Chọn ngành, chọn nghề

"Định dạng" ước mơ

.

Tuổi mười tám luôn phải đứng trước nhiều lựa chọn. Ngành nào đây? Trường nào đây? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu âu lo cho bước kế tiếp trên đường học vấn. Đại học (ĐH) suy cho cùng là một cánh cửa dẫn đến tương lai, nhưng cuộc sống thì có muôn vàn ngã rẽ.

Ở tuổi 31, Nguyễn Quốc Nghị đạt được danh tiếng và thu nhập mà nhiều người ao ước.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Ở tuổi 31, Nguyễn Quốc Nghị đạt được danh tiếng và thu nhập mà nhiều người ao ước. Ảnh: QUỲNH TRANG

Vì cuộc đời bạn là của bạn!

Ở tuổi mười tám đôi mươi, hẳn ai cũng có những ước mơ, hoài bão, cả những chông chênh, mơ hồ không biết mình muốn gì, thích gì, có thể làm được gì, hoặc không dám ước mơ vì hoàn cảnh gia đình… Đậu ĐH là may mắn. Nhưng không ít trường hợp không học ĐH vẫn tạo dựng được thành công cho riêng mình.

Đầu bếp Nguyễn Quốc Nghị (31 tuổi, trú đường Phạm Viết Chánh, quận Cẩm Lệ) - giảng viên ẩm thực tại ĐH Duy Tân, đầu bếp “quen mặt” của chương trình truyền hình “Món ngon mỗi ngày” trên sóng Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam là một trường hợp như vậy.

Thời điểm đứng trước lựa chọn giữa giảng đường ĐH và học nghề, Nghị ngậm ngùi từ bỏ con đường học vấn vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Anh nhẩm tính, với 4 năm “mài đũng quần” trên ghế nhà trường, ba mẹ anh phải bán đi hàng tấn thóc, hàng chục lứa gà, heo… mới đủ. Từ quê nhà huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), Nghị khăn gói ra Đà Nẵng xin làm đủ việc để có cơ hội học nghề.

Có khi Nghị làm công việc rửa chén thuê, có khi chỉ loanh quanh với việc nhặt rau, lột vỏ hành, vỏ tỏi…, hay đôi ba việc vặt sai đâu làm đó. Đáng nhớ nhất là đợt Nghị xin làm phụ bếp tại một quán ăn đối diện Ga Đà Nẵng. Mỗi ngày, Nghị làm việc quần quật từ sáng đến tối trong bếp. Bị bếp chính la mắng, quản lý nạt nộ, bàn tay đầy vết đứt do chạm phải dao nhưng chính lúc ấy Nghị nhận ra mình yêu nghề bếp lạ lùng.

Sau một thời gian kiên nhẫn học nghề, Nghị xin được việc tại các khách sạn 3-5 sao. “Đây là giai đoạn mình bắt đầu tiếp cận với kiến thức ẩm thực một cách bài bản. Càng học, càng làm, mình càng nhận ra đã đi đúng đường. So với bạn bè đồng trang lứa, xuất phát điểm của mình thấp hơn, con đường nghề nghiệp mình chọn gian nan hơn rất nhiều. Dù vậy, mình nghĩ không nhất thiết phải ngồi bàn giấy mới gọi là thành công, mà nghề bếp hay bất cứ nghề nào khác cũng có địa vị và tiếng nói của riêng mình”, Nghị bày tỏ.

Bao nỗ lực của chàng trai trẻ dường như được đền đáp xứng đáng khi năm 2017, anh được nhận giảng dạy chính thức tại Trung tâm Dạy nghề ẩm thực NetSpace, một trong những nơi đào tạo nghề bếp chuyên nghiệp tại Việt Nam, phụ trách các món Việt và món Hoa.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, Nghị nói: “ĐH là con đường cơ bản nhất để dẫn đến thành công, nhưng nó không phải là con đường duy nhất. Môi trường ĐH chỉ bảo đảm về chất lượng đào tạo, định hướng nghề nghiệp sau này cho bạn chứ không bảo đảm bạn có thành công hay không, điều này nằm ngoài khả năng và trách nhiệm của giáo dục. Để thành công, chúng ta phải hội tụ đủ những yếu tố như sự đam mê, bản lĩnh, chỉ số cảm xúc (EQ), các mối quan hệ xã hội, trình độ chuyên môn và các kỹ năng cần thiết, vốn liếng và cả sự may mắn”.

Lấy ví dụ từ chính con đường mình đã đi qua, Nghị khuyên các bạn ở tuổi 18 rằng, khi đứng trước quyết định đầu tiên trong đời: chọn ngành học, chọn trường theo đam mê hay theo mong muốn của cha mẹ, cần tỉnh táo, sáng suốt, quyết đoán để đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân và đừng để “tâm lý đám đông” chi phối.

Đứng trước ngã rẽ giữa việc chọn học ĐH và học nghề, bạn cần tìm hiểu chi tiết các yêu cầu, tính chất, triển vọng tương lai và cơ hội việc làm của ngành nghề mình lựa chọn. Hãy luôn nhớ rằng đừng để quan điểm của người khác làm mờ nhạt đi chính kiến và sự kiên định lựa chọn của mình. Vì cuộc đời bạn là của bạn!

Thanh xuân và thử thách

Vài năm trở lại đây, khái niệm “gap year” bắt đầu quen thuộc với giới trẻ Việt. “Gap year” được hiểu là một năm nghỉ ngơi sau 12 năm đèn sách, làm tất cả những gì mình muốn để khám phá bản thân trước khi bước vào quãng đường ĐH. Các bạn trẻ không chỉ có “gap year” sau 12 năm học phổ thông, mà có thể khi đang học ĐH, hoặc đang làm việc tại công ty nhưng muốn tạm dừng, tìm trải nghiệm mới.

Hà Phạm Bích Trâm (SN 1997) từng là học sinh xuất sắc của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Những tưởng với “bàn đạp” tốt như vậy, Trâm hẳn nhiên có suất vào các trường ĐH thuộc hàng top của cả nước. Song, khi đứng trước lựa chọn mã ngành dự thi ĐH, Trâm chọn “gap year”.

“Em chọn gap year vì có khá nhiều lý do kết hợp, nhưng lý do quan trọng nhất là năm lớp 12 em thi học sinh giỏi quốc gia nhưng không được vào đội tuyển thi quốc tế. Không đạt được thành tích mong muốn, em tự đặt câu hỏi “mình học để làm gì?” Trong suốt 2 tháng sau đó, em vẫn không trả lời được câu hỏi này. Từ nhỏ đến lớn, em luôn là học sinh giỏi, đoạt nhiều giải thưởng, nhưng có vẻ em chỉ học để đoạt giải và được khen, chứ không có mục đích sâu xa nào cho việc học”.

Ban đầu, cô gái trẻ chỉ muốn có “một năm khoảng cách” - khoảng thời gian trống để định hình nhu cầu bản thân trước khi chọn con đường phía trước. “Một năm khoảng cách” không phải là ngồi một chỗ mà phải di chuyển, phải đi ra với xã hội và thế giới”, Trâm hào hứng nói.

Thế là Trâm xách ba lô ra Huế và ở tại Tịnh Trúc Gia - trường học đặc biệt dành cho trẻ em khiếm khuyết về trí tuệ tại Huế. Trâm lưu trú ở đó, làm việc, sinh hoạt cùng các bạn bị tự kỷ. Khoảng thời gian ngắn ngủi này giúp cô vỡ ra rất nhiều điều về cuộc sống.

“Sau khi xong việc ở Huế, em tiếp tục vào Thành phố Hồ Chí Minh và may mắn quen rất nhiều các anh, chị hoạt động trong các lĩnh vực kỹ năng sống, khởi nghiệp, môi trường… Em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng, và em nhận ra rằng em không có một kỹ năng nào cả. Từ nhỏ đến lớn em chỉ biết học, học và học thôi”, Trâm nói.

Hà Phạm Bích Trâm (bìa phải) trải nghiệm những chuyến đi từ Nam chí Bắc trong 3 năm “gap year”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hà Phạm Bích Trâm (bìa phải) trải nghiệm những chuyến đi từ Nam chí Bắc trong 3 năm “gap year”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ dự định “một năm khoảng cách”, Trâm lên kế hoạch 3 năm như thế. “Đến cuối cùng, bằng một cách nào đó, em kết thúc “gap year” khá thỏa mãn. Đơn xin học bổng của em lúc ấy không chỉ có thành tích học tập mà còn thành tích tham gia hoạt động xã hội. Em cũng được nhận học bổng của một số trường ĐH ở Mỹ nhưng mức học bổng không cao nên em chọn ở lại Việt Nam. Sau đó, thật may mắn em được nhận học bổng toàn phần của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng). Giờ thì em đi học theo kiểu rất sướng. Sướng vì được học chứ không stress như xưa nữa”, Trâm chia sẻ.

18 tuổi, Lê Thị Phương Dung (lớp chuyên Anh khóa 2016-2019, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) chưa có nhiều cơ hội thực hiện kế hoạch “gap year” trong thời gian dài. Bù lại, cô tự mình tìm kiếm những chuyến đi ngắn hạn vừa để “làm mới” mình, vừa trau dồi thêm kinh nghiệm.

Dung bày tỏ: “Ba năm THPT là khoảng thời gian em tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng mới từ bên ngoài. Em cần một khoảng thời gian để xử lý và chắt lọc những thông tin đó trước khi nạp vào người mình. Em cũng cần phải học lại và… bỏ học rất nhiều thứ nữa. Ngoài ra, em cần thêm thời gian để chuẩn bị cho hồ sơ du học thật chỉn chu”.

Vậy là cô gái trẻ một mình đi châu Âu và một vài tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam để học những khóa ngắn hạn về xã hội học và nghệ thuật. Cô cũng trải nghiệm khá nhiều trào lưu mà trước nay mình không dám thử như học vẽ, đàn ukulele, tiếng Trung, sáng tác nhạc, thậm chí thử nhuộm và móc light tóc, cắt tóc ngắn, xỏ khuyên mũi…

Không hẹn mà gặp, những bạn trẻ từng chọn cho mình kiểu “gap year” đều cho rằng đi thì bỗng thấy mình có cái nhìn bao dung, độ lượng hơn với cuộc sống. Trâm và Dung thấy mở rộng tầm mắt và tấm lòng với mỗi sự kiện qua mỗi vùng đất quê hương, có những lúc lắng lại trước những số phận người...

“Dù trong mối quan hệ với bản thân, hay gia đình, bạn bè, hay xã hội, tự mình nên phát ra một tín hiệu của sự thiện chí và lòng tận hiến trước đã. Đó là điều bao quát nhất em quan sát được ở bản thân mình mà em có thể nói ra được”.

QUỲNH TRANG


 

;
;
.
.
.
.
.