1. Trang (sinh năm 1984, trú quận Hải Châu) mở đầu câu chuyện bằng triết lý sống khá dí dỏm: “Mỗi khi đi máy bay, tôi thường nghe các tiếp viên nhắc: “Nếu có sự cố xảy ra, hành khách nên đeo mặt nạ cho mình trước, sau đó mới trợ giúp trẻ em hoặc khách đi cùng”. Trong cuộc sống cũng vậy, bản thân mình phải ổn, phải hạnh phúc thì năng lượng tích cực ấy mới lan đến con cái và những người xung quanh. Vì nghĩ như vậy nên khi đời sống vợ chồng không còn hạnh phúc, tôi đã quyết định dừng lại”.
Chị Quyên (bên phải) mạnh mẽ khởi nghiệp trở lại. Ảnh: H.A |
Trang đang sống cùng cô con gái 9 tuổi, làm chủ 3 căn homestay, chuyên tư vấn, thiết kế nội thất, và cả giám sát công trình. Facebook cá nhân của cô ngập tràn hình ảnh những chuyến công tác, du lịch trong và ngoài nước. Miêu tả như vậy dường như cũng chưa đủ để nói về người phụ nữ này. Ở Trang toát lên vẻ tự tin, ngời sáng, mà hiện nay, người ta hay gọi là… thần thái! Dường như biến cố hôn nhân chỉ làm cô thêm mạnh mẽ, thêm tự tin và thêm đẹp!
Trang bảo, mỗi người đều có một lý do riêng khi quyết định đơn thân nuôi con. Nhưng hầu hết đó đều là sự lựa chọn cuối cùng của phụ nữ khi họ đã bế tắc trong mối quan hệ đó và theo họ không còn cách giải quyết nào tốt hơn. Khi chấp nhận sự thật, họ cũng không cần được tôn vinh là mạnh mẽ, bản lĩnh; cũng không phải để hứng chịu sự dèm pha, dè bĩu của người đời, mà mục đích duy nhất là đem lại bầu trời bình yên cho đứa con.
Nhìn Trang đẹp, thành công như hiện tại, không mấy ai tin cô từng trải qua cuộc sống “không có một đồng trong túi” thời hậu ly hôn. Đó là những ngày Trang vừa từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng, trốn chạy cuộc hôn nhân thất bại. Thời điểm đó, Đà Nẵng chưa có nhiều công ty chuyên về thiết kế nội thất - nghề nghiệp chính của Trang. “Có những ngày, mình không dám ra đường vì sợ xe hết xăng không có tiền đổ”, Trang nhớ lại. Nhìn con còn nhỏ đã thiếu hơi cha, cô nguyện sẽ bằng mọi cách đem lại cho con cuộc sống đầy đủ để bù đắp. Trang lao vào làm việc đêm ngày. Những thành quả nhỏ bắt đầu đến.
Từ một căn homestay gần biển, Trang mua tiếp 1 căn hộ nữa. Và mới đây, lại tiếp tục thuê, xây dựng và cải tạo một căn nhà cũ thành homestay mới theo phong cách Đà Nẵng xưa. “Chia tay chồng, mình cũng có những nuối tiếc. Nhưng không phải nuối tiếc vì mình còn tình cảm với chồng mà nuối tiếc vì con gái nhỏ đã phải sống một cuộc sống không có đủ đầy cả bố và mẹ như các gia đình khác.
Có giai đoạn, bé rất nhớ ba, liên tục đòi gặp ba. Mình cảm giác trầm cảm đến nơi. Càng về sau thì cuộc sống của hai mẹ con càng dễ thở hơn. Mình quá bận rộn với các dự án nên không còn chỗ để buồn hay cô đơn nữa. Dù cuộc sống hiện tại rất ổn nhưng mình khuyên những người phụ nữ đang gặp trúc trắc trong hôn nhân rằng, hãy suy nghĩ thật kỹ, thật kỹ, rồi mới quyết định ly hôn hay không. Bởi khoảng thời gian hậu ly hôn quả thực rất khó khăn. Các bạn sẽ không thể lường trước nó khó khăn đến nhường nào đâu. Mình tưởng đã phát điên trong thời gian ấy. Còn nếu đã quyết ly hôn thì bên cạnh thời gian cho gia đình, hãy dành thời gian chăm sóc cho bản thân và tìm một công việc thật tốt. Khi bạn vững vàng về kinh tế, cuộc sống của bạn đã dễ dàng 70% rồi”, Trang trải lòng.
