Chương trình 'Thành phố 5 không' - 20 năm nhìn lại

.

Hai mươi năm nhìn lại, dù còn mặt này mặt kia phải tiếp tục đánh giá, nhưng Chương trình “Thành phố 5 không” đã góp phần đáng kể cho sự phát triển của Đà Nẵng trong thời kỳ đầu xây dựng và là danh hiệu riêng có, là niềm tự hào của mỗi người dân thành phố bên sông Hàn.

Chương trình “Thành phố 5 không” đã góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Đà Nẵng an bình, văn minh, hiện đại.
Chương trình “Thành phố 5 không” đã góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Đà Nẵng an bình, văn minh, hiện đại.

Năm 2000, Đà Nẵng ban hành chương trình “Thành phố 5 không” gồm: không có hộ đặc biệt nghèo, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng và không có giết người để cướp của.

Từ những mục tiêu cấp bách trở thành phong trào toàn dân

Những ngày đầu khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997), thành phố Đà Nẵng còn 850 hộ đói. Số người mù chữ, thất học; tình trạng lang thang xin ăn; nạn ma túy, giết người cướp của… xảy ra thường xuyên và trở thành vấn nạn của thành phố trên bước đường xây dựng, phát triển.

Từ thực trạng trên, Chương trình “Thành phố 5 không” ngay lập tức được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố nhiệt tình hưởng ứng thực hiện. Cứ thế, thành quả đạt được mỗi năm đều hiển hiện rõ ràng, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Thông qua các chương trình “Xóa đói, giảm nghèo” của chính quyền; chương trình “Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc…, ngay năm đầu tiên thành phố đã xóa được 850 hộ đói và chỉ tiêu giảm nghèo qua từng giai đoạn được hoàn thành trước thời hạn từ 1-2 năm, với tiêu chí luôn cao hơn tiêu chí chung của toàn quốc. Người nghèo ở Đà Nẵng được toàn xã hội quan tâm, chăm sóc và được hưởng nhiều chế độ ưu đãi hơn so với cả nước. Có thể nói, trong chương trình an sinh xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo là thắng lợi ấn tượng nhất của thành phố.

Bên cạnh thành quả về xóa đói giảm nghèo, công tác xóa mù, phổ cập các cấp học, nhất là không để học sinh phải nghỉ học vì lý do kinh tế luôn được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận cùng toàn xã hội quan tâm và đạt được những kết quả thiết thực.

Chương trình “Tiếp sức đến trường” được triển khai sâu rộng. Mục tiêu trên địa bàn thành phố không còn có người lang thang xin ăn đã vấp phải nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp quyết liệt, về cơ bản thành phố không có tình trạng ăn xin nhếch nhác là dấu hiệu đáng ghi nhận.

Mục tiêu không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng và không có giết người để cướp của là việc làm khó, nhưng trong thời gian dài đã khống chế được tệ nạn này.

Điều cần phải ghi nhận là gần 2 thập niên, khi nói đến “5 không”, “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị) và “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội) là cả nước nghĩ ngay đến Đà Nẵng. Vì thế, lúc bấy giờ Đà Nẵng nổi lên như một “hiện tượng” về sự phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế và an sinh xã hội.

Một số kinh nghiệm thực tiễn

Để đạt được những kết quả như đã nêu, có nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân, qua đó có thể rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn sau:

Một là, đề ra chủ trương sát đúng, cụ thể, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; có lộ trình thực hiện khả thi nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, là điều kiện tiên quyết của thắng lợi.

Một khi ý Đảng hợp với lòng dân thì không có trở lực nào có thể ngăn cản thành công. Đà Nẵng từng nêu ra mục tiêu phấn đấu để “Đảng nói dân tin, Chính quyền làm dân ủng hộ, Mặt trận Đoàn thể vận động dân làm theo”.

Hai là, sự chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt của cấp ủy, HĐND, UBND; sự phối hợp đồng bộ, đầy trách nhiệm của Ủy ban MTTQ, các ngành, các đoàn thể, các cấp. Sự chỉ đạo không chỉ kịp thời bằng việc ban hành các văn bản cụ thể cho từng mục tiêu cần thiết mà còn thể hiện ở việc thường xuyên sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, khen thưởng và bổ sung những biện pháp hữu hiệu ở từng cấp, từng ngành, từng thời gian.

Ba là, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả của cả hệ thống chính trị các cấp; sự phân công trách nhiệm rõ ràng từng ngành, đoàn thể, doanh nghiệp… để giúp cho từng địa phương cụ thể. Phát huy vai trò tham mưu của các ngành chức năng như: công an, giáo dục, văn hóa, thể thao…; nhất là vai trò trung tâm tham mưu, phối hợp của ngành lao động - thương binh và xã hội.

Tập trung huy động mọi nguồn lực để phục vụ chương trình với tinh thần “Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống của dân”. Tranh thủ sự hỗ trợ hiệu quả của Trung ương, sự động viên của các địa phương trong cả nước.

Trong hơn 20 năm, thành phố thực hiện khá nhiều chương trình, nhiều mục tiêu liên quan đến an sinh xã hội, đến cuộc sống của nhân dân. Bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi, diện mạo đô thị và nông thôn khởi sắc nhưng nhìn chung sự phát triển ấy chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của một thành phố trẻ, nhất là sự hài hòa, toàn diện về phát triển về cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự và đời sống của nhân dân.

Thiết nghĩ, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố gắn với quá trình hội nhập sâu và toàn diện ở khu vực cũng như thế giới, các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” cần được rà soát lại và có thể tích hợp, sắp xếp lại thành một chương trình có thể lấy tên là chương trình xây dựng thành phố an toàn, văn minh, hiện đại.  

Đối với Chương trình “Thành phố 5 không”, có thể nói đó là ký ức một thời và mãi mãi của cán bộ, đảng viên, của nhân dân thành phố bên sông Hàn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng bộ và nhân dân thành phố đã tâm huyết với chương trình, tận tâm, tận lực vì các mục tiêu xây dựng thành phố vững mạnh và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

NGUYỄN ĐĂNG HẢI

;
;
.
.
.
.
.