Năm 2019, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xây dựng thành phố trở thành “đô thị xanh, hiện đại, thông minh”. Trong đó, quỹ đất, mật độ cây xanh đô thị đóng vai trò quan trọng, góp phần cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị.
Không gian xanh được chăm chút tại tuyến đường Trần Phú. Ảnh: XUÂN SƠN |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng cuối tuần, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết Đà Nẵng phấn đấu đến hết năm 2020 nâng diện tích cây xanh đô thị bình quân lên 10-12m2/người. Đặc biệt, từng bước nâng cấp, cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh đường phố xanh mát, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật...
* Hiện nay, trong quy hoạch đô thị, tỷ lệ đất dành cho cây xanh tại Đà Nẵng là bao nhiêu, có đáp ứng nội dung quy định về cây xanh đô thị theo Thông tư số 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng (ngày 30-9-2009) Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 7-5-2009 của Chính phủ về việc Phân loại đô thị (gọi tắt là Thông tư 34) không, thưa ông?
- Thông tư 34 quy định công viên, cây xanh thuộc hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và đưa ra 2 chỉ tiêu về cây xanh để làm căn cứ khi phân loại đô thị, đó là chỉ tiêu đất cây xanh đô thị (từ 5-15m2/người) và chỉ tiêu đất cây xanh công cộng khu vực nội thị (từ 3-7m2/người).
Theo Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” và cách thống kê hằng năm, diện tích cây xanh ở đây là diện tích phần tán lá của cây xanh bóng mát, diện tích phủ đất của thảm hoa, thảm cỏ và một nửa diện tích mặt nước nội thị. Qua các năm, chỉ tiêu diện tích phủ xanh đô thị Đà Nẵng có tăng nhưng chậm.
Đơn cử năm 2010, chỉ tiêu tỷ lệ cây xanh đô thị ở Đà Nẵng là 5,02m2/người, năm 2019 tăng lên 7,51m2/người; chỉ tiêu tỷ lệ cây xanh sử dụng công cộng từ 1,57m2/người năm 2010 lên 3,27m2/người năm 2019. Chỉ tiêu trên chưa tính đến 50% diện tích đất phát triển đô thị của bán đảo Sơn Trà, khoảng 2.000ha (4.000ha x 50%) theo Công văn số 11967/UBND-QLĐTh của UBND thành phố ban hành ngày 30-12-2014.
Có thể nói, nếu tính theo chỉ tiêu diện tích đất dành cho cây xanh tại Đà Nẵng hiện nay bình quân khoảng 4,56m2/người, chưa đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ đất cây xanh đô thị theo những tiêu chuẩn mà Bộ Xây dựng đề ra.
* Thông qua các chương trình, đề án, mục tiêu phát triển cây xanh, hướng đi của Đà Nẵng trong xây dựng, phát triển không gian xanh theo tiêu chí “đô thị xanh, hiện đại, thông minh” như thế nào, thưa ông?
- Khoảng 10 năm trở lại đây, mảng cây xanh đô thị luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, thông qua hàng loạt đề án, kế hoạch đã được nghiên cứu và triển khai.
Có thể kể đến đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” (Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 21-8-2008 của UBND thành phố Đà Nẵng); đề án Phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 5-1-2012 của UBND thành phố Đà Nẵng); Kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 6654/QĐ-UBND ngày 30-9-2016 của UBND thành phố Đà Nẵng)… Hằng năm, Sở Xây dựng đều ban hành kế hoạch cụ thể, từng bước thực hiện mục tiêu đề cập trong các đề án, kế hoạch trên.
Ví dụ, trong kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm mà Đà Nẵng hướng đến là đẩy mạnh đầu tư cảnh quan xung quanh các hồ điều tiết, tăng cường quản lý cây xanh chuyên dụng và cây xanh sử dụng hạn chế tại các khu công nghiệp, cơ quan công sở, bệnh viện, trường học, nhà ở; đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật về lĩnh vực quản lý cây xanh đô thị, đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý cây xanh đô thị; đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển cây xanh, tạo cơ chế khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội góp phần phát triển mảng xanh, cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị; thực hiện hiệu quả công tác ứng phó bão đối với hệ thống cây xanh công cộng, bảo đảm an toàn và kịp thời để tránh ảnh hưởng tới mỹ quan.
