Lâu nay, nói tới cuộc đua về tốc độ xử lý của các siêu máy tính, thế giới nhắc nhiều tới hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc khi họ liên tục thay nhau giành vị trí số 1. Nhưng sau nhiều năm nỗ lực, Nhật Bản hiện trở lại ngôi đầu về siêu máy tính, “giành lại những gì đã mất” từ năm 2011.
Siêu máy tính Summit của IBM vừa bị Fugaku “hạ bệ” xuống vị trí á quân trong bảng xếp hạng các siêu máy tính mạnh nhất thế giới công bố tháng 6-2020. Ảnh: ORNL |
Hãng tin Bloomberg cho biết, siêu máy tính Fugaku của Nhật giành vị trí số 1 thế giới về tốc độ xử lý khi ngày 22-6 đánh bại “đương kim vô địch” siêu máy tính Summit của hãng IBM (Mỹ) với khả năng thực hiện được số phép tính trong một giây nhiều hơn 2,8 lần so với Summit.
Nhanh gấp 2,8 lần siêu máy tính Mỹ
Theo AFP, cỗ máy tính có kích thước to bằng cả căn phòng được đặt tại thành phố Kobe của Nhật. Fugaku được phát triển trong 6 năm, là “đứa con chung” của hãng công nghệ Nhật Bản Fujitsu và Viện Riken được chính phủ Nhật bảo trợ.
Hiệu suất tính toán của Fugaku đạt tới tốc độ 415,53 petaflop (1 petaflop tương đương 1015 (10 triệu tỷ) phép tính/giây, nhanh hơn 2,8 lần so với siêu máy tính Summit đang đứng thứ hai thế giới của hãng IBM với hiệu suất tính toán đạt 148,6 petaflop đang đặt ở Viện Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở bang Tennessee (Mỹ). Một hệ thống máy tính được xếp loại siêu máy tính (supercomputer) khi hiệu suất tính toán của nó nhanh hơn ít nhất 1.000 lần so với máy tính thông thường.
Cần phải nói thêm, siêu máy tính Summit của IBM từng giữ vị trí số 1 trong danh sách Top500 (công bố 2 lần/năm) trong 4 lần trước đây. Top500 là danh sách gồm các hệ thống máy tính không phân tán (non-distributed) mạnh nhất thế giới.
Chiến thắng của Fugaku đã phá tan thế áp đảo lâu nay của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua siêu máy tính, đưa Nhật Bản trở lại vị trí số 1 của đường đua này sau cả thập niên nỗ lực phát triển công nghệ.
Năm nay, trong top 5 siêu máy tính nhanh nhất thế giới, ngoài số 1 của Fugaku và số 2 của Summit, vị trí thứ 3 cũng thuộc về một siêu máy tính khác của IBM đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở California. Trong khi đó, hai vị trí 4, 5 thuộc về các siêu máy tính của Trung Quốc, bị lùi xuống một bậc từ vị trí 3 và 4 trong bảng xếp hạng gần nhất trước đó.
Không chỉ đứng đầu danh sách Top500, Fugaku còn giành vị trí quán quân trong các bảng xếp hạng hiệu suất siêu máy tính khác. Fugaku cũng là siêu máy tính đầu tiên cùng lúc đứng nhất trong các bảng xếp hạng Graph500, HPCG và HPL-AI.
Tiềm năng chống Covid-19
Các siêu máy tính đã trở thành một biểu tượng cho năng lực cạnh tranh về kinh tế và công nghệ của các nước. Những hệ thống máy tính có kích thước lớn bằng cả một căn phòng đang được khai thác cho các nhiệm vụ khoa học và quân sự phức tạp, trong đó có giải mã, mô hình hóa biến đổi khí hậu và mô phỏng các thiết kế cho xe hơi, vũ khí, máy bay và các loại thuốc.
Hãng Bloomberg dẫn thông tin từ Viện Riken cho hay, siêu máy tính Fugaku đã được ứng dụng vào nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị Covid-19. Cụ thể, hệ thống này sẽ được dùng vào việc mô phỏng cách thức các giọt dịch bắn sẽ lây lan bệnh như thế nào trong không gian công sở hoặc trên các toa tàu chật ních người có cửa sổ mở. Khi đi vào hoạt động toàn diện trong năm tới, các chuyên gia hy vọng siêu máy tính cũng sẽ có khả năng rút ngắn quá trình nghiên cứu tìm kiếm phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả.
Bất kể thành tích vang dội vừa đạt được với Fugaku, theo Reuters, Nhật Bản vẫn là nước có quy mô nhỏ hơn Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo siêu máy tính. Trong danh sách Top500 mới nhất, Trung Quốc có 226 hệ thống siêu máy tính, trong khi Mỹ có 114 hệ thống. Tuy nhiên, Nhật Bản có lịch sử dài thúc đẩy những tiến bộ đỉnh cao trong công nghệ điện toán. Một ví dụ tiêu biểu cho điều này là siêu máy tính K, một hệ thống trước đây tại Viện Riken, cũng từng giành vị trí số 1 trong danh sách Top500 hồi năm 2011 trước khi bị một hệ thống siêu máy tính tại Livermore (Mỹ) soán ngôi năm sau đó.
Fugaku đã đánh bại Summit và Sierra - hai hệ thống siêu máy tính mạnh nhất trước đó do IBM sản xuất dành cho Mỹ. Vị trí thứ 4 và 5 thuộc về hai siêu máy tính Sunway TaihuLight và Tianhe-2A của Trung Quốc. |
TRẦN ĐẮC LUÂN