Do Covid-19, niềm hy vọng kinh tế thế giới phục hồi trong năm 2020 trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngành du lịch chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất bởi lực lượng lao động quá đông.
Một khu phố Trung Quốc ở Manhattan (New York, Mỹ) vắng người. |
Kinh tế thế giới đầu năm 2020 có chút khởi sắc nhưng Covid-19 đã làm tổn thương chuỗi du lịch, thương mại và cung ứng trên toàn thế giới. Chỉ số Baltic Dry về hướng tới thương mại toàn cầu đã giảm một nửa và giá dầu dự báo sẽ giảm khoảng ¼ vào cuối năm nay. Thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua đợt bán tháo lớn.
Hãng tin CNN nhận định đây là cú đánh vào ngành “công nghiệp không khói” mạnh nhất kể từ thảm họa 11-9-2001 tới nay. Du lịch là một trong những ngành công nghiệp mạnh nhất thế giới với doanh thu 5.700 tỷ USD và 319 triệu việc làm, tương đương 1/10 lực lượng lao động toàn thế giới. Mọi thứ ngưng trệ bởi vì các chuyến bay thương mại hay du lịch bị hạn chế hoặc hủy. Kinh tế trưởng Mark Zandi của Tập đoàn tư vấn Moody cho biết: “Nó đã ảnh hưởng trực tiếp và ngay tức thì”.
Cú đánh mạnh vào ngành du lịch sẽ là lực cản rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu nếu SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan. Không có bất cứ ngành công nghiệp nào chiếm số nhân lực lớn như du lịch. Sự đa dạng của ngành này không đơn giản chỉ là hàng không và khách sạn mà còn là bán lẻ, nhà hàng, công nghệ… Công dân Trung Quốc trở thành khách du lịch toàn cầu thường xuyên nhất thế giới với 180 triệu hộ chiếu, so với 147 triệu người Mỹ có hộ chiếu. Hãng hàng không United Airlines tuần này xác nhận nhu cầu du lịch của người Trung Quốc giảm gần như hoàn toàn và giảm khoảng 75% nhu cầu đi lại ngắn hạn trong phần còn lại của châu Á.
Khó khăn của ngành du lịch đã mở rộng ra ngoài thị trường Trung Quốc. Một số hội nghị lớn dự kiến thu hút tầm hơn 100.000 người đều bị hủy bỏ, ngay cả khi địa điểm tổ chức chưa có dịch. Các hội nghị lớn bị hủy như về thế giới di động ở Barcelona, triển lãm Motor ở Geneva, triển lãm thương mại du lịch ở Berlin dự kiến khoảng 160.000 người góp mặt. Tất cả các chuyến công tác đang bị hủy bỏ hoặc tạm dừng vì mối quan tâm của các công ty với nguy cơ rủi ro cho nhân viên. Các tập đoàn lớn như Amazon khuyến khích nhân viên hạn chế đi lại nếu cảm thấy không cần thiết. Hiệp hội Kinh doanh du lịch toàn cầu khảo sát 400 doanh nghiệp lớn thì gần một nửa hủy bỏ hoặc hoãn các cuộc họp hay du lịch, khiến cho 37% doanh thu du lịch-kinh doanh có nguy cơ bị mất.
Du lịch giải trí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người Mỹ vốn hứng thú với những chuyến du lịch giải trí mùa xuân và mùa hè đã buộc phải xem xét kế hoạch xa nhà của mình. Trong số 1.200 người được hỏi thì 1/8 cho biết suy nghĩ về chuyện có nên du lịch trong thời điểm virus Corona lây lan quá nhanh. Có người còn lo lắng tình trạng du lịch vắng teo này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng nữa.
Chưa có số liệu về cắt giảm việc làm trong ngành du lịch nhưng khả năng hàng triệu người thất nghiệp trong thời gian tới nếu như nhu cầu đi lại tiếp tục suy giảm.
Những mảng công việc có thu nhập thấp nhất trong ngành như dọn phòng khách sạn, phục vụ bàn càng lao đao hơn bởi họ phải cắt giảm chi tiêu của cá nhân và gia đình. Giáo sư Sung Won Sohn thuộc Trường Đại học Loyola Marymount (Los Angeles, California, Mỹ) nhận định: “Một bộ phận người dân cắt giảm chi tiêu sẽ tác động lên toàn thế giới. Virus Corona tác động mạnh lên ngành du lịch, tạo sự sụt giảm đáng kể thị trường tài chính, chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất, bán lẻ, giảm giá năng lượng và sản xuất do tiêu thụ giảm. Nó sẽ dẫn tới cuộc suy thoái toàn cầu”.
ANH THƯ (theo CNN)