Kế hoạch này cũng nêu rõ: Đà Nẵng phấn đấu đến hết năm 2020 nâng diện tích cây xanh đô thị (được tính bằng diện tích che phủ của tán cây, diện tích phủ xanh - PV) bình quân lên 10-12m2/người. Đặc biệt, từng bước nâng cấp, cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh đường phố xanh mát, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hài hòa với kiến trúc công trình và vẻ đẹp cảnh quan đặc thù tại từng tuyến đường; tập trung đầu tư các vườn hoa, vườn dạo nhỏ góp phần tăng thêm mảng xanh, trở thành nơi thư giãn, nghỉ ngơi, cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực.
* Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đất cây xanh đô thị phải đạt khoảng 8,0 đến 9,0m2/người. Sở Xây dựng đã có những giải pháp nào để giúp Đà Nẵng đạt được tỷ lệ này?
- Tại Tờ trình 3405/TTr-UBND ngày 26-5-2020, UBND thành phố trình Bộ Xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề cập chỉ tiêu tỷ lệ đất cây xanh đô thị phải đạt khoảng 8,0 đến 9,0m2/người.
Để đạt mục tiêu trên, Sở Xây dựng đã đề nghị thành phố triển khai thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh đầu tư các công viên đã được phê duyệt quy hoạch (Công viên Bách thú - Bách thảo quy mô hơn 200ha tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang; Công viên Văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn…); kiên trì quan điểm sử dụng các khu đất ven biển đã được thành phố thu hồi để đầu tư các công viên ven biển.
Thực hiện chỉ đạo Thông báo số 331-TB/TU ngày 31-1-2018 của Thành ủy Đà Nẵng, Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch 5 lối xuống biển, 4 công viên biển.
Cụ thể, 5 lối xuống biển với tổng diện tích 3,5 ha cuối đường Hồ Xuân Hương (0,66ha), phía bắc khu du lịch (KDL) Ariyana (1,32ha), phía nam dự án Silver Shore (0,19ha), phía bắc KDL The Song (0,27ha), phía bắc KDL The Nam Khang (1,03ha); 4 khu công viên biển tổng diện tích 17,58ha tại các dự án Hòn Ngọc Á Châu (8,5ha), thu hồi dự án KDL I.V.C (3,15ha), phía nam dự án D.A.P (4,95ha), mở rộng bãi tắm Non Nước (dự kiến 1,5ha) và công viên khu vực dự án Vũ Châu Long, quận Hải Châu (0,78ha).
Từ năm 2018 đến nay, Sở Xây dựng đã quy hoạch bổ sung thêm 22,35ha đất trồng cây xanh, góp phần bảo đảm hơn chỉ tiêu diện tích cây xanh, công viên trên địa bàn thành phố. Yêu cầu các chủ đầu tư, cơ quan chuyên ngành phải bảo đảm bố trí đủ diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng khi thẩm định các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Sở Xây dựng cũng đã giao UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu đất cây xanh đã có chủ trương đầu tư (tổng số 29 vị trí đã được Sở Xây dựng báo cáo, UBND thành phố thống nhất chủ trương tại Công văn số 7551/UBND-ĐTĐT ngày 7-11-2019 về việc liên quan đến đầu tư xây dựng các công viên cây xanh phục vụ nhân dân).
Đồng thời, rà soát, đánh giá hiện trạng đất cây xanh sử dụng hạn chế tại các trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan công sở và xem xét đưa các đối tượng này vào chỉ tiêu cây xanh công cộng. Sở Xây dựng đang tham mưu UBND thành phố thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, thời gian tới sẽ cùng các đơn vị liên quan phối hợp nghiên cứu, tính toán dành quỹ đất cho cây xanh cộng cộng nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.
* Xin cảm ơn ông!
Ước tính đến tháng 12-2019, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người tại Đà Nẵng là 7,51m2/người, trong đó cây xanh công cộng đạt 3,27m2/người, cây xanh chuyên dụng 0,72m2/người, cây xanh sử dụng hạn chế 3,52 m2/người. Diện tích tán che của cây xanh bóng mát các loại tính bình quân khoảng 16m2/người. Mật độ này cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu thành phố đề ra tại Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” (6-8m2/người). Nguồn: Sở Xây dựng Đà Nẵng |
TIỂU YẾN thực hiện