Dù có nhiều cách lý giải nhưng việc không cứu giúp người bị tai nạn giao thông là biểu hiện của lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm, cần lên án.
Giữa năm 2019, một đoạn clip ghi lại hình ảnh đau lòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Một thanh niên vùng vẫy và người phụ nữ bất tỉnh trong đêm trên vỉa hè sau tai nạn giao thông (TNGT) nhưng cả người gây tai nạn lẫn người đi đường thờ ơ không cứu giúp. Hậu quả, người phụ nữ tử vong. Clip này gây nhiều bức xúc và tranh luận. Ở phần bình luận phía dưới clip chia ra 2 luồng ý kiến trái chiều.
Đăng tải thông tin vụ việc tai nạn giao thông lên mạng xã hội cũng là cách để kết nối sớm với người nhà nạn nhân. (Ảnh từ trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh - sạch - đẹp) |
Bên “thông cảm” lý giải: “Khi đưa người bị nạn đi cấp cứu, bạn là người phải đóng viện phí, bị bệnh viện bắt buộc có trách nhiệm ký hồ sơ và sau đó “đẻ” ra vô số rắc rối, hoặc bị công an mời lên mời xuống, bỏ cả công ăn việc làm. Có khi lại bị người nhà nạn nhân hành hung vì tưởng bạn là người gây tai nạn. Bạn có chắc trong trường hợp ấy, bạn không hành xử như những người kia?”. Bên phê phán hành động “thấy chết không cứu” thì bức xúc: “Cứu một mạng người còn hơn xây 7 tòa tháp. Bạn không gây tai nạn, chỉ giúp đỡ họ thì sao phải sợ mang họa vào thân? Nếu lỡ người bị tai nạn ấy là cha, mẹ, người thân trong gia đình bạn thì sao?”.
Thực tế, câu chuyện “làm ơn mắc oán” từng xảy ra khiến nhiều người e ngại khi cứu giúp người bị nạn. Dù có nhiều nguyên nhân để lý giải, nhưng đó là biểu hiện của sự trốn tránh trách nhiệm trong việc chia sẻ tình người, tình đời trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Một người bạn của tôi hiện làm tài xế của một hãng taxi chia sẻ, thời gian anh cầm lái trong ngày còn nhiều hơn thời gian ở nhà.
Trong 5 năm làm “bác tài”, anh chứng kiến hàng trăm vụ TNGT. Với những vụ xảy ra ban ngày, người dân xúm lại rất đông, sẵn sàng đưa người bị nạn đi cấp cứu. Tuy nhiên, với những trường hợp xảy ra vào nửa đêm, vắng người, chỉ có một người đối diện với người bị nạn thì vấn đề trở nên phức tạp và khó phán xét việc đúng - sai. Bản thân anh cũng nhiều lần thấy tai nạn lúc nửa đêm, người bị nạn nằm sóng xoài trên đường, bê bết máu. Lúc ấy, bản năng thôi thúc anh phải cứu giúp họ. Sau khi đưa người bị nạn đến bệnh viện, anh phải bỏ dở “cuốc chạy”, đánh xe về nhà rửa sạch sẽ vết máu để đến sáng hôm sau giao xe cho đồng nghiệp trong tình trạng mới tinh tươm. “Nghề tài xế là nghề “ăn cám trả vàng”. Tôi đã chứng kiến nhiều vụ TNGT thương tâm. Bản thân tôi từng bị bỏ rơi trong một vụ tai nạn. Tôi không muốn ai rơi vào tình cảnh như của mình trước đây. Nói đơn giản, giúp được cái gì cho ai là mình vui rồi”, anh nói.
Gần đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều người giúp đỡ người bị TNGT bằng cách chụp ảnh, quay clip hiện trường để đăng lên mạng xã hội, như cách thông báo gián tiếp cho người nhà, người thân của người bị nạn (tôi không đề cập những trường hợp đăng tin giật gân, câu view, câu like). Đặc biệt, dạo gần đây, người dân thường đăng tin về TNGT lên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh - sạch - đẹp. Fanpage này có hàng trăm nghìn thành viên, nhiều năm nay là cầu nối thông tin giữa chính quyền thành phố với người dân. Các thông tin đưa lên trang về các vụ TNGT đa số nhằm thông báo cho người nhà. Các admin khi duyệt bài cũng chỉ duyệt những tin gửi đăng với mục đích này. Không ít những vụ TNGT đã kết nối được sớm với người nhà nhờ sự lan tỏa từ fanpage này.
Dù bằng cách này hay cách khác, việc giúp người bị TNGT là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, ngày nay, việc giúp đỡ người bị nạn cũng cần có kỹ năng. Ví như khi thấy người bị tai nạn, nếu chúng ta bế sốc họ lên có khi là lý do khiến họ bị thương nặng. Nếu chúng ta giữ nguyên vị trí họ nằm và gọi những người có trách nhiệm (công an, bác sĩ…) đến thì đấy là cách đúng đắn nhất trong tình huống đó.
Việc thờ ơ với người bị TNGT đã được quy định trách nhiệm trong luật pháp Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh chế tài, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân các quy định, quy tắc khi cứu giúp người bị nạn; đồng thời, có hình thức động viên, khích lệ người dân hỗ trợ khai báo thông tin. Bên cạnh đó, nền tảng giáo dục từ gia đình và nhà trường cũng cần được quan tâm sâu sát để nâng cao tinh thần tự giác, ý thức chia sẻ tình thương, trách nhiệm với cộng đồng trong giới trẻ; xây dựng và hướng đến các giá trị sống nghĩa tình, văn minh.
LAN KHUÊ