Mang yêu thương làm đẹp cho đời

.

Với nhiều người phụ nữ, cuộc sống của họ không chỉ gói gọn trong bổn phận làm vợ, làm mẹ, mà thẳm sâu trong tâm hồn là niềm mong mỏi muốn sẻ chia, mang yêu thương làm đẹp cho đời…

Chị Phùng Kim Hương trong một chuyến từ thiện về vùng núi Quảng Nam.  Ảnh: H.L
Chị Phùng Kim Hương trong một chuyến từ thiện về vùng núi Quảng Nam. Ảnh: H.L

Có lần, cô giáo Phùng Kim Hương (đã về hưu), hiện sinh sống tại đường Thanh Long, phường Thanh Bình, quận Hải Châu tâm sự với tôi rằng, bản thân mỗi em học sinh sẽ sinh hoạt, ăn uống như thế nào với 460.000 đồng mỗi tháng? Không phải ngẫu nhiên chị lại đặt câu hỏi đó cho tôi, một câu hỏi chứa đựng trăn trở, băn khoăn cho tương lai tụi nhỏ. Chị kể, khi nhận được thông tin này từ những đồng nghiệp ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chị thật sự băn khoăn. Đó là số tiền quá ít ỏi cho việc sinh hoạt, ăn uống trong vòng 1 tháng của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

“Đợt ấy, thầy Hưng, giáo viên của Trường Trà Dơn cho tôi biết năm học này trường có 290 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó bán trú 210 em. Trường nằm ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam, 100% học sinh là người dân tộc Cadong. Nơi đây người dân chỉ biết làm nương rẫy, thu nhập mỗi tháng chỉ ước chừng khoảng 200.000 đồng/người nên việc cha mẹ giao phó con cái cho nhà trường nuôi, dạy cũng là điều dễ hiểu. Gọi là trường bán trú nhưng thật ra các em ở lại trường gần như cả tháng. Có khoảng 50-60 em nhà ở xa trong núi, đường lên thôn bản phải qua rừng, sông, suối, đi bộ mất hơn ngày đường nên mỗi năm chỉ đến dịp lễ, Tết hoặc nghỉ hè học sinh mới trở về nhà”, chị Hương chia sẻ.

Cũng theo chị Hương, với 460.000 đồng/em thì tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi em chỉ hơn 15.000 đồng, bao gồm cả tiền mua xà phòng, dầu, mắm, gia vị, nguyên liệu nấu bếp, thuốc thang khi đau ốm. Nếu số tiền này chi vượt khung, thì số tiền khác phải bóp lại, sao cho cuối tháng các em không lâm vào cảnh đói. Cả trăm em dồn lại, bữa ăn nhìn cũng có chút thịt cá, nhưng không tới đâu, chỉ là ăn nhín nhịn thèm. Ăn sáng thì nấu cơm với chút cá mắm, thỉnh thoảng trường đặt cho mỗi em cái bánh ú cải thiện... Trời lạnh, thiếu mền đắp, nhiều em bỏ lớp về nhà đốt lửa. Hết vở viết, có em cũng trốn về nhà, thầy cô lại phải tìm lên thôn bản để huy động học sinh đến lớp.

Ngày nhận được những thông tin này từ thầy giáo Hưng, chị Hương và nhóm bạn đồng hành trong hành trình thiện nguyện của mình vô cùng trăn trở. Mọi người tính toán, nếu tặng quà cho 290 em, gồm mùng, mền, áo ấm, bút vở, kinh phí phải chi khoảng 50 triệu đồng. Khó khăn là vậy, nhưng không thể biết học sinh đang gặp khó mà không giúp. Bằng uy tín cá nhân, trong vòng một tháng, chị Hương và mọi người đứng ra kêu gọi đủ nguồn kinh phí dự kiến, tổ chức chuyến đi Trà Dơn. “Một tuần trước khi đi, chúng tôi chọn mua áo ấm, đóng gói mùng mền, chia phần bánh kẹo cho các em. Quà đợt đó mang lên cho các em gồm 1.420 cuốn vở, 284 áo ấm, 284 chăn mền. Riêng 32 cái mùng được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Phú Yên nhận để dùng cho 8 phòng ở với 201 em.

Ngoài ra, còn có 284 phần bánh kẹo dành cho buổi giao lưu, văn nghệ được tổ chức vào buổi tối tại sân trường. Cũng trong lần đi ấy, chúng tôi được thầy, cô giáo đưa đi xem nơi ăn ở của học sinh. Bữa ăn trưa được tổ chức khá quy củ, phần ăn mỗi em đựng trên khay i-nox rất sạch sẽ. Tuy nhiên, quan sát kỹ, chúng tôi thấy mỗi phần ăn chủ yếu là cơm với một ít rau dưa, thêm một miếng cá nhỏ. Với số tiền ít ỏi cho một em mỗi tháng, thì việc ăn uống kham khổ là điều không thể tránh khỏi. Có lẽ vì vậy mà học sinh ở đây đều gầy gò, nhỏ bé. Có em học lớp 8 mà trông chỉ như em bé lớp 3 dưới xuôi, nhìn thật xót xa”, chị Hương bày tỏ.

Lần ấy, trong chuyến xe từ Trà Dơn trở về Đà Nẵng, chị và những người bạn đồng hành hứa với nhau sẽ tiếp tục quay lại Trà Dơn với quạt điện, thêm sách giáo khoa và các loại sách tham khảo khác. Chị Hương bộc bạch: “Trong mỗi căn phòng bán trú rộng chừng 20m2 là 28 học sinh nằm sắp lớp nhưng không có máy quạt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hỗ trợ các em trong điều kiện cho phép, lâu dài và bền vững hơn, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cũng như động viên các em cố gắng học hành, vươn lên trong cuộc sống”.

Là con gái đầu lòng của cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa (người thành lập nhóm thiện nguyện ACE Thiện Văn Đà Nẵng), chị Đặng Hoàng My (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) ngay từ khi còn nhỏ đã theo chân ba tham gia hành trình thiện nguyện. Những chuyến đi ngày nhỏ cùng ba được chị gói ghém thành kỷ niệm, trở thành niềm tin yêu và lý tưởng sống cho mình.

Có chút kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thiện nguyện, những năm qua, chị Hoàng My cùng bạn bè khi thì góp tiền, mua quà làm trung thu cho trẻ con nhà nghèo, khi ngược xuôi cùng mẹ - cô giáo Hoàng Thị Mỹ Hạnh - tiếp nối hành trình thiện nguyện cùng ACE Thiện Văn Đà Nẵng đến các huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum… Trong vòng 10 năm trở lại đây, chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh tham gia kêu gọi, lên kế hoạch, tổ chức hàng chục chuyến trao quà đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Từng là giáo viên cho đến ngày về hưu, chị Hạnh cho biết mình rất thương học trò, thương những gia đình luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh tiếp tục cho con bám trường, bám lớp.

Do đó, bất cứ khi nào có thông tin về học trò nghèo, chị lại cùng nhóm bạn thu xếp lên đường tìm hiểu, tìm kiếm nguồn kinh phí. Chị nói rằng, mỗi năm, chị và nhóm bạn chỉ tổ chức từ 2 đến 3 hoạt động thiện nguyện, chủ yếu dành cho học trò nghèo vùng đồng bào dân tộc khó khăn, trung bình từ 50-100 triệu đồng/hoạt động. “Dù ít, nhưng chúng tôi hướng vào chất lượng, tìm hiểu cặn kẽ nhu cầu, khó khăn của học trò để mang đến những phần quà ý nghĩa. Với mỗi phần quà cho đi, chúng tôi chỉ mong nhận về những niềm vui từ các em, mong các em luôn mạnh khỏe và không dở dang câu chuyện học hành”, chị Mỹ Hạnh tâm sự.

Tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhiều chị em chia sẻ rằng, đó là cách mỗi người nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, lòng yêu thương và cảm xúc đẹp - dẫu không ít lần nặng trĩu vì thương một phận đời - của mình. Và hơn hết, đó cũng là cách những người phụ nữ muốn giáo dục con cái của mình.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.