Thấy gì qua Covid-19?

.

Trong giai đoạn cách ly xã hội, không thể đi lại bình thường nếu không thật sự cần thiết, hẳn mọi người cũng đều cảm thấy đôi phần bức bối. Và có một thực tế, cuộc sống của tất cả mọi người bị xáo trộn, buộc chúng ta phải biết thích nghi, để sống, để tồn tại trong an lành và để không bỏ phí thời gian.

Phát cơm miễn phí hỗ trợ bà con nghèo của CLB Bạn thương nhau.  Ảnh: Nguyễn Bình Nam
Phát cơm miễn phí hỗ trợ bà con nghèo của CLB Bạn thương nhau. Ảnh: Nguyễn Bình Nam

Nhưng thiên nhiên bên ngoài ra sao trong thời gian này?

Những con đường vắng bóng xe cộ bỗng trở nên thanh lành, không còn khói bụi, tiếng động ồn ào. Những dòng sông, con kênh trở nên trong xanh và sạch sẽ hơn. Chỉ số chất lượng không khí đo được ở nhiều nơi trở nên tốt hơn hẳn. Ngoài vịnh biển Nha Trang xuất hiện những chú cá heo; ngoài biển của nước Pháp còn xuất hiện cả cá voi... Cuộc sống giảm độ hiện diện của cơ khí bỗng trở nên tốt đẹp hơn hẳn. Thiên nhiên tươi trẻ, hiền hòa.

Tất cả những điều ấy buộc mỗi người chúng ta phải nghĩ lại. Hóa ra trước tai ương do Covid-19 gây ra, cũng có mặt tích cực của nó. Chúng ta sống chậm lại, và nhờ thế, chúng ta gần nhau hơn, hòa thuận với thiên nhiên hơn, bình an hơn, chừng mực hơn...

Tính trên bình diện quốc gia, dịp này cũng giúp chúng ta thấy rõ hơn tính đặc thù của văn hóa Việt Nam.   
Cần lưu ý rằng, nói đến văn hóa dân tộc thì không thể nào bỏ quên yếu tố môi trường mà nền văn hóa đó hình thành. Và môi trường hình thành của nền văn hóa dân tộc Việt là: người Việt Nam từ bao đời nay là những cư dân sống ở vùng nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa, lãnh thổ có nhiều sông suối, nền nông nghiệp lúa nước tồn tại nhiều đời, quen lao động chân tay, luôn phải đối đầu với thiên tai, với tai ương và dịch bệnh. Chính môi trường tự nhiên và điều kiện kinh tế ấy đã có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa của dân tộc Việt; kể cả đời sống văn hóa vật chất lẫn đời sống văn hóa tinh thần. Rồi đến lượt nó, chính đời sống văn hóa ấy lại làm nên tính cách tâm lý của con người Việt Nam.

Con người Việt Nam, xét riêng về mặt tư tưởng, là con người của tư tưởng yêu nước, vì suốt trường kỳ lịch sử phải luôn luôn tự vệ, phải không ngừng chiến đấu chống ngoại xâm, chống lại thiên tai để tồn tại. Và chính vì thế, đã hình thành nên một nét đặc thù văn hóa, tồn tại suốt từ bao đời nay: Khi nào có họa ngoại xâm, có thiên tai dịch bệnh, thì ngay lập tức, không ai bảo ai, tinh thần đoàn kết lại được thể hiện, bộc lộ mãnh liệt và trở thành sức mạnh vô song. Ngay trong những ngày này, chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Cả hệ thống chính trị và từng người dân, đều đồng lòng chịu thiệt thòi (kể cả chịu thiếu thốn chén cơm hằng ngày) để cùng nhau chung sức, chung lòng chống lại Covid-19. Thủ tướng Chính phủ nói đến một khái niệm được mọi người nhất trí cao: “Chống dịch như chống giặc”. Và, “thử thách, gay go gấp hai, thì chúng ta phải cố gắng gấp ba”. Và quả như thế! Mọi người dân đều đồng lòng ủng hộ và tuân theo những chủ trương của Chính phủ. Và ở nhiều tỉnh, thành xuất hiện những người/nhóm người chuẩn bị những phần cơm, gói mì cho những ai “thiếu thì tự đến lấy”. Hay máy ATM gạo cũng đang lan tỏa ở một vài thành phố trên cả nước.

Chỉ mong rằng sau dịch bệnh, nền kinh tế của chúng ta sẽ đi theo hình chữ V, như một chuyên gia kinh tế đã phát biểu: “Một nền kinh tế khi khó khăn, có thể diễn biến theo nhiều xu hướng, trong đó xu hướng theo hình chữ V là đáng mong ước nhất”. Vì chữ V là “kinh tế suy giảm nhanh, nhưng đáy của sự suy giảm rất hẹp, khó khăn bủa vây trong thời gian ngắn, sau đó doanh nghiệp hồi phục và bung lên trở lại” (Trần Hoàng Ngân: Mong một chữ V trọn vẹn, Tuổi trẻ, ngày 11-4-2020).

Còn về giáo dục, việc dạy trực tuyến trong thời gian trường học đóng cửa, học sinh, sinh viên nghỉ học vừa qua, có thể sẽ tạo nên một xu thế mới tại Việt Nam. Với các nước Âu Mỹ, việc dạy trực tuyến (online) đã có từ khá lâu, nhưng với xã hội chúng ta, thì lần này, trong cơn “chống dịch như chống giặc” mới trở nên đắc dụng. Điều ấy sẽ đưa nền giáo dục của chúng ta, nhất là giáo dục đại học, đến một thực tế là sẽ phải (và cần) dạy online nhiều hơn. Vì chúng ta biết rằng, giáo dục ở trường đại học sẽ phải có nhiều thay đổi trong tương lai, để đem lại lợi ích cho đất nước, trong một xã hội mà nền kinh tế nước nhà tùy thuộc vào sự hiểu biết, sáng kiến và sự tiến hành đổi mới.

Sự tiến bộ của hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông đã thay đổi cách khai thác những dữ liệu. Tương lai trường đại học sẽ có nhiều hơn những lớp học online, thư viện online, những mạng kết nối xã hội (social networking). Do đó, trường đại học tương lai không chỉ ở trong địa phận của mỗi trường mà sẽ bao quát và đại chúng hơn, trên cả nước và trên toàn thế giới. Sinh viên sẽ có cơ hội chia sẻ và thảo luận những vấn đề quan trọng như: bất công trong xã hội ở khắp mọi nơi, biến đổi khí hậu toàn cầu, dịch bệnh, khủng hoảng khí hậu...

Tuy nhiên, sự phát triển trong ngành công nghệ thông tin cũng có những mặt bất cập của nó: Sinh viên có khuynh hướng học một mình (vì đã tìm thấy những điều cần biết online), nên khả năng giao tiếp sẽ kém hơn, đời sống ở đại học sẽ thiếu tinh thần cộng đồng. Và như thế, người thầy không thể đem hết tình yêu, nhân cách của mình truyền vào bài giảng, tạo nên sự tiếp thu và hình thành nhân cách, lối sống gương mẫu, tốt đẹp, kể cả giá trị làm người ở sinh viên.

Chính vì vậy, trong thực tế của xã hội Việt Nam chúng ta, việc dung hòa giữa nền đại học truyền thống, dựa trên nhân cách và nhất là kinh nghiệm giữa con người với con người (human experience) và nền giáo dục hiện đại, dạy qua mạng (online), là điều thật sự cần thiết.

Bầu trời đang mở ra trước chúng ta!

TẦN HOÀI DẠ VŨ

;
;
.
.
.
.
.