Giữ gìn di sản bằng tình yêu

.

Những di tích, di sản trên địa bàn thành phố tồn tại đến hôm nay ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong việc quản lý di sản, còn có sự góp sức rất lớn của cộng đồng cư dân địa phương.

Đình Bồ Bản được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999. Ảnh: H.A
Đình Bồ Bản được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999. Ảnh: H.A

Bao lâu nay, người dân thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang đã quen thuộc với hình ảnh cụ ông Trần Phước Hoàng (80 tuổi, Trưởng ban Tổ chức lễ hội đình làng Phước Thuận) ngày ngày ghé đến đình hương khói, trông nom. Trong suốt cuộc đời mình, ông còn dày công nghiên cứu, viết đến 3 cuốn sách về đình làng Phước Thuận quê mình.

Với ông Hoàng, đình làng không chỉ là nơi để tri ân các thế hệ tiền nhân có công lập đất, dựng làng mà còn là nơi thờ phụng những người đã hy sinh trong kháng chiến. Ông quan niệm, có nơi thờ phụng yên ổn như vậy sẽ giúp các vị tiền hiền được an nghỉ vô ưu.

Việc ông trông đình, hương khói ở đây đều xuất phát từ tấm lòng chân chất, nghĩa tình của một người con dân của làng. “Làm sao mà không tự hào cho được, dễ gì tìm đâu ra một đình làng nào có cây đòn đông bằng gỗ mít dài một mạch đến 11m. Nếu tính thêm hai chái hai bên tả hữu, mỗi chái rộng 4m, thì đình Phước Thuận ngày trước có bề ngang trong lòng đến 19m. Vì thế, đình Phước Thuận nổi tiếng khắp vùng qua câu ca dân gian: “Đi vô xem đình La Qua, đi ra trông đình Phước Thuận””, ông Hoàng nói.

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, đình Phước Thuận được hình thành từ khoảng nửa cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Qua hai cuộc kháng chiến và quãng thời gian dài sau giải phóng, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, có thời điểm, đình làng Phước Thuận cũng hương tàn khói lạnh, xuống cấp, mối mọt, dột nát. Không đành lòng, chính quyền địa phương và bà con nhân dân chung tay góp sức tu bổ, chỉnh trang để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng và gìn giữ công trình cho mai sau.

Bà con trong xã thi thoảng ngày rằm, mùng một, Tết nhất ghé lại thắp hương. Ông Hoàng nhớ lại: “Hồi năm 1954, đình bị đổ do máy bay Pháp bắn phá, dấu đạn còn để lại trên cột cái. Làng tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên sườn gỗ cũ. Sau trận lụt năm Thìn 1964, mái ngói âm dương bị hư hại nặng, phải lợp tôn mái trước và lợp tranh mái sau.

Biết là rất khó coi, nhưng vì điều kiện kinh tế lúc bấy giờ quá eo hẹp nên dân làng đành “bấm bụng” mà lợp mái đình theo kiểu nửa Tây nửa ta như thế. Đến năm 1968, thay toàn bộ mái đình bằng ngói xi-măng. Từ đó đến nay, đình cũng trải qua một vài lần tu bổ. Kinh phí do con dân của làng và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thôn Phước Thuận đóng góp. Năm 2006, đình Phước Thuận đã được xếp di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố ”, ông Hoàng kể.

Làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) nằm sát trung tâm thành phố, ngay cạnh quốc lộ 1A và bến sông Cầu Đỏ. Nằm cạnh di tích có miếu Bà (được xây dựng từ thời vua Tự Đức), đình Thần Nông làng Phong Lệ vẫn được nhân dân thờ cúng.

Từ ngày quần thể di tích Chăm làng Phong Lệ được khai quật (lần đầu năm 2011), người dân địa phương mới ngỡ ngàng nhận ra họ đang sống trên nền móng khu di tích Chăm rộng lớn, có niên đại khoảng thế kỷ X-XI.

Ông Lê Văn Tục (68 tuổi, Trưởng ban Tư lễ làng Phong Lệ) cho hay, từ khi thành phố khoanh vùng khu vực khảo cổ di tích Chăm, bà con Phong Lệ càng ý thức hơn về vùng đất tâm linh ngàn năm tuổi. Không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng được nhắc nhở, không được chạm hay phá hủy bất kỳ viên gạch, khối đá nào.

