Tôi nghĩ đến cụm từ này sau khi nghe lời chia sẻ của một bệnh nhân: “Điều tôi nhớ nhất sau khi rời Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đó là bàn tay mềm mại của bác sĩ Hằng”.
Kỹ thuật mới đã được các bác sĩ ở khoa Xạ trị áp dụng trên hơn 50 bệnh nhân. (Ảnh do BV cung cấp) |
Giữa năm 2019, chị T.H (sinh năm 1974, giáo viên một trường phổ thông trên địa bàn quận Thanh Khê) đi khám và được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 3. Thời điểm đó, chị thường xuyên đau bụng dưới, đau mỏi lưng, khí hư ra nhiều, màu sắc bất thường và có mùi khó chịu. Như bao người được chẩn đoán mắc ung thư khác, chị trải qua giai đoạn biến động tâm lý đầy khó khăn, nỗi sợ bệnh viện, sợ xạ trị đau đớn…
Lần đầu tiên bước chân vào Bệnh viện (BV) Ung bướu Đà Nẵng, chị đã mang trong mình mặc cảm của một bệnh nhân K: đeo kín khẩu trang, bước đi thận trọng nhìn trước ngó sau, giấu diếm bệnh tình (chỉ ba mẹ và chồng biết). “Thực ra khi cầm trên tay kết quả sinh thiết, tôi khá bình tĩnh, ít nhất là bình tĩnh hơn chồng và ba mẹ. Những ngày nằm chờ xạ trị ở bệnh viện, tôi khát khao được chữa bệnh, khát khao sống kinh khủng. Tôi may mắn là bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp xạ trị áp sát trong hốc kết hợp với xuyên mô dưới hướng dẫn MRI - là một trong những kỹ thuật tiến bộ nhất trong điều trị ung thư cổ tử cung hiện nay, vì vậy, tôi có niềm tin mình sẽ vượt qua căn bệnh này”, chị T.H nói.
Những ngày nằm ở BV Ung bướu Đà Nẵng là những ngày không thể nào quên trong cuộc đời chị T.H. Thời gian 1 tháng dài bằng 1 năm. Chị nhớ như in lần đầu tiên gặp bác sĩ Hằng - bác sĩ trực tiếp điều trị cho chị. “Tôi đang nằm uể oải, mệt nhọc trên giường bệnh thì nghe tiếng trao đổi bệnh tình giữa điều dưỡng và bác sĩ. Lúc đó, tôi thầm nghĩ trong lòng, người đâu mà thanh mảnh, dễ thương quá. Giọng nói thì hết mực ân cần, ngọt ngào. Khi bác sĩ thăm khám cho tôi, bàn tay cô ấy mềm mại, nhẹ nhàng, khiến cơn đau của tôi dịu đi rất nhiều. Tôi đã đi khám nhiều lần trước đó, chưa bao giờ có cảm giác ít đau đớn như lần này”, chị T.H nhớ lại.
Chị T.H là một trong những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp “Xạ trị đáp ứng ung thư cổ tử cung tiến xa tại chỗ dưới hướng dẫn MRI bằng kỹ thuật xạ trị áp sát suất liều cao trong hốc phối hợp xuyên mô”. Trong đó, xạ trị ngoài là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa năng lượng cao từ bên ngoài vào khối u trong cơ thể bệnh nhân và xạ trị trong đưa nguồn bức xạ vào trong khối u. Xạ trị ngoài sử dụng kỹ thuật IMRT và xạ trị áp sát đáp ứng dưới hướng dẫn của MRI là phương pháp điều trị chuẩn hiện nay trên thế giới.
Tại Việt Nam, trong khi xạ trị ngoài bằng kỹ thuật IMRT đã và đang được triển khai tại nhiều cơ sở thì xạ trị áp sát phần lớn vẫn được thực hiện dựa trên hình ảnh X-quang (2D). Kỹ thuật này có nhược điểm là không cho phép phân bố liều xạ cá thể hóa theo vị trí và thể tích khối u của từng bệnh nhân. Hiệu quả điều trị bị giảm đi do khối u có thể không nhận đủ liều xạ và tác dụng phụ nhiều hơn cho mô lành xung quanh. Một số trung tâm điều trị đã và đang bắt đầu thực hiện xạ trị áp sát dưới hình ảnh CT (3D), tuy nhiên chưa có trung tâm nào sử dụng hình ảnh MRI. Xạ trị áp sát trong hốc kết hợp với xuyên mô dưới hướng dẫn MRI trong điều trị ung thư cổ tử cung là kỹ thuật tiến bộ nhất trong lĩnh vực xạ trị áp sát và là xu hướng hiện nay.