2. Cùng tuổi với Trang, Nguyện (nhà thiết kế thời trang, trú quận Hải Châu) cũng là một phụ nữ ly hôn đang nuôi con nhỏ. Nếu ai theo dõi trang fanpage bán hàng của cô sẽ không ít lần cảm động với những tâm tình chắt chiu của Nguyện về hai cô con gái. Mới đây, Nguyện chia sẻ: “Hai mẹ con đi dạo về thì Nâu nhẹ nhàng rút ra một mảnh giấy kẹp lại, được bấm ghim cẩn thận. Nâu nói mình cầm đi.
Ngạc nhiên khi mở ra là tờ 10.000 đồng. Mình hỏi sao con lại đưa mẹ?
Nâu nói: “Con cho mẹ đó! Con sợ mẹ không có tiền”. Chỉ có vậy thôi đó. Mà xúc động nghẹn lòng. Tối nay được ở bên cạnh con. Được ôm vào lòng, được ngửi mùi của con, được xoa mái tóc mềm... sướng gì mà sướng. Mình, hẳn là người mẹ hạnh phúc. Rất hạnh phúc”.
Nguyện có nỗi khổ riêng khi phải chia cắt hai con, đứa ở với ba, đứa ở với mẹ. Mỗi khi cô con gái lớn được về bên mẹ, facebook cô tràn ngập hình ảnh tíu tít của ba mẹ con. Nguyện có thói quen viết “tút” rất khuya, khi mà bé Nấm - con gái sau đã say ngủ. Nhiều khi đọc được “tút” của Nguyện giữa đêm, chợt chạnh lòng, hẳn cô gái ấy đang cô đơn và buồn bã lắm. Mấy ai giấu được nỗi buồn vào lòng mọi lúc, mọi nơi? “Thời điểm mới ly hôn, mình chông chênh lắm. Người ta có đủ cả vợ cả chồng, nuôi dạy con còn vất vả nữa là mình có một mình. Nhưng số phận đã vậy thì mình quyết tâm phải cân bằng cuộc sống để làm chỗ dựa cho con. Bởi thế mình cố gắng dẹp tất cả các suy nghĩ tiêu cực sang một bên. Mình không còn nghĩ đến những chuyện buồn trong quá khứ nữa, lấy con làm động lực, công việc là niềm vui mà tiếp tục sống, tiếp tục cày cuốc để chăm sóc, bù đắp cho con cả về vật chất lẫn tinh thần”, Nguyện chia sẻ.
Chắc chắn, khi chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân, điều mà người phụ nữ bận tâm, lo lắng, trăn trở nhất là làm sao nuôi dưỡng, dạy dỗ, yêu thương để con được phát triển như bao đứa trẻ khác, con không thấy tự ti với xã hội về hoàn cảnh của bản thân. Nguyện cũng không ngoại lệ. Hiện tại, vợ chồng tuy không còn đi chung một con đường nhưng Nguyện rất thẳng thắn về những trách nhiệm của hai vợ chồng trong việc nuôi dạy con. “Quan điểm của tôi là chuyện người lớn là chuyện của người lớn, trẻ con thì vẫn cần có tình thương của cả bố lẫn mẹ. Tôi không ích kỷ cấm con gặp bố hoặc không cho bố thăm con. Giữa hai vợ chồng tôi có một giao ước rõ ràng là hằng tuần vẫn có thể hẹn nhau cùng đưa con đi chơi, coi như bố đi làm xa nhà và về thăm hai mẹ con. Trước mắt là như vậy, sau này khi con lớn, tôi sẽ nói chuyện với con một cách đàng hoàng và giải thích cho con hiểu. Tôi nghĩ là con sẽ hiểu và cảm thông cho sự lựa chọn của tôi bây giờ”, Nguyện bày tỏ.
