Vẽ gì trong những ngày giãn cách?

.

Sau những ngày giãn cách xã hội, 44 họa sĩ vừa gặp gỡ trong triển lãm “Tranh trong mùa giãn cách” ở Hà Nội và ra mắt công chúng 126 tác phẩm vẽ trên nhiều chất liệu.

Trước đại dịch Covid-19, nhiều họa sĩ đã nhập cuộc rất sớm với nhiều suy ngẫm về cuộc sống, phận người. Tới khi Ban Nhân Dân hằng tháng (Báo Nhân Dân) phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam khởi xướng dự án “Tranh trong mùa giãn cách” đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của họ. Đây có thể là cú hích nhẹ để các họa sĩ có những sáng tạo mới.

Tác phẩm Ngày cách ly của họa sĩ Đặng Tiến.
Tác phẩm Ngày cách ly của họa sĩ Đặng Tiến.

Khoảng lặng để suy ngẫm

Họa sĩ Đặng Tiến góp mặt với tranh Ngày cách ly, mà theo ông là “phản ánh trung thực những gì đã diễn ra trong gia đình, qua góc nhìn của riêng tôi”. Còn họa sĩ Phạm Hà Hải vẽ Tiếng của đất. “Trong bộ tranh Tiếng của đất 1-2-3, tôi chọn hình tượng quả chuông, vốn luôn được coi là biểu tượng cho thế giới tinh thần. Khi chuông rung lên, thanh âm trong trẻo vang vọng như lời kêu gọi, như khơi gợi những giá trị cốt lõi nhất, nhân bản nhất trong tâm hồn của mỗi con người. Màu nâu trầm mặc của đất cũng là màu tôi tâm đắc. Hoa văn cổ trang trí như một sợi dây kết nối, xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại. Tiếng của đất là chùm tranh vẽ những quả chuông mà âm vang của nó thức tỉnh loài người về sự biến đổi của hệ sinh thái trên hành tinh này”, họa sĩ sinh năm 1974 chia sẻ.

Trong khi đó, họa sĩ Đặng Xuân Hòa vẽ hai bức tranh bột màu trên giấy theo phong cách bán trừu tượng, đặt tên là Vắng lặng và Niềm tin. “Khi dịch bệnh xảy ra, tôi nghĩ họa sĩ cũng như mọi người dân khác đều phải thể hiện ý thức công dân của mình. Với những gì tôi quan sát, người Việt có sự đồng lòng rất cao trong trận chiến phòng, chống dịch. Sự đồng lòng ấy có điểm xuất phát là niềm tin… Thắng lợi ban đầu của cuộc chiến cam go này cho thấy niềm tin đã giúp xã hội giải quyết triệt để một vấn đề tưởng như vô cùng nan giải”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa bày tỏ.

Dư âm sẽ còn đọng lại, vương vấn người xem khi rời mắt khỏi những bức tranh của họa sĩ Mai Xuân Oanh. “Đại dịch Covid-19 đem đến những mất mát và tổn thất lớn cho loài người, nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và biết trân quý những món quà mà cuộc sống ban tặng. Với tôi, những ngày qua thật đẹp, tôi cảm nhận rõ hơn một điều: hạnh phúc là sống vì nhau, cho nhau, và tôi vẽ về những không gian xanh đầy mơ ước ấy”, Mai Xuân Oanh thổ lộ. Hai bức sơn dầu Căn phòng màu xanh và Ngày hẹn hò của họa sĩ thế hệ 7X này mang cho người xem cảm giác bình yên.

Trân quý cuộc sống

Không kém phần thú vị là tranh của các nữ họa sĩ: Nguyễn Thị Hiền, Trần Thị Trường, Nguyễn Thu Hương, Hoàng Thị Phương Liên... Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Những ngày cách ly, tôi ngồi một mình trong ngôi nhà và suy ngẫm rất nhiều. Chúng ta đang được thử thách và cũng đang được cảnh báo. Chúng ta đã tận hưởng mọi quà tặng hào phóng của thiên nhiên như một sự tất nhiên. Chúng ta đã quên mất lời cảm ơn và trân trọng Trái đất này; đã tàn phá rừng cây, giết hại muông thú, khai thác cạn kiệt những mỏ quặng quý. Chúng ta đã làm ô nhiễm sông hồ, biển cả lẫn bầu trời, khí quyển - nơi đã nuôi dưỡng, bao bọc hàng tỷ người…”.

Bức sơn dầu Căn phòng màu xanh của họa sĩ Mai Xuân Oanh.
Bức sơn dầu Căn phòng màu xanh của họa sĩ Mai Xuân Oanh.

Công chúng yêu hội họa cảm thấy thân quen, gần gũi khi đứng trước những bức tranh của nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường: Bếp lửa hồng, Đọc trong quán cà phê, Ấm trà của nữ công tước. “Âm nhạc, văn học, triết học và hội họa luôn có mối dây liên kết chặt chẽ và tác động qua lại. Tôi vẽ trong phòng đọc sách, trong tiếng cello dìu dặt trong dòng chảy suy nghĩ, rằng dịch bệnh hoặc thiên tai có thể là một dấu chỉ của tự nhiên nhằm nhắc nhở con người hãy cẩn thận hơn, hãy chú ý hơn đến môi trường sống. Và người với người hãy yêu thương hơn, hãy vì nhau hơn...”, nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường tâm sự.

Trong khi đó, họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong vẽ 3 bức tranh sơn dầu khổ nhỏ Uống trà, Như là họa sĩ, Như là ban công. Chị sử dụng bút pháp hình kỷ hà cùng cuộc chơi màu sắc làm nên sắc thái của mối liên hệ bền chặt giữa con người và thiên nhiên… 44 họa sĩ với các phong cách và suy nghĩ lúc tương đồng, lúc khác biệt đã cho thấy những “tiếng lòng” của họ trước những bất trắc của đời sống, cụ thể là trước đại dịch Covid-19. Mặc dù, nói như họa sĩ Phạm Hà Hải, sáng tác trong mùa dịch không hề dễ dàng, khi phải nhập phong cách tạo hình, nghệ thuật của riêng nghệ sĩ với cái mới xảy ra trong đời sống và chuyển tải nó bằng thứ ngôn ngữ đặc thù, và hơn nữa còn làm sao chia sẻ được với cộng đồng.

HOÀNG THU PHỐ
 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích