Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi và sinh con sớm

.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc. Trong đó, nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi và thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, đặc biệt là các bạn trẻ.

Nhiều người cho rằng kết hôn trước 30 tuổi sẽ giúp nhanh chóng ổn định gia đình, kinh tế. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Nhiều người cho rằng kết hôn trước 30 tuổi sẽ giúp nhanh chóng ổn định gia đình, kinh tế. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Mốc tuổi 30

Thông tin Thủ tướng Chính phủ khuyến khích kết hôn trước 30 đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Thực tế, đến một lứa tuổi nhất định (20 đến 30 tuổi), đa số mọi người đều bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng “mùa cưới”, nhưng mỗi người sẽ có cách suy nghĩ, lựa chọn khác nhau. Đối với nhiều người, việc kết hôn trước hoặc sau 30 tuổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài chính, công việc, tâm lý và nhất là tìm được bạn đời phù hợp. Là một người kết hôn sau 30 tuổi, anh Lê Viết Tuân (SN 1988, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) cho rằng: “Với tôi, kết hôn sớm hay muộn không phụ thuộc vào bao nhiêu tuổi, mà phụ thuộc vào việc tìm được người phù hợp, bản thân đủ chín chắn và sẵn sàng chịu trách nhiệm để lo toan cho gia đình”.

Khi kết hôn trước 30 tuổi, đa số các cặp vợ chồng đều sẽ sinh con sớm, nhiều người cho rằng việc này sẽ giúp bảo đảm sức khỏe sinh sản cũng như nhanh chóng ổn định kinh tế gia đình hơn. Chia sẻ về vấn đề này, chị Phạm Thị Trang (SN 1990, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho hay: “Trước khi có quyết định của Chính phủ, tôi đã hoàn thành kế hoạch kết hôn và sinh con trước 30 tuổi. Năm 24 tuổi tôi kết hôn, 25 tuổi sinh bé đầu, đến năm 29 tuổi sinh thêm một bé nữa. Theo tôi nghĩ, nam giới kết hôn trước 30 tuổi sẽ giúp họ sớm có trách nhiệm với gia đình, từ đó lo toan công việc, nhanh chóng ổn định kinh tế hơn. Đối với phụ nữ, trước 30 tuổi cơ thể còn khỏe mạnh nên khả năng hồi phục sau sinh nhanh, sức khỏe con cái cũng được bảo đảm”.

Việc khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi nằm trong bối cảnh cụ thể là chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 và chỉ áp dụng ở vùng mức sinh thấp. Các quyền công dân được tôn trọng theo quy định pháp luật và mỗi người đều có quyền lựa chọn, chương trình chỉ khuyến khích.
Theo bà Trần Thị Thu Huyền, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, việc khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi và có con là hoàn toàn có căn cứ khoa học, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như tinh thần cho các cặp vợ chồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc của mỗi gia đình. “Để tuyên truyền sâu rộng tới hội viên việc kết hôn trước 30 tuổi và sinh con sớm trước hết cho khoảng 140.000 hội viên đang sinh tại Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, theo khuyến khích của Chính phủ, hiện nay ngoài tăng cường tuyên truyền trên các kênh Facebook, Zalo, Hội sẽ lên kế hoạch xây dựng các chiến dịch truyền thông phù hợp trong thời gian tới”, bà Thu Huyền chia sẻ.

Phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi

Đà Nẵng là 1 trong 21 tỉnh, thành phố được xếp vào vùng có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con), theo Quyết định 588/QĐ-TTg đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh này.

Theo Chi cục Dân số  -Kế hoạch hóa gia đình thành phố, hiện nay tỉ suất sinh (TFE) tại Đà Nẵng đang ở mức thấp (1,8), đa số mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con.

Mục tiêu cụ thể thời gian tới là khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ 2 con, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đạt mức sinh thay thế (2,1) nhằm bảo đảm nguồn lao động, nhân lực cho phát triển kinh tế.

Bàn về độ tuổi kết hôn, sinh con, ông Mai Xuân Hòa, Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố cho rằng: “Xét về độ tuổi, nếu sinh con quá sớm, lúc này tâm lý, tài chính của nhiều bạn trẻ chưa ổn định để chuẩn bị cho việc mang thai, dẫn đến chăm sóc cho trẻ sau sinh có thể chưa tốt. Ngược lại, nếu sinh con muộn, sức khỏe của cả mẹ và bé có thể sẽ không được bảo đảm tốt nhất”.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, độ tuổi tốt nhất để sinh đẻ là từ 25 đến 30 tuổi, không nên trì hoãn việc mang thai, có con sau khi lập gia đình. Đối với phụ nữ, hai vấn đề quan trọng nhất quyết định việc sinh sản là chất lượng trứng và số lượng trứng. Sau tuổi 35, chức năng buồng trứng đã giảm dần theo thời gian, vì vậy, khả năng thụ thai ở phụ nữ cũng giảm, nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể ở em bé càng cao. Đặc biệt, càng lớn tuổi phụ nữ càng dễ bị các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường… dễ gặp các biến chứng khi mang thai, các nguy cơ như sẩy thai, sinh non, thai chậm phát triển cũng gia tăng.

“Hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, nếu người phụ nữ chưa quyết định lập gia đình, chưa muốn mang thai hay trong các trường hợp cần điều trị các bệnh mạn tính kéo dài, trước điều trị ung thư thì nên đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản có thụ tinh trong ống nghiệm để lấy trứng, trữ trứng, như vậy sẽ bảo tồn được khả năng sinh sản”, bác sĩ Phương Lê cho biết.

Các bác sĩ chuyên khoa sản cũng khuyến cáo, cả nam và nữ đều nên đi khám ở giai đoạn tiền hôn nhân để được kiểm tra, tư vấn về sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, trong thời gian mang thai, phụ nữ cần đi khám định kỳ, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý để bác sĩ có những tư vấn, phương pháp điều trị kịp thời.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích