Nông dân lên mạng

.

Nếu tình cờ đi ngang các nhà sinh hoạt văn hóa thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang, bạn đừng ngạc nhiên khi gặp hình ảnh những nông dân quần còn xắn ống thấp, ống cao đang “rê chuột” thoăn thoắt, chăm chú nhiều vào màn hình máy tính. Họ lên mạng để tìm kiếm kiến thức và tra cứu các thủ tục hành chính đấy!

Được sự hỗ trợ của những cán bộ trẻ tại thôn, xã, những người lớn tuổi đã bước đầu tiếp cận internet. (Ảnh chụp tại thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước)Ảnh: Q.T
Được sự hỗ trợ của những cán bộ trẻ tại thôn, xã, những người lớn tuổi đã bước đầu tiếp cận internet. (Ảnh chụp tại thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước)Ảnh: Q.T

“Ngày mô cũng phải vô mạng đọc”

Nắng chiều vừa tắt, cũng là lúc con đường dẫn vào thôn Bắc An (xã Hòa Tiến) rộn rã tiếng cười nói của những nhà nông đi làm đồng về. Câu chuyện Covid-19 về virus Corona. Ai cũng tranh thủ “khoe” những thông tin mới nhất mình đọc được. Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Bắc An đã được mở cửa sẵn, quét tước gọn gàng, sạch sẽ.

Đã thành thói quen, một lão nông nhanh nhẹn đến khởi động máy, những người khác xếp ghế ngồi vòng quanh. Một người nói: “Mở lên coi thử dịch bệnh diễn tiến răng rồi? Hôm qua là hơn 2.000 người tử vong rồi đó”.

Người khác xen vào: “Coi thử Việt Nam mình có ca mô chưa? Tụi nhỏ hồi mô đi học?”. Những mái đầu điểm bạc chăm chú nhìn như dán vào màn hình. Thỉnh thoảng chép miệng khi đọc đến những dòng tin không tốt: “Chu cha, dịch bắt đầu lan rộng ra ngoài địa phận Trung Quốc rồi. Ghê thiệt!”.

Ông Nguyễn Hoanh (63 tuổi, người dân thôn Bắc An) cười khà khà nói: “Hay hỉ, chừ mình ngồi ở đây mà tin tức ở Mỹ, Úc, Trung Quốc chi cũng biết hết. Hồi xưa mô có mấy cái ni. Chừ có sẵn đọc sướng thiệt”. Nhà ông Hoanh có 6 sào ruộng và vườn rau màu diện tích cũng còn không bao nhiêu.

Lúc nông nhàn rảnh rỗi, ông đi phụ hồ, kiếm thêm đồng ra đồng vô. Vậy mà ngày nào ông cũng tranh thủ ghé Nhà văn hóa thôn đọc tin tức. “Đọc miết thành nghiện, chừ không đọc là chịu không được nghe!”, ông nói.

Đến Nhà văn hóa thôn truy cập internet qua hệ thống wifi, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến từ xã đến thành phố không còn là điều mới mẻ với người dân một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ông Trần Văn Tâm (sinh năm 1965, người dân thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong) phấn khởi kể: “Mấy người lớn tuổi như tui xưa chừ mô có biết vi tính là cái chi.

Nghe mấy anh ở xã, huyện xuống phổ biến cách dùng máy tính để đăng ký, giải quyết thủ tục hành chính, khỏi phải lên ủy ban, tụi tui mừng rơn. Biết mình chậm nên tuần mô tui cũng dành một buổi ra Nhà văn hóa thôn học.

Chừ cũng biết mở máy đọc báo, vô tài khoản điện tử của mình để nộp hồ sơ. Chậm chút thôi chớ làm được hết nghe!”. Ông Tâm nói, chuyện nhà nông làm không hết nên mỗi khi tranh thủ ra được Nhà văn hóa để đọc tin tức là ông ngồi… 2, 3 tiếng chưa về! “Toàn là kiến thức mới không á. Cách trồng rau, nuôi cá, chữa cây bệnh, rồi trồng rau thủy canh, hữu cơ… Không “dô” mạng chắc cả đời tui không biết!”.