3. Khác với hai cô gái ở trên, doanh nhân Trần Tú Quyên (sinh năm 1972), người sáng lập Công ty Sản xuất và Thương mại Thảo mộc An Nhiên (quận Thanh Khê) gặp đổ vỡ hôn nhân khi tuổi không còn trẻ. Sau cú sốc thất bại trong sự nghiệp, cú sốc thất bại hôn nhân đã nhấn chìm người phụ nữ này trong những tháng ngày tăm tối. Trong cơn bĩ cực, chị quyết tâm khởi nghiệp trở lại. Chị lao vào nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh bằng cách ngâm chân với thảo dược. Với số vốn ban đầu chỉ vài triệu đồng, Quyên tự mày mò và học cách chế biến các loại thảo dược từ cây cỏ. “Những biến cố trong cuộc sống đã khiến tôi mất ngủ triền miên. Sợ tác dụng phụ của thuốc Tây nên tôi đã tìm đến cây cỏ phương nam để tìm lại giấc ngủ cho mình. Sau khi thấy hiệu quả ở bản thân, tôi gửi tặng sản phẩm cho bạn bè, người thân. Nhận được phản hồi tốt nên năm 2018, tôi quyết định mở công ty”, Quyên kể. Mang tiếng lập công ty nhưng số vốn ban đầu Quyên có chỉ vài chục triệu đồng.
Chị phải tự thiết kế nhãn mác và bao bì, mày mò công thức chế biến, sản xuất và đóng gói, vì “không ai dám cho một người từng phá sản vay tiền nên tất cả đều phải tự thân vận động”. Nói về hành trình tạo ra sản phẩm thảo mộc, Quyên bảo, thời điểm khó khăn ấy, chị chỉ nghĩ đơn giản phải tạo ra được sản phẩm nào đột phá, có tác dụng chậm lão hóa, khử mùi cơ thể, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cho phụ nữ và người nhà của họ, chưa hề có trên thị trường. Vì không có vốn, nên mỗi khi bán một sản phẩm, Quyên lại quay vòng vốn để mua nguyên liệu và sản xuất. Chất lượng sản phẩm và sự tận tụy với khách hàng là hai trong số những yếu tố khiến khách hàng kể với người khác về sản phẩm, dịch vụ của chị. Hiện tại, công ty của Quyên bán ra thị trường 28 sản phẩm.
Trong đó, nổi bật là những túi thảo mộc ngâm chân (dạng túi lọc) để trị các bệnh gút, khớp, mùi hôi chân… Ước mong của nữ doanh nhân này là khi mở rộng quy mô công ty sẽ nhận những phụ nữ đơn thân, lớn tuổi, không có trình độ, kinh nghiệm… vào làm việc. “Người ta thường hay nhìn vào quá khứ của người phụ nữ để đánh giá năng lực của họ. Tôi thì không. Là một người phụ nữ từng thất bại cay đắng trong sự nghiệp và hôn nhân, tôi nhận ra rằng, bản thân phụ nữ rất giá trị, càng bị vùi dập, tổn thương, họ càng vươn lên mạnh mẽ, chỉ cần cho họ một lý do”, Quyên nói.
Những bà mẹ đơn thân thường bị chỉ trích là ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà quên đi đứa con sẽ bất hạnh bao nhiêu khi thiếu vắng sự chăm sóc, yêu thương của người cha. Nhưng người ta quên rằng, người phụ nữ chấp nhận buông tay là khi họ không còn khả năng níu giữ. Và nếu họ cố gắng duy trì cho một gia đình đã tan vỡ, để con cái sống trong ngôi nhà ngụy tạo tình thương thì còn bất hạnh biết nhường nào.
Hải Âu