Hòa bình Nam Sudan

.

Nam Sudan ngập trong chiến tranh từ cuộc chiến ly khai khỏi Sudan cho tới nội chiến đã khiến quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới rơi vào kiệt quệ. Sức ép quốc tế quá lớn buộc các bên phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình nhưng liệu có lâu bền hay không?

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit (trái) và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar.  Ảnh: Yahoo News
Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit (trái) và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar. Ảnh: Yahoo News

Chiến tranh, chết chóc và nghèo đói

Nam Sudan ra đời năm 2011 sau cuộc chiến ly khai đẫm máu khỏi Sudan. Chỉ hai năm sau, nội bộ lãnh đạo bất hòa khi Tổng thống Salva Kiir sa thải Phó Tổng thống Riek Machar vì cho rằng vị phó có ý định đảo chính. Ông Machar ngay lập tức trở thành lãnh đạo phe nổi dậy và đẩy đất nước non trẻ nhất thế giới vào nội chiến tới tận bây giờ.

6 năm trời nội chiến khiến cho nỗ lực xây dựng đất nước thất bại, thậm chí đẩy người dân vào cảnh khó khăn và chết chóc. Cuộc chiến đã làm ít nhất 400.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa; 2,2 triệu người di cư sang các nước láng giềng và 190.000 người sống trong sự bảo vệ trực tiếp của Liên Hợp Quốc (LHQ). LHQ cho biết 7,5 triệu người cần viện trợ (dân số cả nước là 13 triệu), trong đó hơn 1,1 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Các bệnh viện ở thủ đô Juba không có điện và nhân viên làm việc không được trả lương đúng hẹn.

Hậu quả của nội chiến chưa phải là hết. Thiên tai tấn công khiến Nam Sudan thêm kiệt quệ. Lũ lụt gần đây ảnh hưởng tới gần 1 triệu người. Nạn châu chấu dự báo sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực. Ủy ban Cứu hộ quốc tế chứng kiến quá nhiều trẻ em suy dinh dưỡng tại các phòng khám của mình. Celin Bore, Phó Giám đốc Ủy ban Cứu hộ quốc tế tại Nam Sudan, kêu gọi chính phủ tăng cường an ninh để có thể tiếp cận cứu trợ một số khu vực bạo lực leo thang.

Sức ép quốc tế

Tổng thống Salva Kiir và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar từng hai lần nỗ lực đàm phán hòa bình nhưng thất bại. Thỏa thuận hòa bình được nêu ra trong năm qua với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Mỹ, LHQ cũng như các nước láng giềng Uganda, Ethiopia và Sudan đã gặp Kiir và Machar để giải quyết thỏa thuận. Mỹ vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình độc lập của Nam Sudan áp đặt các biện pháp trừng phạt với các thành viên chính phủ Kiir. Ngay cả Giáo hoàng Francis đã hôn chân Kiir và Machar trong khoảnh khắc gặp nhau hồi năm ngoái. Mỹ tuyên bố trước khi hạn chót cho thỏa thuận chia sẻ quyền lực vào ngày 22-2 vừa qua rằng sẽ áp đặt trừng phạt nặng nề hơn nữa với bất cứ ai làm cản trở thỏa thuận này.

Hai bên đã có nhượng bộ nhất định trước sức ép quốc tế. Ông Kiir chấp nhận yêu cầu giảm số bang từ 32 xuống còn 10, bởi ông Machar cho rằng cách phân địa giới như thế có lợi cho nhóm dân tộc Dinka của Kiir. Ngược lại, Machar không được đưa lực lượng an ninh cá nhân vào thủ đô Juba vì e ngại lặp lại bạo lực làm rung chuyển thành phố vào tháng 7-2016 khi thỏa thuận hòa bình lần cuối cùng thất bại. Cuối cùng thỏa thuận cũng đã đạt được. Tổng thống Kiir bổ nhiệm Machar trở lại làm Phó Tổng thống. Bộ trưởng Ngoại giao Nam Sudan, Awut Deng Acuil nói rằng thỏa thuận đã chấm dứt đau khổ cho nhân dân và mở ra thời kỳ hòa bình lâu dài.

Hòa bình lâu dài?

Chính phủ mới sẽ lãnh đạo đất nước trong 3 năm để tiến hành bầu cử. Giờ đây, Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Macher sẽ hợp tác để quyên tiền cho các nỗ lực phục hồi đất nước, hợp nhất lực lượng an ninh thành quân đội duy nhất để tạo tiền đề cho cuộc bầu cử tiếp theo mà họ sẽ phải đối mặt với các ứng cử viên tổng thống khác. Kết thúc nội chiến chỉ là điều kiện ban đầu, tái thiết và xây dựng đất nước cần Nam Sudan hòa bình trong nhiều thế hệ, một quãng thời gian thực sự thách thức chính quyền lâm thời.

Hai bên đành chấp nhận thỏa thuận hòa bình trước sức ép quốc tế nhưng vẫn còn nhiều điểm sai biệt rất lớn. Chẳng hạn như Tổng thống Kiir chấp thuận hạ từ 32 bang từ năm 2015 xuống còn 10 bang như ý kiến của Phó Tổng thống Machar nhưng cách ông tạo ra 3 khu vực hành chính Pibor, Ruweng và Abyei lại không được ông Machar thuận ý. Lý do là cả ba khu vực đều xảy ra ​​bạo lực sắc tộc. Khu vực Ruweng sản xuất dầu mỏ chính được ông Kiir đưa vào diện liên bang quản lý càng không được Machar tán đồng.

Ông Kiir cho biết sẽ cung cấp an ninh cho Machar nhưng Phó Tổng thống thì muốn chính phủ lâm thời phải bảo đảm an ninh cho các nhóm đối lập khác. Đó là lý do để các chuyên gia phân tích chính trị thế giới nhìn nhận, những bất đồng quá lớn như thế buộc hai bên phải hết sức kiềm chế trong quá trình điều hành đất nước mới hy vọng có hòa bình cho tới ngày bầu cử 3 năm nữa.

ANH THƯ (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.