Tấm lòng từ mẫu

Trong phòng hồi sức

.

Ở phòng hồi sức cho những bệnh nhân sau phẫu thuật của các bệnh viện, người ngoài nhìn vào nghĩ đây là nơi “yên ổn” vì đã qua giai đoạn căng thẳng trên bàn mổ nhưng có bước vào trong thì mới hay, những y, bác sĩ nơi ấy luôn phải đối mặt với những ca trực “cân não”.

Bác sĩ CKII Huỳnh Đức Phát, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng đang thăm khám cho một bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị sau mổ tại phòng Hồi sức ngoại khoa. Ảnh: K.Q
Bác sĩ CKII Huỳnh Đức Phát, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng đang thăm khám cho một bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị sau mổ tại phòng Hồi sức ngoại khoa. Ảnh: K.Q

Những ánh mắt đau đáu ngóng chờ

Trước khi ghé đến phòng Hồi sức ngoại khoa (HSNK) thuộc Khoa Gây mê - Hồi sức (GM - HS), Bệnh viện Đà Nẵng, theo sự chỉ đường của điều dưỡng Mai Thị Thu Huyền, chúng tôi ghé đến khu chờ của người nhà bệnh nhân phòng HSNK nằm ở tầng 3, ngay cầu thang khu hành lang nối với Trung tâm Tim mạch.

Tại phòng HSNK, trong khi những bệnh nhân đang phải chiến đấu từng giây với “tử thần” thì ở nơi tầng 3 ấy, người nhà của họ lo lắng phập phồng mỗi khi nghe tên bệnh nhân là người thân của mình qua chiếc loa được lắp trên trần nhà. Trên sàn nhà, mền, chiếu, gối, phích nước, túi quần áo được sắp xếp gọn gàng. Vài chiếc khăn mặt còn ướt được móc tạm trên lan can cầu thang.

Và có lẽ, ấm lòng nhất ở nơi ấy là tờ giấy A4 với đầy những số điện thoại di động của những người nhà được dán nơi góc tường. Họ viết vậy để có chuyện gì thì biết mà liên lạc với nhau. Từ chỗ đồng cảnh, họ đồng cảm rồi thân nhau như người nhà lúc nào không hay.

Chị Trịnh Thị Hoa (sinh năm 1976, ngụ xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), vợ của bệnh nhân S., bị chấn thương sọ não, nằm điều trị ở phòng HSNK gần 3 tháng nay. Chị Hoa trải lòng: “Cách đây 6 năm, chồng tôi bị tai nạn giao thông và bác sĩ kết luận là bị chấn thương sọ não, nằm điều trị tại phòng HSNK khoảng 1 tháng thì được xuất viện.

Tuy không thể nhớ tất cả những chuyện trước đây nhưng anh cũng nhớ được 70-80%. Mỗi khi trở trời, anh lại bị động kinh. Và đợt này, anh vào lại viện là do bị té trong một lần lên cơn động kinh. Theo như bác sĩ chia sẻ thì hiện tại, khả năng sống của anh đã cao hơn so với thời điểm cấp cứu nhưng trước mắt vẫn còn rất nhiều nguy hiểm”.

Cứ cách chừng 5 ngày, 1 tuần thì chị Hoa phải đóng ứng viện phí một lần. Khi 2 triệu đồng, 3 triệu đồng, cũng có khi lên đến 5 triệu, 10 triệu đồng. Cả hai vợ chồng chị làm công nhân, 3 con đang tuổi ăn học, đứa lớn nhất mới ra trường, đi làm nên gia đình khó khăn, chị phải vay mượn anh chị em hai bên nội, ngoại để lo cho chồng.

Suốt 3 tháng ngồi đợi tin tình hình của chồng cũng như đợi đến 11 giờ đêm ở khu chờ cho người nhà vào chăm, chị Hoa gần như thuộc nằm lòng quy định thăm bệnh tại nơi này. Chị bảo: “Bác sĩ ở đây tận tình lắm, họ đúng thật là “Lương y như từ mẫu”.

Tôi không hiểu, không rõ cái gì thì họ nhiệt tình giải thích, chỉ cho tôi biết. Hằng tháng, khoa lại tổ chức một buổi gặp mặt giữa người nhà với bác sĩ trưởng khoa và điều dưỡng trưởng khoa để phổ biến quy định của khoa, cung cấp số điện thoại để liên hệ khi cần…”.

Sau khi bệnh nhân được đưa ra từ phòng mổ, phòng hồi sức là nơi tiếp nhận và làm các bước theo dõi, chăm sóc tiếp theo. Với những bệnh nhi, bố hoặc mẹ được phép mặc áo khử trùng vào ngồi cùng con tại giường bệnh; còn bệnh nhân người lớn thì người nhà ngồi ngoài hành lang chờ. Họ chờ và không dám đi đâu, vì có thể cánh cửa phòng hồi sức sẽ mở, lúc đó bác sĩ cần trao đổi các diễn tiến bệnh và thông báo cho người nhà; hoặc đến giờ có thể thăm bệnh (trưa và tối) kéo dài trong khoảng 1 giờ. Những ánh mắt ở ngoài là của người nhà, ánh mắt ở trong là của bác sĩ, điều dưỡng chăm chú vào từng người bệnh để xem diễn tiến sau ca mổ. Ánh mắt nào cũng chờ đợi, ước thời gian trôi nhanh, ước mình có thể đau thay người thân, ước người bệnh bằng sự khát sống có thể nhanh hồi phục.

Bước qua năm thứ 4 chăm con tại giường bệnh ở Khoa Nhi cấp cứu-hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, là hơn 3 năm chị Trần Thị L. (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) ngủ ngồi trên ghế. Trong căn phòng 10 giường bệnh, bé nào cũng phải thở máy hoặc thở oxy, bé nào cũng có “thâm niên” đóng đô 2 năm, 3 năm, 6 năm… là chừng đó thời gian những người mẹ ngủ ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp khi đêm về, lúc nào mệt quá thì gục đầu dưới chân con.

Những năm ở đây chăm con chưa bao giờ các chị được nằm ngủ thẳng lưng. Rồi các mẹ cùng các điều dưỡng chăm sóc, làm vệ sinh cho con; đến bữa ăn thì xuống căng-tin; tắm giặt cũng ở trong bệnh viện. 3 cái Tết rồi chị L. chưa về nhà.

Chồng chị đi làm, con lớn đang học đại học. Buổi tối hai cha con vào thăm hai mẹ con, rồi về. Nhà một mình anh đi làm nuôi 3 người, trong đó 1 người cần chăm sóc từ khi mới sinh bởi căn bệnh bại não và hơn 3 năm nay em bé 12 tuổi nằm bất động trên giường bệnh. “Năm ngoái em nó còn chơi được iPad, năm nay thì không”, giọng chị L. héo rũ.

Tôi không đưa tay nắm tay chị, cũng không nói lời an ủi chị, bởi 10 người mẹ có con bệnh rất nặng nằm ở đây, và vài chục bệnh nhi khác của khoa có thể cần hơn một cái nắm tay, họ cần một phép màu, một sự tiếp sức, khi nước mắt đã cạn và sức lực cũng mòn dần.

Nơi “đầu sóng ngọn gió”

Bác sĩ CKI Vũ Hữu Hội, Trưởng khoa Nhi cấp cứu-hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng gọi khoa của mình là nơi “đầu sóng ngọn gió”. Bởi những ca bệnh nặng được điều trị thành công hay không phụ thuộc vào bác sĩ phẫu thuật, gây mê và hồi sức sau mổ.

Khoa có 50 giường bệnh, trong đó 25 giường điều trị bệnh nặng và số còn lại cho bệnh lý nặng khác (có hồi sức sau mổ); 12 bác sĩ, 32 điều dưỡng và 6 hộ lý tiếp nhận những trường hợp nặng sau mổ, cần chăm sóc đặc biệt, đánh giá cuộc mổ thành công hay không, tiên lượng những biến chứng do quá trình mổ. Bệnh nhân của khoa nhỏ nhất là 28 ngày tuổi (rơi vào trẻ bị bệnh tim, teo động mạch bẩm sinh) và lớn nhất dưới 16 tuổi.

“Có những ca mổ xong, tình trạng không ổn thì phải mổ tiếp, cũng may số này rất ít. 6 giờ đầu sau mổ cần hồi sức, song có thể qua ngày thứ 2 tiên lượng đã khác đi”, bác sĩ Hội phân tích.

Đây là khoa đặc biệt, tiếp nhận bệnh nhân nặng (mổ chấn thương sọ não, tim bẩm sinh, màng phổi, dẫn lưu não thất, nhiễm trùng huyết, viêm màng não mũ, bỏng…), nên mỗi ca trực chỉ bằng nửa thời gian so với khoa khác, tức chỉ 12 giờ.

“Nhưng trong 12 giờ mỗi ca, 2 bác sĩ và 7 điều dưỡng căng sức làm việc hết mình, có những thời điểm bệnh nhân đông, nặng, áp lực lớn thì chuyện 3 giờ chiều mới ăn cơm trưa, 9-10 giờ đêm chưa ăn cơm tối là bình thường”, Điều dưỡng trưởng Lưu Thị Bốn, người có 26 năm công tác tại khoa chia sẻ.    

