Tình yêu Đà Nẵng

.

Trước đây mỗi lần đến Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3), tôi luôn được các báo, đài Trung ương đặt viết bài hoặc thu âm cho phát thanh. Ba năm gần đây, việc tuyên truyền cho các ngày kỷ niệm có ít hơn. Nhưng dù thế nào, Đà Nẵng trong tôi vẫn luôn là thành phố đáng sống. Tôi và gia đình vui biết bao khi góp phần được làm sứ giả giới thiệu Đà Nẵng với các bạn đồng nghiệp.

Tình yêu Đà Nẵng không bao giờ vơi trong tôi, đi đâu tôi vẫn khoe với bạn rằng “Đà Nẵng của tôi” và truyền tình yêu ấy trên từng trang viết. TRONG ẢNH: Vẻ đẹp Đà Nẵng về đêm. Ảnh: LÊ THIỆN
Tình yêu Đà Nẵng không bao giờ vơi trong tôi, đi đâu tôi vẫn khoe với bạn rằng “Đà Nẵng của tôi” và truyền tình yêu ấy trên từng trang viết. TRONG ẢNH: Vẻ đẹp Đà Nẵng về đêm. Ảnh: LÊ THIỆN

Con gái tôi học kinh tế, không rành báo chí, vậy mà tình yêu Đà Nẵng mãnh liệt khiến nó cầm bút viết về thành phố thân yêu và được đăng nhiều trên các báo. Đi đến một nước nào đó, có điều gì tương tự nó lại nghĩ đến Đà Nẵng. Đến Budapest (Hungari) với những cây cầu cổ kính và diễm lệ bắc qua sông Danube, nó lại nhớ đến sông Hàn. Xem pháo hoa Pháp dịp Quốc khánh lại rạo rực những màn trình diễn pháo hoa Quốc tế ở Đà Nẵng. Rồi ăn một một món ngon ở xứ người lại liên tưởng mì Quảng cùng các món ăn vặt ở đường phố quê mình.

Đã có nhiều đoàn bạn Pháp là người thân thiết của con gái tôi về Đà Nẵng từ các bài viết nó “quảng cáo”. Cô nàng truyền tình yêu Đà Nẵng với chị bạn lớn tuổi là Phương Nga đang làm tiến sĩ ngôn ngữ  Pháp bên nước bạn. Được Lê Vi cung cấp tư liệu, Phương Nga đã viết và đọc lời thuyết minh sự tích Ngũ Hành Sơn bằng tiếng Việt cho đội Jacques Couturier Organisation (Pháp) trong cuộc thi pháo hoa quốc tế năm 2010. Từ Paris về ngồi trên khán đài sông Hàn chứng kiến đội Pháp thi thố, Nga đã ôm chặt lấy tôi khi nghe công bố đội Pháp với truyền thuyết Ngũ Hành Sơn đoạt giải nhất…

Tình đất, tình người ở Đà Nẵng thể hiện từ mọi tầng lớp nhân dân. Tháng 9-2016, tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á, anh bạn phóng viên của tôi từ Hà Nội vào tác nghiệp. Khi đưa cho người soát vé công viên Biển Đông 5.000 đồng, anh nói không cần gửi lại tiền thừa. Vậy mà bác soát vé vẫn nằng nặc trả lại 2.000 đồng bởi: “Giá đã quy định thế!”. Bạn tôi tròn mắt: “Lạ thật, người Đà Nẵng!”.

Tôi nói với bạn: “Để có được nếp suy nghĩ ấy, không phải một sớm một chiều, mà có từ nhiều năm. Cả hệ thống chính trị từ tổ dân phố, đến các đoàn thể vào cuộc giáo dục, vận động. Người Đà Nẵng biết vì đại cuộc, vì cái lợi lớn và lâu dài, ghét kiểu làm ăn chụp giật”. Đặc biệt những lần bắn pháo hoa quốc tế, giữa vội vã và đông đúc đêm khuya, các chủ bãi giữ xe có thế lấy nhiều hơn quy định nhưng không ai làm vậy. Còn nhớ khi dịch Covid-19 gây khó khăn bao nhiêu gia đình, các tỉnh, thành trong cả nước có ATM gạo thì không lâu sau, Đà Nẵng cũng có. Việc chi trả gói hỗ trợ của Chính phủ công bằng, đúng đối tượng, không có ì xèo.

Thành phố du lịch, bị ảnh hưởng kinh tế bởi thiếu vắng du khách nhưng khi các tour trong nước hoạt động trở lại, tất cả đều diễn ra nhẹ nhàng như trước đây, không có tình trạng chèo kéo, hét giá “cắt cổ”. Chính từ những việc nhỏ nhất ấy đã ghi điểm thiện cảm trong lòng bạn bè. Đứa cháu tôi vào một thành phố phía Nam, vì không quen, đi xe máy vào giờ cấm của một con đường mà trước đó còn được phép. Bị phạt, rồi gợi ý này kia, đến mức cháu bỏ luôn giấy tờ xe, chưa vào lấy lại. Tôi liên tưởng đến Cảnh sát Giao thông Đà Nẵng, trường hợp ấy, thường chỉ nhắc nhở, thậm chí hướng dẫn tận tình cho du khách đi đường nào thuận tiện nhất.

Ở Đà Nẵng, sự tận tụy với công việc, chức trách của mình, có từ những người lãnh đạo thành phố. Đặc biệt báo chí được họ cực kỳ quan tâm. Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí, bận trăm công ngàn việc, nhưng thường xuyên theo dõi báo chí. Những trường hợp đối tượng chính sách là anh hùng LLVTND, thương binh gặp khó khăn trong đời sống, ông đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ. Nhờ vậy nhiều người đã xây mới hoặc sửa được nhà cửa. Lại nhớ, những ngày xây dựng trụ sở Hội nhà báo Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng trực tiếp kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để Hội có nơi làm việc tốt nhất, dù công việc ấy ông có thể giao cho các ngành chức năng.

Còn nhớ tại chương trình “Ly cà phê yêu thương” số đầu tiên của năm 2020 do Hội Nhà báo phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND thành phố thực hiện. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và gần như đầy đủ các đồng chí lãnh đạo của Đà Nẵng đều tham dự. Lời phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố: “Cuộc sống quanh chúng ta vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, chính vì thế, sự ra đời của chương trình do Hội Nhà báo thành phố kết nối với các cơ quan, đơn vị thực hiện thật sự là một sáng kiến ý nghĩa, thiết thực với xã hội”, nhận được nhiều tràng pháo tay của các phóng viên có mặt… 
Tình yêu Đà Nẵng không bao giờ vơi trong tôi. Đi đâu tôi vẫn khoe với bạn: “Đà Nẵng của tôi” và truyền tình yêu ấy trên từng trang viết.

HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.