Từ chuyện cách ly giữa mùa Covid-19

.

Không phải đến bây giờ, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra khiến số người tử vong vượt qua con số một nghìn ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), câu chuyện cách ly người có nguy cơ nhiễm dịch bệnh mới được bàn đến.

Hơn 10 năm trước, năm 2007, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nắm luật và hiểu rõ về cơ chế lây lan dịch bệnh của mỗi công dân là điều cần thiết để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ngày 1-2-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về việc công bố Covid-19. Thời điểm ấy, Việt Nam ghi nhận 6 trường hợp nhiễm dịch bệnh này (4 người Việt và 2 người Trung Quốc). 6 ca mắc bệnh so với con số gần 12.000 người mắc trên thế giới (nhiều nhất là Trung Quốc), động thái ấy cho thấy rằng, Việt Nam dành sự quan tâm và đề cao vấn đề bảo đảm an toàn sức khỏe cho công dân mình.

Sau công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành đều bắt tay vào việc triển khai tình hình phòng, chống dịch. Chưa bao giờ, người ta thấy tinh thần phòng, chống dịch bệnh được đề cao cảnh giác, tuyên truyền đến tận từng người dân. Một cuộc chiến chính thức “chống dịch như chống giặc” được triển khai cấp tốc. Các trường học tạm thời đóng cửa, các cơ quan, công sở tiến hành tiêu độc khử trùng, và nêu cao tinh thần giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh…

Việt Nam không chỉ là điểm đến của khách du lịch, trong đó có số lượng lớn du khách đến từ các vùng phát sinh Covid-19 mà có rất nhiều lao động từ Việt Nam xuất khẩu sang làm việc và du học sinh theo học tại các tỉnh, thành của Trung Quốc - nơi được xem là điểm khởi phát của Covid-19 trước khi được phát hiện ở nhiều nước khác. Và việc họ trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động hoặc kết thúc một học kỳ trở thành nguy cơ tiềm ẩn làm lây lan dịch bệnh.

Đến ngày 13-2, Việt Nam có 16 ca dương tính với Covid-19. Ai cũng hiểu rằng, với bệnh truyền nhiễm thì cùng với các biện pháp can thiệp y tế để điều trị cho người bị mắc bệnh, việc kịp thời khoanh vùng, cách ly là một trong những yếu tố quan trọng nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan. Sự vào cuộc của chính quyền, các ban, ngành liên quan trong thực hiện cách ly nhằm ngăn chặn bệnh thuộc nhóm truyền nhiễm là điều đương nhiên. Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã làm điều đó ngay từ rất sớm.

Trên thực tế, chỉ cách ly thôi chưa đủ, cần thêm ý thức tự cách ly của chính bản thân mỗi người trước nguy cơ tiềm ẩn về việc bị lây nhiễm bệnh.

Điều này đòi hỏi bản thân người trở về từ vùng có dịch và người nghi có tiếp xúc với người được xác định dương tính với Covid-19 hoặc đến từ các vùng có dịch bệnh phải đề cao cảnh giác để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân và cộng đồng.

Còn nhớ cách nay không lâu, trường hợp một nữ sinh Quảng Nam du học ở Vũ Hán trở về được một thời gian đã bị sốt phải nhập viện. Trong khoảng thời gian từ khi trở về từ Vũ Hán vào ngày 19-1 đến ngày 31-1 thì bị sốt, nữ sinh này vẫn sinh hoạt bình thường và chắc chắn đã tiếp xúc với nhiều người khác. Dù kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhưng hẳn nhiều người từng tiếp xúc không tránh khỏi lo lắng trong suốt thời gian cô bị cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.

Không may mắn như nữ sinh này, 8 nhân viên của một công ty ở Vĩnh Phúc sau chuyến tập huấn ở Vũ Hán trở về thì  đến nay có 5/8 người bị nhiễm Covid-19. Không chỉ vậy, virus từ họ còn lây nhiễm sang những người xung quanh, đặc biệt có một em bé mới 3 tháng tuổi bị nhiễm bệnh. 

Ca nhiễm Covid-19  thứ 16 ở Việt Nam là người thứ 4 trong gia đình của nhân viên công ty tập huấn từ Vũ Hán trở về. Ngày 13-2, cơ quan chức năng phải lập chốt, khoanh vùng cách ly để ngăn chặn dịch lây lan ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)-nơi có số người phát hiện dương tính với Covid-19 cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Trong những trường hợp kể trên, nữ sinh quê Quảng Nam trở về ngày 19-1, còn 8 nhân viên ở Vĩnh Phúc trở về từ ngày 17-1. Nên nhớ rằng, trước thời điểm đó, tâm dịch Vũ Hán đã bùng lên khá mạnh mẽ và có những ca tử vong đầu tiên. Thế nhưng khi trở về, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên họ không thực hiện các giải pháp cách ly. Chính nữ sinh quê Quảng Nam cũng thừa nhận trên trang cá nhân rằng, mình có chủ quan trong phòng dịch.

Trở lại với vấn đề tự cách ly để thấy rằng, bản thân mỗi người cần phải nắm rõ cơ chế lây lan của dịch bệnh, thông qua các phương tiện truyền thông, cảnh báo từ các đơn vị chức năng. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi mỗi người phải tự tìm hiểu và chắt lọc như một kỹ năng.

THIÊN LAM

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.