Khác với các xã trên địa bàn huyện, xã Hòa Phước hiện còn rất ít đất nông nghiệp. Người dân đa số chuyển đổi ngành nghề sang buôn bán, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhưng thói quen tụ họp tại nhà sinh hoạt văn hóa thôn để gặp gỡ xóm giềng, cùng đọc tin tức thì… không khác gì.

Ông Trần Phước Hồ (sinh năm 1950, người dân thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước) kể, xưa chừ chẳng biết máy tính máy teo chi, thấy mấy đứa con nít ở nhà có máy đó mà mình không dám dùng, sợ đụng vô cái hư của tụi hắn.

Chừ thấy bà con vô mạng đọc tin tức rầm rầm, mình cũng bắt chước theo. Hồi mới đầu cũng lóng ngóng lắm, chữ trên màn hình nhỏ xí xi, đọc không ra. Chừ cũng tạm quen rồi, mà chủ yếu mở máy lên đọc tin rồi thôi chớ không biết mấy thứ khác, máy móc nhiều chức năng quá. Nội đọc tin thôi cũng đủ sướng rồi!

Thêm cơ hội cho người dân tiếp cận internet

Trên thực tế, mạng internet đã và đang trở thành công cụ đắc lực của người nông dân, đây cũng là bước đi quan trọng trong mục tiêu về nền nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Bởi, tiếp cận mạng internet, người nông dân tiếp cận kho kiến thức khổng lồ về canh tác, trồng trọt, biết đến những khái niệm như thâm canh theo hướng sinh học, chế phẩm vi sinh, trồng trọt theo hướng organic (hữu cơ)... Người nông dân cũng dần thay đổi thói quen “trông trời, trông đất, trông mưa”, làm nông nghiệp theo cách truyền thống hoặc truyền miệng kinh nghiệm…

Lên mạng cập nhật kiến thức là chuyện đã đành, việc thành thạo sử dụng internet cũng tăng cơ hội để huyện Hòa Vang xây dựng nên chính quyền điện tử. Hiện tại, Hòa Vang đã xây dựng được 11 điểm ứng dụng công nghệ thông tin Nông thôn mới kiểu mẫu, thuộc 5 xã, gồm xã Hòa Phước: 6 thôn: Trà Kiểm, Tân Hạnh, Nhơn Thọ 1, Miếu Bông, Quá Giáng 2, Giáng Nam 2; xã Hòa Nhơn: thôn Phước Hưng Nam; xã Hòa Tiến: thôn Bắc An; xã Hòa Châu: thôn Bàu Cầu; xã Hòa Bắc: thôn Nam Yên; xã Hòa Phong: thôn Dương Lâm 2. Cơ sở vật chất tại các điểm được bố trí khá đồng bộ như 1 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thu nhỏ.

Cụ thể: 1 bảng led “Điểm ứng dụng CNTT tại thôn” tại tiền sảnh Nhà văn hóa thôn; bảng niêm yết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận (huyện) và UBND phường (xã); máy vi tính, máy scan, máy in; hệ thống mạng internet hoặc wifi; tủ sách pháp luật. Ngoài ra, một số đơn vị còn lắp đặt thêm camera an ninh tích hợp phục vụ giám sát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn.

Trong điều kiện tinh giản biên chế và công việc ngày càng nhiều, để hoàn thành nhiệm vụ, không có con đường nào khác phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ cấp xã xuống đến thôn. Ông Trà Đình Thứ, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang cho hay, cách làm này vừa khoa học vừa thuận lợi nhằm giúp dân tiếp cận những công nghệ mới trong quản lý, cung cấp thông tin hằng ngày; đồng thời, hỗ trợ tổ chức, công dân giải quyết thủ tục hành chính do huyện cung cấp qua hình thức trực tuyến ngay tại cơ sở sẽ rút ngắn được thời gian, công sức đi lại, hướng đến việc phục vụ tổ chức, công dân tốt hơn trên thực tế.

Đặc biệt, từ ngày các Nhà văn hóa thôn trở thành điểm ứng dụng CNTT, nơi đây được đầu tư một diện mạo mới khang trang, hiện đại, trở thành điểm sinh hoạt thường xuyên của người dân, góp phần nâng cao các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; tăng khả năng tương tác giữa chính quyền với cơ sở.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.