Để thành thạo kỹ thuật này, ThS, BS Nguyễn Thị Hằng và ThS, BS Trần Thị Thanh (công tác ở khoa Xạ trị-BV Ung bướu Đà Nẵng) đã đồng lòng cắt phép cá nhân, tự bỏ tiền túi qua Ấn Độ học. Bác sĩ Thanh kể, những ngày ở Ấn Độ thực sự là những ngày gian khó với cả hai chị em. Trời nắng gay gắt như đổ lửa đến tận chiều, dân cư đông đúc, đường sá bụi bay mù mịt. Hai chị em đi học về là ở trong khách sạn vì bên ngoài rất hỗn loạn, cảnh sát cầm súng đứng đầy đường. Không chỉ đối diện với tình hình an ninh phức tạp mà thực phẩm của Ấn Độ cũng là thách thức không nhỏ với hai chị em. Những ngày đầu, thức ăn khó ăn đến nỗi dù đói, dù mệt lả nhưng cả hai cũng không thể nuốt trôi. “Nhưng vì đó là nơi có thể học tập nhiều về xạ trị nên hai chị em vẫn quyết tâm đi”, bác sĩ Thanh bày tỏ.
Đi học để nâng cao nghiệp vụ là việc thực sự cần thiết với bất kỳ ngành nghề nào, bác sĩ càng phải học nữa, học mãi. Vì đã xác định như vậy nên bác sĩ Thanh vẫn quyết tâm đi dù phải “thả” 2 đứa con nhỏ ở nhà. Vừa học mà vừa lo, không biết con đã ăn uống chưa, không biết giờ này chồng đã đón con chưa… Thực sự những lo lắng nóng ruột ấy, chỉ những ai làm mẹ mới hiểu. Bác sĩ Hằng thì kể rằng, đến giờ này, nghĩ đến món cà ri của Ấn Độ, chị vẫn còn… nổi da gà. May là khóa học chỉ kéo dài 10 ngày!
Chia sẻ về những khó khăn khi áp dụng kỹ thuật mới tại BV Ung bướu Đà Nẵng, bác sĩ Thanh nói rằng, từ ngày áp dụng kỹ thuật mới đến nay, hầu như chị và bác sĩ Hằng phải trực luân phiên không nghỉ. Bởi thời gian thực hiện một bệnh nhân mỗi lần xạ trị kéo dài trung bình 3-4 tiếng đồng hồ, đòi hỏi quy trình điều trị nghiêm ngặt, kỹ lưỡng của cả ê-kíp từ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xạ trị, kỹ thuật viên chụp MRI, kỹ sư tính liều. Do thiếu thốn về cơ sở vật chất, bệnh viện chỉ có duy nhất 1 bộ áp nên một ngày chỉ thực hiện tối đa được 2 bệnh nhân. “Kỹ thuật này giúp bác sĩ lâm sàng có thể đưa nguồn vào những vị trí khối bướu vẫn còn lớn sau xạ trị ngoài theo từng cá thể từng bệnh nhân cho phép xạ đủ liều vào khối bướu mà liều xạ vào mô lành trong giới hạn cho phép không bị tăng do đó kiểm soát được biến chứng muộn sau đó.
Đây là một thủ thuật đòi hỏi sự phân bố liều xạ chính xác vào mô bướu và giảm thiểu tối đa liều mô lành. Với ung thư cổ tử cung là loại nhạy xạ, do đó giảm thể tích sau mỗi lần xạ khá nhiều đòi hỏi bác sĩ phải thu gọn thể tích xạ. Nhờ có MRI phân biệt các mô bướu và mô lành tốt nên giúp bác sĩ thực hiện kỹ thuật này chính xác hơn”, bác Thanh nói.
Nghề nào cũng có những câu chuyện đặc biệt. Nghề y càng đặc biệt hơn khi liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Hằng năm, tỷ lệ phụ nữ nhiễm HPV, ung thư cổ tử cung, ung thư vú và các bệnh lý nguy hiểm khác không ngừng gia tăng. Đây là căn bệnh không ai mong muốn và bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể mắc phải. Khi cơ thể đang mang bệnh, con người ta bỗng trở nên yếu đuối, lúc đó, “y học dịu dàng” là liều thuốc giúp bệnh nhân vực dậy tinh thần. ThS, BS Nguyễn Thị Hằng nói rằng: “Dịu dàng là chìa khóa để hiểu bệnh nhân”.
Mỗi người bệnh đến với chúng tôi không chỉ cần hỗ trợ về chuyên môn mà cần nâng đỡ, chia sẻ rất nhiều về tinh thần để họ có niềm tin vượt qua bệnh tật. Được trải nghiệm cùng họ và chiến thắng bệnh tật là điều xúc động, thiêng liêng mà chỉ những ai mang áo blouse trắng mới có được. Mong ước của tôi là Việt Nam sẽ hợp tác với Hiệp hội Xạ trị châu Âu, mở lớp dạy trong nước, sẽ giúp mình giảm chi phí, có thể tham gia được nhiều khóa học bài bản như vậy.
QUỲNH TRANG