Chọn ngành, chọn nghề

Lắng nghe chính mình

.

Vài năm trở lại đây, hoạt động tư vấn tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sôi nổi hơn những năm trước. Với các khẩu hiệu “Mang trường học đến với thí sinh”, “Đưa thí sinh về trường”, “Chọn ngành, chọn nghề như thế nào phù hợp với bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội”, thí sinh có thêm thông tin, cơ hội chọn lựa ngành học và nghề nghiệp tương lai.

Thanh Nhàn (hàng trước, ngồi giữa) tham gia Startup Weekend 2019 - cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp trong vòng 24 giờ của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: LAN KHUÊ
Thanh Nhàn (hàng trước, ngồi giữa) tham gia Startup Weekend 2019 - cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp trong vòng 24 giờ của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: LAN KHUÊ

Dù vậy, đứng trước những lời mời gọi hấp dẫn từ các trường, phụ huynh và thí sinh vẫn có không ít băn khoăn, lo lắng. Mấy ai ở lứa tuổi 18 thực sự hiểu rõ mình muốn gì? Liệu ước mơ ngày còn bé có nên được đem ra cân nhắc? Cha mẹ có nên can thiệp vào quyết định của con mình?

Tìm hiểu kỹ ngành học

Thanh Nhàn (SV năm nhất, khoa Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng) kể: “Bố mẹ em định hướng con gái học các nhóm ngành kinh tế và quản trị nhưng em chưa hoàn toàn ưng ý. Em tự mình tìm hiểu về nhu cầu xã hội, khả năng của bản thân rồi quyết định chọn ngành Khoa học dữ liệu - một ngành học còn khá mới mẻ. Ban đầu, mẹ em rất lo lắng vì không muốn con gái đi theo nhóm ngành tự nhiên, công nghệ. Mẹ bảo em theo nghề đó thì cứ suốt ngày cắm mặt vào máy tính, tính cách dần khô khan và thiếu “nữ tính”. Nhưng sau gần 1 năm trải nghiệm việc học ngành này ở Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, em thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn”.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Nhàn chia sẻ, việc lắng nghe bản thân mình và tìm hiểu kỹ về ngành học và trường học là không bao giờ thừa. Theo báo cáo từ Vietnamworks, thị trường công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam hiện vẫn cần nhiều nhân lực chất lượng, nhu cầu cao nhất nằm ở nhóm ngành công nghệ phần mềm.

Kể từ năm 2010 tới nay, nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT tăng gấp 10 lần. Trong đó, điều đặc biệt là mức lương trung bình cao nhất thuộc về nhóm ngành Khoa học dữ liệu, theo sau là các vị trí về hỗ trợ công nghệ hoặc quản lý sản phẩm.

Thêm nữa, dựa trên báo cáo, số lượng nhân sự nữ trong nhóm ngành CNTT chỉ chiếm 11%, vậy nên ngành này còn nhiều đất cho các “cô nàng” dụng võ. “Từ những thông tin mà em có được, em nghĩ tương lai về ngành mình đang rất rộng mở. Đây là ngành kỹ thuật công nghệ nên sự cạnh tranh dĩ nhiên cũng khốc liệt. Dù chặng đường tương lai còn nhiều chông gai, em luôn sẵn sàng phấn đấu để có thể tiến xa hết mức có thể”, Nhàn nói.

Theo TS. Nguyễn Linh Nam, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), để chọn đúng ngành học phù hợp với bản thân, trước hết thí sinh cần phải hiểu về chính bản thân mình. Các bạn cần nhận định rõ về tính cách, sở thích, đam mê của mình và ước muốn của bản thân về con người mà mình muốn trở thành trong tương lai. Từ xác định đúng tính cách, sở thích, đam mê, bạn sẽ chọn ngành nghề phù hợp nhất. Thứ hai, xác định đúng về năng lực bản thân.