“Hiện tại, công cuộc khảo cổ di chỉ Chăm Phong Lệ đã có phương án mở rộng diện tích. Một số hộ dân sống tại khu vực khảo cổ đã nhận được đền bù và thực hiện công tác di dời. Dù vậy, mới đây, chúng tôi cũng phát hiện một số hộ dân lấn chiếm đất, dựng chòi, trồng cây trên vùng đất thiêng. Ban lễ tế của làng đã đến nhắc nhở ngay lập tức. Cần phải giữ gìn nguyên trạng di chỉ để các nhà khảo cổ đến nghiên cứu, đồng thời giữ gìn di tích để con cháu chúng ta có một nền tảng văn hóa lịch sử cổ truyền của ông bà để lại”, ông Tục bảo.

“Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”

Trong Công ước quốc tế về bảo vệ đa dạng văn hóa (năm 2003), UNESCO khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa: “Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”. Đồng thời, UNESCO cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực và những hiểu biết sâu sắc về các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất có tính chất quyết định trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Toàn quận Ngũ Hành Sơn hiện có 46 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 9 di tích đã được xếp hạng gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia; 6 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố cùng 15 di tích tôn giáo, tín ngưỡng... đã được liệt kê vào danh mục di tích cần khoanh vùng, bảo vệ. Bên cạnh các di tích lịch sử - văn hóa, nhà cổ, thắng cảnh..., Ngũ Hành Sơn còn lưu truyền nhiều phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, văn hóa dân gian, ẩm thực... khá độc đáo (ví như lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, lễ hội cầu ngư làng Tân Lưu).

Người dân Ngũ Hành Sơn luôn tự hào và có ý thức bảo vệ, giữ gìn những di sản văn hóa quý báu mà cha ông đã để lại. Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình đô thị hóa, nhiều khu đô thị mới đã được hình thành, nhiều khu dân cư đã được xây dựng, nhiều làng xóm đã trở thành khối phố, theo đó nhiều di sản văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một và mất dần.

Đáng chú ý, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã bị xâm hại, nhất là các di tích lịch sử cách mạng một thời đã gắn với phong trào cách mạng của địa phương trước đây như khu di tích K20 (còn gọi là khu căn cứ lõm K20)… Bên cạnh đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể cũng có nguy cơ bị quên lãng như các trò chơi dân gian, phong tục lễ hội truyền thống…

Ông Trần Chí Trung, Phó phòng Văn hóa - Thông tin quận Ngũ Hành Sơn cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền về giá trị di sản được địa phương thực hiện một cách quyết liệt. Bằng nhiều hình thức khác nhau, công tác tuyên truyền từng bước “thẩm thấu” vào mỗi cư dân trong cộng đồng.

Ví như tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử-văn hóa cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gồm: nói chuyện chuyên đề, kể chuyện lịch sử về địa danh Ngũ Hành Sơn xưa và nay, về gương danh nhân, các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc sinh hoạt của các tổ chức chính trị-xã hội tại khu dân cư; đưa vào giảng dạy trong nhà trường các chuyên đề về lịch sử văn hóa, nghệ thuật truyền thống của địa phương.

“Chúng tôi ưu tiên cho việc trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng trên địa bàn, khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, các làng nghề truyền thống, các món ẩm thực dân gian… đang có nguy cơ mai một trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa; vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ, tôn tạo các di tích.

Đối với các di tích lịch sử cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến như các căn hầm bí mật ở khối phố Đa Mặn (K20), các địa điểm ghi dấu chiến công, chiến thắng như hang Âm Phủ, sân bay Nước Mặn, đặc biệt là khu căn cứ cách mạng K20 cần phải được giữ gìn nguyên trạng để làm nơi du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái,... Tất cả những di tích lịch sử trên cần có kế hoạch đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, xứng đáng với tầm vóc của một di tích quốc gia”, ông Trung nói.

Hải Âu

;
;
.
.
.
.
.