Năm 2015, chị Trần Thị Thanh Huyền (sinh năm 1983), sáng lập viên Trường mầm non Hoa Hướng Dương (Sunflower Steiner Kindergarten) mạnh dạn tìm đến phương pháp giáo dục Waldorf, mục đích ban đầu là dạy con mình. Từ một nhóm trẻ chỉ có 5 bé, đến nay chị đã tạo dựng được một môi trường học tập tốt với hơn 50 trẻ từ 2-6 tuổi; mỗi năm cho ra trường gần 20 em có đầy đủ kỹ năng cần thiết có thể tự tin bước vào lớp 1.
Chị Huyền (trái) cùng chuyên gia Thanh Cherry giới thiệu về sự phát triển phong trào giáo dục Steiner-Waldorf tại Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Nỗ lực tiếp cận phương pháp mới
Phương pháp giáo dục Waldorf (là sự kết hợp giữa các nội dung nghệ thuật, kiến thức song song với thực hành, tập trung vào các kỹ năng xã hội và các giá trị tinh thần cho trẻ) không hề xa lạ ở nước ngoài, nhưng vẫn còn mới ở Việt Nam.
Cách đây 5 năm, chỉ có một nhóm nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh áp dụng phương pháp này với cái tên Thỏ Trắng. Do đó, để tiếp cận phương pháp giáo dục mới này, chị Huyền phải thường xuyên vào thành phố Hồ Chí Minh tham dự các buổi hội thảo do Thỏ Trắng tổ chức, đồng thời mời các chuyên gia nước ngoài về dạy và nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, Huyền học thêm nhiều chuyên ngành khác như ngoại thương, tài chính, kế toán Mỹ, kế toán Anh… Khi có đủ kiến thức và kinh nghiệm làm việc, chị về hỗ trợ chồng khởi nghiệp. Nhưng sau vài năm chị chợt nhận ra rằng, mục tiêu cuối cùng của con người là hạnh phúc và… nghĩ đến con mình.
Chị Huyền chia sẻ: “Tuổi thơ của mình được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên, đầy ắp những câu chuyện cổ tích. Khi trải nghiệm với nhiều công việc khác nhau, mình nhận ra vấn đề cốt lõi của con người hướng đến là được hạnh phúc, được cống hiến nên tìm đến phương pháp giáo dục Waldorf để con được phát triển một cách toàn diện. Lúc đầu mình nghĩ đây là một món quà dành cho con nhưng sau một thời gian, các bé được học tập tại đây đã có những thay đổi khác biệt nên mình muốn lan tỏa chương trình này rộng rãi hơn”.
Tuy nhiên, để tự tin hướng đến việc thành lập một ngôi trường có môi trường giáo dục tốt thì chị cần phải tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn. Đó là những ngày chị như con thoi liên tục bay sang các nước châu Âu để dự hội thảo, hội nghị và các khóa huấn luyện do các chuyên gia nước ngoài trực tiếp đào tạo. Rồi chị mời họ về Việt Nam hỗ trợ đào tạo cho mình và các giáo viên khác. Lúc đầu, chị lấy con mình ra thử nghiệm. Sau đó, thấy kết quả tiến triển tốt, tập hợp một số bé là con của bạn bè nhằm tạo môi trường cho con được giao lưu.
Ở Đà Nẵng hiện chỉ có Trường mầm non Hoa Hướng Dương áp dụng phương pháp giáo dục Waldorf, do đó việc vận hành bộ máy làm việc rất khó khăn, nhất là khâu tuyển dụng giáo viên. Hầu hết các giáo viên sau khi được tuyển dụng đều phải đào tạo lại.
“Yêu cầu cốt lõi đối với một giáo viên dạy phương pháp này trước tiên phải là một người yêu thích công việc và yêu trẻ. Mình phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để thuê chuyên gia nước ngoài về đào tạo kiến thức, tập huấn các kỹ năng, đồng thời mời giáo viên các trường khác về chia sẻ kinh nghiệm giáo dục với các cô trong trường.
Tuy nhiên, các cô giáo cũng phải nỗ lực phấn đấu trở thành một hình mẫu của trẻ, không chỉ đẹp về tâm hồn mà còn giỏi kỹ năng”, chị Huyền nhấn mạnh. Song song đó, nhà trường cũng xây dựng chương trình đánh giá riêng cho giáo viên dựa trên sự tham khảo các trường khác trên thế giới và dựa trên điều kiện của Việt Nam nhằm giúp giáo viên không ngừng học hỏi các kỹ năng mới, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc.
Tôn trọng sự khác biệt của trẻ
Phương châm của phương pháp giáo dục Waldorf là đón nhận trẻ bằng sự tôn trọng, giáo dục trẻ bằng sự yêu thương để trẻ tự do bước về phía trước. “Những năm tháng trẻ được học ở trường mầm non là một giai đoạn quan trọng. Nhà trường luôn cố gắng tạo ra một môi trường mà ở đó trẻ được sáng tạo, phát triển trí tưởng tượng và ý chí”, chị Huyền giải thích. Các bé ở giai đoạn trước 7 tuổi cần tình yêu thương, sự thấu cảm, phát triển khả năng ngôn ngữ, khả năng tư duy và nuôi dưỡng tâm hồn… để tạo nền tảng tốt trước khi bước vào lớp 1.
Cụ thể, để tăng khả năng lĩnh hội ngôn ngữ, các cô sẽ kể cho bé nghe những câu chuyện thông qua con rối. Nội dung câu chuyện tăng dần cấp độ theo lứa tuổi, từ đó trẻ lĩnh hội ngôn ngữ, nuôi dưỡng niềm đam mê. Các bé được chơi tự do trong nhà hoặc ngoài sân và đòi hỏi trẻ phải tự giải quyết những vấn đề của mình nhằm phát triển khả năng tư duy độc lập, cô giáo chỉ là người hỗ trợ. Đây cũng là giai đoạn cần giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo nên đồ chơi của các bé tuy đơn giản nhưng linh hoạt để khơi gợi trí tưởng tượng. Nhà trường tuyệt đối không dùng các thiết bị điện tử.
Các em tham gia hoạt động thông qua trò chơi nhằm mang lại những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể tự chăm sóc cá nhân như: quét nhà, nấu ăn, rửa bát, rửa rau, gọt trái cây, xếp áo quần… Nhà trường cũng chú trọng nuôi dưỡng xúc cảm của trẻ thông qua các hoạt động cảm nhận mùi vị thức ăn khi làm bánh, hoặc sờ chạm vào những đồ vật thiên nhiên...
Hoặc cho trẻ nghe những âm thanh nhẹ nhàng để nuôi dưỡng thính giác. Những câu chuyện, bài hát đều do các cô sáng tác phù hợp với từng lứa tuổi. Các hoạt động trong trường đều thân thiện, nhịp điệu sinh hoạt được lặp đi lặp lại nhằm giúp trẻ dễ nhớ và tạo thành kỹ năng.
Phương pháp dạy học này xuất phát từ châu Âu nên khi đưa vào dạy ở Việt Nam cũng cần có sự thay đổi phù hợp với văn hóa của người Việt. Chính vì vậy, chị Huyền đã đưa vào chương trình nhiều hoạt động giàu tính nhân văn và mang đầy màu sắc văn hóa Việt như: tổ chức lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội mùa màng, lễ hội Tết, hoạt động thả diều…
Trong chương trình dạy, nhà trường cũng có bảng đánh giá trẻ, mục đích giúp trẻ phát triển hài hòa cả thể chất lẫn tinh thần, tôn trọng sự khác biệt của trẻ. Theo chị Huyền, khi trẻ được giáo dục phương pháp này, có thể phụ huynh sẽ không thấy con biết đọc biết chữ như cách dạy phổ quát, nhưng họ sẽ cảm nhận được sự phát triển quan trọng của trẻ để chuẩn bị cho việc lĩnh hội kiến thức mang tính học thuật trước khi bước vào lớp 1.
Sau khi được giáo dục bằng phương pháp này, con chị chỉ mất 3 tháng hòa nhập, 6 tháng tiếp cận được giao tiếp khi đi học ở trường quốc tế sử dụng 100% tiếng Anh. Năm 2019, nhà trường cũng đã được ISWECE - Tổ chức Hiệp hội các trường mầm non trên thế giới dạy theo phương pháp Rudolf Steiner - công nhận là 1 trong 3 trường ở Việt Nam đạt chuẩn quốc tế theo phương pháp dạy học này.
Tuy nhiên, để đồng hành với nhà trường đến hết chặng đường, phụ huynh cần phải có sự tìm hiểu kỹ phương pháp dạy học này. Phụ huynh hiểu được từng giai đoạn phát triển của trẻ để biết con mình cần gì nhằm cung cấp những gì con cần đúng lúc, đúng thời điểm. Theo chị Huyền, về phía gia đình, phụ huynh phải dành thời gian cho con nhiều hơn để có sự tương tác giữa bố mẹ và con cái, đặc biệt là sự thấu cảm.
Bên cạnh đó, hạn chế cho con sử dụng thiết bị điện tử, cần bình tĩnh kiềm chế cảm xúc của mình khi con làm sai và đưa con ra ngoài nhiều hơn. Về phía nhà trường, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Các giáo viên phấn đấu giúp trẻ phát triển tự nhiên và đạt được các mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Waldorf là một phương thức giáo dục dựa vào lý thuyết nuôi dạy trẻ của triết gia người Áo Rudolf Steiner. Là phương thức của những môn học khác nhau kết hợp với thực hành, nghệ thuật hay những yếu tố thuộc về nhận thức. Giáo dục Waldorf đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng, phát triển suy nghĩ bao gồm những yếu tố sáng tạo cũng như phân tích. Mục đích của phương thức giáo dục này là cung cấp cho trẻ một nền tảng cơ bản cho sự phát triển đạo đức, thành một cá thể toàn vẹn và góp phần hoàn thiện số phận của nó. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 20 trường dạy phương pháp giáo dục này, trong đó có khoảng 9 trường ở Hà Nội, 8 trường ở thành phố Hồ Chí Minh, 1 trường ở Thừa Thiên Huế, 1 trường ở Cần Thơ và 1 trường ở Đà Nẵng. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG