Chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng

.

Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, qua việc tham gia các câu lạc bộ (CLB), đội - nhóm ở trường, các bạn sinh viên đã và đang thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng thông qua các chương trình thiện nguyện.

Đội Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) ghé thăm, dọn dẹp nhà cửa và tặng quà cho một cụ bà đang sống neo đơn ở đường Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu. Ảnh: MAI HIỀN
Đội Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) ghé thăm, dọn dẹp nhà cửa và tặng quà cho một cụ bà đang sống neo đơn ở đường Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu. Ảnh: MAI HIỀN

1. Vừa trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học vì Covid-19, các thành viên của Đội Công tác xã hội (CTXH), Hội Sinh viên Trường Đại học (ĐH) Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã lên kế hoạch hỗ trợ thanh-thiếu nhi, người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các trường hợp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Và đây cũng là chương trình thứ 4 trong chuỗi “Hành động nhỏ - Ý nghĩa lớn” mà Đội thực hiện kể từ khi triển khai từ đầu năm học 2019-2020 đến nay.

Nguyễn Bảo Trung, Đội trưởng Đội CTXH cho hay: “Chương trình lần nay, đội sẽ tập trung vào các nhóm đối tượng: sinh viên, học sinh, thiếu nhi, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn; người dân lao động tự do, mất việc, đang bị bệnh hiểm nghèo; các trường hợp neo đơn, không nơi nương tựa. Bên cạnh mục đích chính là hỗ trợ những trường hợp khó khăn thì thông qua chương trình thứ 4 này cũng như chuỗi chương trình “Hành động nhỏ - Ý nghĩa lớn”, Hội Sinh viên trường cùng Ban Chủ nhiệm Đội CTXH mong muốn giúp các thành viên trong Đội CTXH gắn bó, tăng tình đoàn kết với nhau, tạo điều kiện cho các thành viên giao lưu thể hiện bản thân. Chúng tôi cũng mong rằng, qua mỗi chương trình được thực hiện góp phần tuyên truyền cho mọi người về tinh thần tương thân tương ái”.

Để có kinh phí thực hiện, Đội CTXH gây quỹ bằng hình thức tổ chức nhận giấy vụn, ve chai. Lần đi thu gom giấy vụn, ve chai gần đây nhất là vào cuối tháng 5. Các thành viên di chuyển đến các kiệt của đường Tôn Đức Thắng, Phạm Như Xương và ký túc xá của trường để thu gom rác. Những loại ve chai được thu gom chủ yếu là vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa, bìa carton, giấy vụn. Nhờ vậy, Đội đã thu về khoảng hơn 1 triệu đồng. Số tiền tuy không quá lớn nhưng đủ khiến các bạn trẻ quên đi những giọt mồ hôi thấm đầy trên áo, ai cũng nở nụ cười tươi hòa chung niềm vui, niềm hạnh phúc khi có thêm nguồn kinh phí để thực hiện chương trình. Ngoài ra, Đội CTXH còn tổ chức kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Được biết, Đội CTXH được hình thành trên cơ sở Nhóm tình nguyện ký túc xá, nơi quy tụ những sinh viên có niềm đam mê, đầy nhiệt huyết với công việc tình nguyện. Nhóm thường tổ chức các chương trình quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm cũng là nơi tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm, hình thành đạo đức, lối sống cho sinh viên. Trải qua một thời gian hoạt động hiệu quả, ngày 22-2-2002, Nhóm tình nguyện ký túc xá phát triển thành Đội CTXH với các hoạt động tình nguyện lớn như: Đông - Xuân tình nguyện, Thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh, 60+ yêu thương, chuỗi chương trình “Hành động nhỏ - Ý nghĩa lớn”.

Tham gia Đội CTXH từ khi mới vào trường với nhiều kỷ niệm đẹp thời sinh viên, Nguyễn Bảo Trung chia sẻ: “Ngay từ khi bước chân vào trường nhập học, nhìn thấy các anh chị mang màu áo xanh của Đội CTXH là mình thích ngay và gắn bó từ đó. Mình có rất nhiều kỷ niệm với Đội, nhưng nhớ nhất vẫn là chuyến đi hành hương về nguồn năm 2019 diễn ra tại xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Ở đó, cả Đội được tham gia các hoạt động: đổ bê-tông sân chào cờ Trường THPT dân tộc bán trú Hoàng Văn Thụ, làm hệ thống tưới rau sạch, làm các mô hình học tập, vui chơi với các em nhỏ, tặng nhu yếu phẩm cho những gia đình khó khăn. Chuyến đi không chỉ để trải nghiệm mà còn giúp cho mình trưởng thành hơn, va chạm nhiều hơn với cuộc sống, lúc đó mới hiểu hết được hai chữ “tình nguyện”. Mình cũng học được rất nhiều điều về tình yêu thương và sự sẻ chia, càng thêm cố gắng làm được nhiều hoạt động tình nguyện hơn nữa để có thể giúp đỡ những người xung quanh, lan tỏa tình yêu thương tới mọi người. Với mình, Đội CTXH không chỉ đơn thuần là nơi để giao lưu mà còn là nhà, là những gì thân thương nhất trong chặng đường 4 năm đại học”.