Cụ thể, cần xác định thích học và học tốt môn tự nhiên hay môn xã hội; khả năng ăn nói, thuyết phục người khác hay có thể tổ chức cho một nhóm thực hiện tốt công việc nào đó; giỏi ngoại ngữ, hay có khả năng sử dụng máy tính tốt… Đây đều là các thế mạnh bản thân mà bạn cần xác định để từ đó mới chọn lựa ngành học phù hợp.

“Thời đại ngày nay, thông tin rất nhiều và cơ hội cho các bạn tiếp cận thông tin rất lớn, đặc biệt thông tin từ mạng internet. Thêm nữa, các bạn nên tham gia các buổi hướng nghiệp liên quan đến ngành mình yêu thích, tham gia các buổi hội thảo ngành nghề có liên quan, tìm cơ hội tham quan trực tiếp các cơ sở đào tạo và hỏi kỹ về ngành mình chọn học. Các bạn cần dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp mà mình thích, mình chọn, để từ đó xác định đúng ngành học phù hợp. Đừng chọn những ngành mà mình không hiểu, không biết rõ về nó vì cơ hội cho bạn chọn lại sẽ khá khó khăn”, TS. Nguyễn Linh Nam nói.

Chọn ngành theo mô hình IKIGAI

Thuật ngữ Ikigai được ghép từ Ikiru (sống) và Kai (thấy được hy vọng). Ikigai là khái niệm trong tiếng Nhật có nghĩa là “Tìm kiếm mục đích sống của đời bạn” hay “một lý do để thức dậy vào mỗi sáng”. Ikigai dẫn mọi người đến 4 câu trả lời: Bạn yêu thích điều gì, bạn giỏi mảng gì, bạn làm gì để được trả lương hay kiếm ra tiền, thế giới cần gì ở bạn.

Ikigai giúp con người chủ động tìm ra những điều bản thân thấy ý nghĩa để cuộc sống có giá trị. Con người có động lực hơn khi làm những điều mình yêu thích và có khả năng. Từ ý nghĩa của mô hình này, khái niệm Ikigai được khuyên dùng trong vấn đề hướng nghiệp.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Qua nhiều năm tiếp xúc với các học sinh THPT, tôi thấy các bạn còn suy nghĩ khá đơn giản về việc lựa chọn một ngành học. Tất nhiên có những trường hợp phải đi rồi mới biết là mình không phù hợp, nhưng công việc tối thiểu mà các bạn phải làm là xác định được thế mạnh của mình, xem mình có yêu thích công việc đó và sẵn sàng gắn bó cả cuộc đời với nó hay không.

Và một yếu tố cực kỳ quan trọng trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, đó là xã hội có còn nhu cầu cho công việc đó trong tương lai, 20-30 năm nữa hay không. Nếu không nghĩ về vấn đề này, các bạn rất dễ chọn những ngành mà trong không bao lâu nữa, robot, trí tuệ nhân tạo có thể lấy hết công việc của bạn mất rồi”.

Trong khi đó, theo thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở GD-ĐT thành phố, yếu tố nhu cầu xã hội chi phối rất nhiều đến việc chọn nghề của các bạn trẻ, cũng như chi phối phụ huynh trong việc tư vấn chọn nghề cho con.

“Tuy nhiên, từ những trải nghiệm của bản thân, tổng hợp nhiều yếu tố trong công việc cũng như thực tế xã hội, tôi cho rằng chọn nghề theo nhu cầu xã hội là không phù hợp. Bởi lẽ, nhu cầu xã hội không bất biến mà luôn thay đổi theo thời gian, có thể nghề này rất hot ở thời điểm này nhưng nhu cầu sẽ thấp ở thời điểm khác... Tôi khuyên các bạn hãy chọn nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân”.

"Một yếu tố hết sức quan trọng để thành công trong công việc của mỗi con người đó là sở trường, năng khiếu và đam mê, như người xưa từng nói nhất nghệ tinh - nhất thân vinh. Vì thế, tôi khuyên các bạn hãy chọn nghề mình yêu thích phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân"

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở GD-ĐT

 LAN KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích