Nhớ O Cam hàng xén

.

Trong suy nghĩ của nhiều người, hình ảnh “cô hàng xén” bao giờ cũng mang một vẻ đẹp thị dân, xinh xắn và thơm tho. Ấy thế mà O Cam hàng xén làng tôi lại khác. O nhỏ thó, gầy dăn dúm, liên tục chuyền chân trên chiếc xe đạp cũ rít lên cà rẹc cà rẹc vào mỗi sớm mai.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

O Cam theo bác Linh về làng trong những ngày đứng hạ. Trời cao vút, không chút gợn mây. Chỉ có những cơn gió Lào là không ngừng thổi. Bụi tre đầu làng chực bật gốc, thân tre già đêm ngày đu đưa kìn kịt. Một cuộc “nhặt” vợ im lìm, không cau trầu, không tiệc rượu. O Cam đã qua một đời chồng, có một cô con gái tuổi bập bẹ. Bác Linh làm nghề lò rèn, nhà ở cuối làng, có vợ đã mất từ lâu, bác hơn O gần hai chục tuổi. O Cam là kiểu người nhanh nhẹn như con chim chích, chỉ cần bình minh lên là nói năng lau chau, tay chân liên tục làm việc, đi lại.

Một tháng 30 ngày, xe hàng xén của O đi về rất đều đặn. O đi từ lúc gà vừa gáy, đất trời còn tối và trở về làng khi lũ trẻ vừa mới rời nhà đến trường. Lúc này cánh đàn ông lục tục sửa soạn cày bừa, dắt trâu bò ra đồng, còn các bà các mẹ sẽ như đàn ong bắt mùi mật là tiếng rao “… không… không… không…” của O mà lũ lượt bay về xóm Cống. Xóm Cống là xóm trung tâm của làng, ngã tư ở đây cũng to nhất. Có khi O chưa kịp dừng xe thì mọi người đã đứng chờ sẵn, có lẽ họ đã sớm nghe được tiếng rao của O lanh lảnh rớt xuống khắp xóm làng.

Vật đầu tiên được O dỡ khỏi chiếc xe bảo tàng là chiếc cân con méo méo, sau nữa là chiếc ghế gỗ có bề mặt lên nước láng boong. Cuối cùng mới đến chiếc sọt tre chứa đủ loại thực phẩm tươi sống. Nói đủ loại cho sang, chứ thực tế gian hàng của O cũng chẳng giàu có gì. Phủ lên trên tấm bạt trắng là vài ba cân thịt heo, nửa cân thịt bò, vài con cá sông, cá nướng, khoảng cân tôm, dưa cải muối, dưa chuột, cà rốt, su hào...

Bên trong cái rá nhựa sạch sẽ nhất, O đựng vài ổ mì nhân bột lọc, chục cái bánh ram phủ đường. Đây là hai thức quà vặt được tụi trẻ con trong làng “săn lùng” nhiều nhất vào mỗi lần được bám càng mẹ đi chợ Cống trong những ngày nghỉ học.

Từ ngày O Cam về làng, mang theo gian hàng xén, nếp ăn ở sinh soạt của làng tôi cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, vào mỗi phiên (5 ngày một lần sẽ có một phiên chợ huyện rất đông đúc) nhà nào cũng cắt cử người đi chợ thì bây giờ nhịp mua sắm sẽ được giãn ra rất lâu. Những bà những mẹ, ai cũng tựa vào mẹt hàng nho nhỏ của O Cam mà đắp đổi qua ngày. Chỉ khi nào có đôi gà cần bán, thúng lúa cần đong mới cắp quảy ngược gió đi chợ huyện.

Ngày mùa, xóm làng náo động bởi đủ loại âm thanh. Tiếng kẻng trâu bò rung lên dồn dập vì bị lùa ra đồng từ sớm, tiếng trẻ con í ới tự túc dìu bế nhau đi học, tiếng chồng hối vợ, vợ gọi chồng,… Và thứ âm thanh được chờ đợi nhất, quen thuộc nhất vẫn là tiếng rao “… không… không… không…” của O Cam. Mẹ bảo, bình thường ăn uống đơn sơ, chút muối mè rau sống trong vườn cũng xong, nhưng vào mấy ngày lao động cao điểm thì cần phải có chút đồ tươi, làm đồng về đã mệt thấy mâm cơm chấm mút rời rạc, ai cũng lả người. Lúc đó nhà nào cũng cần O. Có những hôm O Cam ốm, hoặc bận bịu việc nhà nên nghỉ bán thì xóm Cống sẽ trở nên nhốn nháo bất thường. Người đi ra, kẻ đi vô, ai ai cũng lao nhao hỏi O Cam về chưa về chưa, đi tìm O như tìm mạ.

Vào buổi nông nhàn, đất nghỉ thì người cũng nghỉ. Những buổi chợ Cống được họp muộn hơn, kéo dài hơn. Quy mô khách hàng lúc này cũng áo xanh áo đỏ, được mở rộng ra đủ giai tầng. Những ai cần mua đồ đi chợ đã đành, những người đàn ông bình thường chả thấy mặt giờ cũng ghé xe vào góp vui vài ba câu chuyện. Hàng hóa bày bán độ này cũng phong phú hẳn lên. Bà Bê xóm dưới cắt mớ cam chín vội trong vườn đem lên, Bà Lài xóm trên cũng góp thêm vài chục đọt bí, chục trứng gà… rồi lúc nhúc nào thanh long, chanh, mướp… Không khí bán buôn cấp tập, nhộn nhịp, tiếng nói râm ran, tiếng cười rôm rả như thể sửa soạn hội làng.

“Các cô hàng xén ngày xưa. Gương tròn bỏ túi. Tóc giắt hoa nhài”-  những cô hàng xén trong thơ Quang Dũng vừa thơm vừa đẹp. Những cô hàng xén ở chợ huyện ngày xuân mà tôi từng được biết cũng rất tha thướt ngọc ngà. Mấy đứa con gái trong làng bao giờ cũng tụm năm tụm bảy trước quầy hàng của các cô để chọn cài kẹp, khăn tay... Riêng gian hàng xén O Cam thì bày bán quanh năm, có khi hàng ế cũng trở nên ôi thiu, nhàu nhĩ… Thế nhưng, vẻ tận tụy chịu khó, sự hoạt bát cùng tiếng rao lanh lảnh của O vẫn mãi xinh đẹp và lấp lánh mỗi khi tôi có dịp nhớ về. Ngày xưa hay bây giờ vẫn vậy, gánh hàng xén O Cam là nỗi chờ đợi của bao người mẹ già, là niềm vui thương mến của bao em thơ nơi miền quê nghèo nhỏ bé.

Về quê, tôi lại lắng tai nghe tiếng xe O Cam cà rẹc cà rẹc, rồi nhõng nhẽo đòi bám mẹ đi chợ Cống như ngày xưa, bà lại cười: “Cha mày, lớn đầu mà còn thèm bánh ram!”.

MINH THI

;
;
.
.
.
.
.