2. Tại Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng, có một CLB luôn sẵn sàng hiến máu nóng, hiến tiểu cầu mỗi khi tiếp nhận trường hợp cần máu, tiểu cầu gấp hoạt động gần 4 năm nay - CLB Ngân hàng máu sống, trực thuộc Đoàn trường.

Anh Lê Đình Lượng, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng cho biết: “Hiện CLB Ngân hàng máu sống tập hợp khoảng hơn 200 bạn sinh viên, được tổ chức thành 2 đội: Đội tuyên truyền và Đội hiến máu. Đội tuyên truyền có nhiệm vụ trang bị những kiến thức liên quan đến hiến máu cho các thành viên, hỗ trợ thành viên tham gia hiến máu đến địa điểm hiến, tổng hợp những trường hợp cần hiến máu, tiểu cầu để đăng thông tin kêu gọi. Đội hiến máu luôn trong tâm thế sẵn sàng hiến máu, tiểu cầu mỗi khi có trường hợp cần. Sau gần 4 năm hoạt động, đến nay, CLB đã hiến trên 2.000 đơn vị máu nóng tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Đa phần các trường hợp được CLB hỗ trợ rơi vào đối tượng là nhân viên, người thân của giảng viên, sinh viên của trường”. Mỗi khi tiếp nhận một trường hợp cần máu, tiểu cầu, Ban Chấp hành Đoàn trường liền thông tin đến các thành viên của CLB thông qua một nhóm trò chuyện trên Zalo. Sau khoảng 10 phút không có thành viên nào đăng ký hiến máu, Ban Chấp hành Đoàn trường chuyển sang gọi điện trực tiếp đến các thành viên. Và phương án cuối cùng là đăng thông tin kêu gọi hiến máu, tiểu cầu lên trang Facebook của Đoàn trường.

Là một thành viên của CLB Ngân hàng máu sống, Phạm Ngọc Hải, sinh viên năm 3, chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật ô-tô, khoa Kỹ thuật ô-tô, Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng không thể nhớ mình đã hiến máu, tiểu cầu cho bao nhiêu trường hợp nhưng Hải nhớ mãi về lần hiến tiểu cầu cho chú bảo vệ của trường ở cơ sở Gia Lai vào khoảng cuối tháng 2 vừa qua. Hải chia sẻ: “Sáng hôm ấy, khoảng 10 giờ, mình tiếp nhận thông tin chú bảo vệ của trường ở cơ sở Gia Lai bị ung thư, vừa chuyển viện từ trên Đắk Lắk về Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cần được hiến tiểu cầu gấp thông qua nhóm trò chuyện của CLB trên Zalo. Mình liền xin phép giảng viên rồi cùng một người bạn chạy xe máy lên Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Sau khi qua các bước kiểm tra, mình đủ điều kiện để hiến tiểu cầu cho chú. Dù sau này không giữ liên lạc với chú nhưng thông qua các thầy, cô giáo trong trường được biết hiện sức khỏe của chú ấy đã ổn định nên mình mừng lắm”.

Anh Lượng cho biết thêm: “Hiện Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng có trên 19 CLB, trong đó có 4 CLB chuyên tổ chức các hoạt động hướng về cộng đồng: CLB Ngân hàng máu sống hiến máu nóng cứu người. CLB Tiên phong có sứ mệnh tổ chức các chương trình thiện nguyện. CLB Vì cộng đồng có vai trò gây quỹ để thực hiện các chương trình thiện nguyện bằng hình thức bán bánh mì, nước mía, nước ép trái cây ngay trong khuôn viên trường. Còn CLB Bạn hữu giảng đường hướng đến hỗ trợ sinh viên trong trường về mọi mặt trong cuộc sống: hỗ trợ tìm nhà trọ, chuyển trọ, hỗ trợ sửa xe khi chẳng may gặp trục trặc giữa đường…

Đội CTXH ở Trường ĐH Sư phạm hay CLB Ngân hàng máu sống ở Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng chỉ là hai trong số rất nhiều những CLB, đội - nhóm ở các trường ĐH trên địa bàn thành phố có hoạt động hướng về cộng đồng. Dẫu bận rộn với bài vở, có bạn còn tranh thủ làm thêm để phụ giúp gia đình nhưng hơn hết, các bạn trẻ hiểu được ý nghĩa của những hoạt động xã hội và luôn cháy hết mình với mỗi hoạt động mà họ tham gia.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.