Xoay chuyển bầu cử Mỹ?

.

Cái chết của người đàn ông da đen George Floyd có thể khiến mùa hè này ở nước Mỹ trở nên ngột ngạt hơn với khả năng biểu tình lan rộng và kéo dài. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc bầu cứ Tổng thống Mỹ vào ngày 3-11 tới.

 Biểu tình ở Los Angeles. Ảnh: New York Times
Biểu tình ở Los Angeles. Ảnh: New York Times

Ứng cử viên Joe Biden hưởng lợi

Ngay sau cái chết oan uổng của George Floyd (46 tuổi) vì cảnh sát da trắng Derek Chauvin kê đầu gối vào cổ thì những băng-rôn với dòng chữ “Tôi không thể thở” tràn ngập nước Mỹ. Biểu tình càng ngày càng lan rộng, cảnh sát Mỹ tỏ thái độ xin lỗi khi đồng loạt quỳ gối trước dòng người biểu tình vẫn không ăn thua gì. Tổng thống Donald Trump sớm dự báo tình trạng bất ổn này với dòng tweet trên tài khoản Twitter của mình: “Bắt đầu cướp bóc, bắt đầu nổ súng”. Đây là câu nói ứng cử viên George Wallace đã sử dụng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968 mà cuối cùng ứng cử viên Đảng Cộng hòa Richard Nixon giành thắng lợi. Ông hàm ý rằng có thể đấy là sự kiện làm xoay chuyển cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11 tới.

Tổng chưởng lý Mỹ Bill Barr nói trên truyền hình rằng, các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch, tổ chức và điều khiển bởi các nhóm cực đoan. Tổng thống Trump tuyên bố hầu hết những người biểu tình ở Minneapolis là cực đoan, 80% người từ bên ngoài vào. Giới quan sát cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới nhận định tổng thống đương nhiệm thất thế vào lúc này bởi vì Minneapolis phần lớn ủng hộ Đảng Dân chủ. Còn nhớ trong cuộc vận động tranh cử ở đây hồi năm 2016, ứng cử viên Trump từng hỏi người Mỹ gốc Phi rằng, Đảng Dân chủ đã làm gì cho quý vị, nhất là sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama biến thành phố này trở thành nơi bất bình đẳng chủng tộc nhất nước Mỹ.

Trước cái chết của người đàn ông da đen 46 tuổi, cử tri Mỹ đặt nhiều niềm tin vào đương kim Tổng thống Trump với tỷ lệ ủng hộ từ 40 tới 50% trong suốt cuộc khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, ứng cử viên Joe Biden đang có được cơ hội trỗi dậy với khẩu hiệu “khôi phục lại nước Mỹ”, tức là tìm lại hình ảnh đất nước Mỹ đa dạng văn hóa như thời cựu Tổng thống Obama. Cuộc thăm dò dư luận của Washington Post và ABC cho thấy, ứng cử viên Biden có tỷ lệ ủng hộ hơn Tổng thống Trump 10% (53 so với 43). Chính vì thế, nhiều người cho rằng, bóng ma cuộc bầu cử 1968 đang tràn về.

Cơ hội cho Donald Trump

Những quyết định cứng rắn với Tổ chức Y tế thế giới, những lời cáo buộc Trung Quốc khiến dịch bệnh bùng phát rộng khắp thế giới của Tổng thống đương nhiệm Trump cơ bản làm cho cử tri Mỹ nhận rõ đấy không phải là lỗi của ông. Cá nhân ông Trump cũng thể hiện rõ sự tích cực trong nỗ lực vừa chống dịch vừa cố gắng khôi phục kinh tế trong mùa dịch bệnh nên số người tử vong do virus Corona ở Mỹ đã vượt qua 100.000 người vẫn không làm uy tín của tổng thống 73 tuổi suy yếu.

Ông Trump là người hùng biện giỏi nên nhiều người dự báo sẽ tiếp tục thuyết phục cử tri Mỹ rằng, xung đột sắc tộc cũng như virus Corona không phải do ông gây ra. Trước Minneapolis, nước Mỹ từng xảy ra những vụ bạo loạn vì sắc tộc như ở Detroit năm 1967, Los Angeles 1992 và Missouri 2014. Thế kỷ 19 từng chứng kiến 750.000 người Mỹ bị giết hại trong cuộc nội chiến đấu tranh về việc nô lệ người Mỹ gốc Phi có hợp hiến hay không? Ông Trump không thể chữa lành căng thẳng chủng tộc ở Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình nhưng cốt lõi là ông không gây ra chúng.

Đảng Dân chủ biến mình thành ngôi nhà của người Mỹ gốc Phi kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước với mức độ thành công lên tới 90% số phiếu bầu của người da đen trong các cuộc bầu cử tổng thống. Thách thức cho ứng cử viên Biden là duy trì sự trung thành của người Mỹ gốc Phi với Đảng Dân chủ nhưng phải chứng minh được chính sách kinh tế hiệu quả. Bởi vì ngay tại Minneapolis, những chính sách kinh tế xã hội của Đảng Dân chủ thường xuyên không thành công. Ông Biden là người da trắng ở miền Bắc càng bất lợi hơn trong cuộc bầu cử này bởi từ năm 1964 cho tới năm 2008 chỉ có 3 lần ứng cử viên Đảng Dân chủ được bầu làm tổng thống nhưng cả ba đều là người miền Nam.

Hơn nữa, ông Biden có ít nhất hai lần vạ miệng với người da đen mà mới nhất là tuần trước khi bóng gió rằng, cử tri da đen nào bỏ phiếu cho Trump thì “không phải là người da đen”. Tỷ lệ thăm dò dư luận vừa qua của Washington Post, ABC thực sự khích lệ cho Joe Biden nhưng cựu phó tổng thống cho Obama bị đánh giá nắm bắt tình huống Covid-19 và George Floyd không tốt để đẩy mạnh chiến dịch vận động tranh cử nhằm vào sắc tộc và kinh tế hơn là dòng khẩu hiệu “khôi phục lại nước Mỹ”.

Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang nỗ lực giải quyết những cuộc biểu tình bùng phát, đồng thời tiếp tục thực hiện những quyết định về kinh tế mạnh mẽ nhằm khôi phục ngay trong mùa dịch để thu hút cử tri trước thềm bầu cử.

ANH THƯ (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích