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (PCBTN) trực thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố.
Là một trong những nhân viên tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm Covid-19, bác sĩ Huỳnh Đức Nghĩa, Khoa PCBTN, CDC thành phố cho hay: “Không chỉ tôi mà bất kỳ một nhân viên y tế nào của khoa, khi tiếp nhận trường hợp nghi nhiễm tại bệnh viện nào đó cũng đều tức tốc chạy đến để điều tra dịch tễ càng sớm càng tốt, dù là sáng sớm hay đêm khuya. Các giấy tờ liên quan đều luôn thường trực trong cốp xe của mỗi nhân viên y tế”.
Chị Trúc, một cử nhân đang công tác tại Khoa PCBTN, CDC thành phố, phụ trách điều tra dịch tễ các trường hợp nghi nhiễm tại cộng đồng chia sẻ: “Từ ngày dịch bùng phát thì lịch làm việc của tôi cũng trở nên thất thường hơn, nhiều khi đang cho con ăn mà có điện thoại báo cũng phải để đó mà chạy. Chúng tôi làm việc xuyên Tết”.
Từ khi Đà Nẵng có trường hợp đầu tiên nghi nhiễm Covid-19 vào ngày 13-1 đến nay, gần như tuần nào kỹ thuật viên (KTV) Nguyễn Xuân Phú cũng phải tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Việc lấy mẫu được thực hiện theo đúng Quyết định 343/QĐ-BYT ngày 7-2-2020 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona”.
Mẫu bệnh phẩm được lấy gồm mẫu máu và dịch ngoáy họng. Để lấy được mẫu dịch ngoáy họng, các KTV phải đưa dụng cụ vào sâu trong khu vực hầu họng. Chỉ một vài động tác của người nghi nhiễm như: ho, hắt xì hơi, thở dốc sẽ khiến virus phát tán ra ngoài, gây nguy hiểm cho KTV.
Mẫu bệnh phẩm sau khi lấy được bảo quản, xử lý, đóng gói theo đúng quy trình, kỹ thuật và được chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Anh Phú cho hay: “Thông thường, sau 3 giờ chiều mỗi ngày, các mẫu bệnh phẩm của người nghi nhiễm Covid-19 sẽ được chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang. Tùy điều kiện thực tế, có thể vận chuyển bằng các dịch vụ công cộng theo đường hàng không, đường bộ. Trong trường hợp nguy cấp như đợt Tết vừa rồi thì xe trung tâm phải chạy xuyên đêm để kịp bảo đảm mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm sớm nhất có thể”.
Sau hơn 1 tháng “chiến đấu” với Covid-19, với anh Phú, mồng 1 và mồng 3 Tết Canh Tý vừa qua có lẽ là hai ngày dài nhất. Anh bảo: “Mồng 1 tôi phải lấy mẫu bệnh phẩm của 6 trường hợp nghi nhiễm, mồng 3 thì con số tăng lên đến 16 trường hợp và phần lớn đều là người Trung Quốc. Tôi và KTV đi cùng gặp khó khăn trong giao tiếp nên phải mất rất lâu mới có thể thuyết phục để họ cho phép mình lấy mẫu”.
Những ngày gần đây, số trường hợp nghi nhiễm giảm dần, áp lực của các bác sĩ cùng nhân viên ở các đơn vị y tế đã phần nào giảm bớt căng thẳng, song tâm thế “chiến đấu” với Covid-19 của những “người lính” khoác áo blouse trắng vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng.
MAI HIỀN