Bữa cơm nhà có thể cầu kỳ hay giản đơn tùy thuộc khẩu vị của từng người trong gia đình nhưng là nỗi khát thèm của bao kẻ xa nhà mong được về quê ấm áp trong vòng tay của má để được ăn bữa cơm ngọt lành.
Bữa cơm nhà giản đơn. Ảnh minh họa: MAI ANH |
Bữa cơm nhà chỉ có ngọt ngào nồi canh hầm khổ qua của ngoại hái ngoài rẫy, thoảng hương chả, lạp xưởng, tô thịt kho trứng ăn kèm mớ rau dại ngoài đồng. Và nơi ấy còn đầm ấm ánh nhìn của má dành cho con. Bữa cơm mỗi nhà mỗi khác, thời buổi hiện đại chỉ cần ra chợ, siêu thị là có ngay những món làm sẵn. Có thể cái ngon cảm nhận bằng vị giác ở lại trong tâm trí người ta một giờ, một ngày, nhưng cái ngon “thôi miên” tôi trong suốt những năm tháng sau này lại xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến của má, của ngoại tôi.
Tôi còn nhớ, khi xưa có một cô bạn hay ghé nhà tôi ăn cơm. Cô ấy là con một gia đình giàu có. Vì vậy, má tôi thường lo lắng bữa cơm nhà nghèo bạn ăn không ngon miệng. Mãi tới khi bạn theo cha mẹ sang Mỹ định cư, ghé nhà tôi chào tạm biệt, bạn nói rằng, sẽ không bao giờ quên cái không khí ấm áp của gia đình tôi, sẽ không bao giờ quên bữa cơm có đầy đủ cha mẹ, con cái, sẽ không bao giờ quên sự ân cần chăm sóc của má tôi, vì má luôn xem bạn là đứa con trong nhà. Bạn hứa năm sau có về Việt Nam sẽ ghé nhà để được ăn bữa cơm đầm ấm do má tôi nấu. Tôi chợt hiểu ra mình may mắn biết dường nào, may mắn có được một gia đình trọn vẹn, may mắn có được người cha, người mẹ yêu thương con vô điều kiện. Và may mắn hơn vì dòng chảy cuộc sống đã không cuốn gia đình tôi đi quá xa, xa đến mức chẳng thể ngồi cùng nhau ăn bữa cơm nhà ấm áp.
Nhớ ngày xưa, nhà nghèo, tôi từng cau có, vùng vằng, trách má sao bữa cơm nhà ở quê giản đơn quá, không đủ đầy như bữa cơm nhà người ta, nhưng tôi nào đâu biết để có bữa cơm nhà, mồ hôi cha đã đổ từ sáng đến trưa. Tôi nào đâu biết, để có bữa cơm như thế, má tôi phải chống xuồng từ đồng ra chợ xã mua đồ về nấu. Tôi không thể biết để có một bữa cơm tươm tất như thế, cả cha và má tôi đã phải nhường nhịn nhau, phải nén lòng lại, gạt nỗi buồn cơm áo gạo tiền để lan niềm vui cho con cái. Nhưng khi trưởng thành, đủ thấu hiểu để nhận ra thì dường như mọi thứ đã muộn mất rồi...
Bữa cơm nhà, ai từng trải qua trong suốt hành trình trưởng thành của mình đều nghĩ rằng nó bình thường nhưng để làm nên bữa cơm và duy trì bữa cơm ấy qua từng năm không chỉ là sự chịu khó của cha, sự cần mẫn, tỉ mỉ của má mà đó còn là sự hy sinh, sự trân trọng và tình yêu của cha má dành cho con cái sau những tháng năm các con phải bươn chải, tha phương cầu thực nơi xứ người.
Thế mới thấy, những ai lớn lên trong sự yêu thương vô bờ bến của cha mẹ thì bữa cơm nhà có thiếu thốn đến đâu cũng luôn đầy ắp tiếng cười. Thay vì nói lời biết ơn, tôi luôn cố gắng thu xếp về nhà trong những ngày nghỉ cuối tuần. Đôi khi, đó cũng là tất cả của chúng ta, những người xa quê khát khao một phút giây ấm nồng xưa cũ, chợt bâng khuâng khi nghe giọng nói thỏ thẻ bên đầu dây điện thoại: “Nhanh về ăn một bữa cơm nhà với cha má đi con...!”.
DIỆU LINH