Cũng như tại phòng HSNK, những tiếng bíp... bíp... phát ra từ máy monitoring (dùng để theo dõi nhịp tim, huyết áp,…) vang lên liên hồi. Hàng chục bệnh nhân nằm bất động trên giường bệnh. Xung quanh họ là rất nhiều máy móc, dây truyền dịch, truyền thuốc. 6 năm nay, mỗi ca trực của chị Thu Huyền sau khi kết thúc giao ban vào lúc 8 giờ sáng là công việc nối tiếp công việc.

Xem từng bệnh nhân cần phải chăm sóc những gì, lên kế hoạch chăm sóc trong ngày cho họ và thực hiện y lệnh của bác sĩ. Ngoài ra, mỗi ngày, các điều dưỡng với sự hỗ trợ của hộ lý phải vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân 4 lần, làm vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân 3 lần, cách 2 tiếng phải xoay người, vỗ rung lồng ngực cho bệnh nhân 1 lần và hỗ trợ các kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân.

Mỗi điều dưỡng phụ trách khoảng 6 bệnh nhân, có khi hơn. Chuyện các điều dưỡng phải ăn vội hộp cơm trưa, không có thời gian để ngả lưng một chút là chuyện thường ngày.

Khoa GM - HS, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận gây mê - hồi sức khoảng 80 - 100 ca bệnh/ngày, với nhiều chuyên khoa như ngoại tiêu hóa, ngoại thần kinh, ngoại tiết niệu, ngoại chấn thương, răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng…

Bác sĩ CKII Huỳnh Đức Phát, Trưởng khoa GM-HS, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Các ca bệnh trước khi phẫu thuật thì có Ban giám đốc bệnh viện cùng các bác sĩ ở các khoa liên quan tiến hành hội chẩn. Tiếp đó, các bác sĩ khoa GM-HS sẽ thăm khám tiền mê trước phẫu thuật ít nhất một ngày và đánh giá tình trạng bệnh nhân cũng như ngưỡng chịu đau để có cơ sở gây mê và giảm đau cho bệnh nhân sau khi mổ”.

Điều dưỡng Khoa Nhi cấp cứu-hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đang chăm sóc cho bệnh nhi điều trị bệnh nặng tại khoa. Ảnh: H.N
Điều dưỡng Khoa Nhi cấp cứu-hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đang chăm sóc cho bệnh nhi điều trị bệnh nặng tại khoa. Ảnh: H.N

Sau mổ, những ca bệnh nhẹ sẽ được chuyển vào phòng Hồi tỉnh (HT). Những ca bệnh nặng sẽ được chuyển vào phòng HSNK. Bệnh nhân được thở bằng máy hỗ trợ, theo dõi huyết động bằng kỹ thuật cao như PICO, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch.

Đối với bệnh nhân chấn thương sọ não, các bác sĩ sẽ theo dõi áp lực nội sọ. Những bệnh nhân nặng có biểu hiện nhiễm trùng suy đa tạng, phải tiến hành siêu lọc máu.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng là nuôi dưỡng bệnh nhân. Khoa sẽ lên phác đồ, phối hợp với khoa Dinh dưỡng để nuôi dưỡng làm sao cho bệnh nhân được bảo đảm về dinh dưỡng để đủ sức vượt qua bệnh tật, nhanh chóng liền vết mổ, nhanh khỏe trở lại và có thể tự thở. Với những bệnh nhân không thể di chuyển được, phải thở máy, sử dụng những máy móc kỹ thuật cao, cần sự đánh giá tiếp theo thì phải đưa các loại máy chụp X-Quang, siêu âm… đến tận giường và sẽ có hệ thống che chắn, bảo đảm an toàn bức xạ.

Thời điểm chúng tôi đến, tại phòng HSNK đang có 38 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị. Các bệnh điều trị ở đây ngắn nhất là 24 - 48 giờ đồng hồ, nhưng cũng có bệnh phải điều trị kéo dài vài tháng.
Vài tháng hay vài năm, các y, bác sĩ không quản ngại, họ chỉ mong bệnh nhân mau bình phục để trở về nhà. Song, mỗi năm cũng có những ca bệnh không qua khỏi.

Những con số lạnh lùng đó trên bảng tổng kết từng năm luôn nhắc nhớ mỗi “thiên thần áo trắng” luôn nỗ lực, cố gắng hơn nữa, để mỗi cuộc đời sẽ được hồi sinh từ khoa đặc biệt này, để những người mẹ như chị L. được đón những cái Tết trọn vẹn bên chồng con.

Ghi chép của Hoàng Nhung – Khánh Quyên

;
;
.
.
.
.
.