Việc soạn thảo luật và thi hành pháp luật ở nước ta hiện có nhiều vấn đề cần bàn. Mới nhất là thông tin từ ngày 1-7-2020, nếu cá nhân nào chê người khác lùn, mập, xấu, ế… trên mạng xã hội thì sẽ bị phạt tiền 16 triệu đồng. Thông tin này gây hoang mang, thậm chí trở thành chuyện phiếm bên bàn trà dư tửu hậu mấy ngày qua.
Dự thảo quy định “xe máy phải bật đèn vào ban ngày” bị cho là phi lý và được thay bằng quy định “ mô-tô, xe máy phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông”. Ảnh: THÀNH LÂN |
Thực chất của quy định pháp lý nói trên là thế này: Điểm a, khoản 1, điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ
thông tin và giao dịch điện tử) quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Là bởi khoản 1, điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo điều 592 Bộ luật Dân sự.
Cụ thể, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Và từ ngày 1-7, mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng, tức là người xúc phạm có thể bị phạt tối đa 16 triệu đồng (10 lần mức lương cơ sở).
Xem qua thì thấy quy định pháp lý này vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, lại chặt chẽ. Vậy nhưng, như thế nào là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân” thì chưa có văn bản nào quy định rõ ràng. Dù biết rằng việc chê bai người khác lùn, mập, xấu, ế… có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới người đó nhưng phải xét tới hoàn cảnh (buông lời chê), trình độ nhận thức, quan hệ giữa người chê và người bị chê, phong tục tập quán, phương ngữ và hậu quả nữa. Rồi ai sẽ đứng ra làm “trọng tài”? Cơ quan nào xử phạt và tiền phạt ấy (nếu thu được) sẽ dùng vào việc gì?...
Đặt ra tất cả những vấn đề đó để thấy rằng, quy định nói trên có tính khả thi rất thấp. Song, nó đã thành luật, nghĩa là vẫn tồn tại, để rồi rơi vào hoàn cảnh có mà như không. “Điển hình” của tình trạng này là Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, được ban hành từ năm 2012, theo đó nghiêm cấm các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, như bệnh viện, trường học, nơi làm việc, xe buýt công cộng...
Nhưng thực tế thì khói thuốc vẫn ngạo nghễ bay lên tại nhưng nơi cấm mà hiếm có ai bị phạt; người khác có thấy và muốn chế tài hành vi đó cũng chẳng biết kêu ai. 8 năm mà chỉ xử phạt được vài chục trường hợp, đó là chưa nói quy định cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức cũng chỉ tồn tại trên… giấy!
Đã có nhiều điều luật “chết” chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng vào thực tiễn và cũng có những điều luật sớm “qua đời” từ khi còn trong dự thảo. Mới đây nhất, trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Ban soạn thảo đưa ra quy định “xe máy phải bật đèn vào ban ngày”. Ngay lập tức, quy định dự kiến này tạo “sóng”, bị cho là phi lý, ngớ ngẩn.
Sau đó, ban soạn thảo đã bỏ quy định đó, thay bằng: “mô-tô, xe máy phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông”. Thật ra, từ rất lâu nhiều thương hiệu xe đã thiết kế đèn nhận diện bên cạnh đèn chiếu sáng rồi, nhưng trong thời gian dài thấy không mấy tác dụng và luật cũng không bắt buộc nên nhiều hãng khác không dùng đến nữa, sắp tới nếu quy định mới này được thực thi thì cũng chẳng qua chỉ là “thừa giấy vẽ voi”.
Dân tình đã ta thán nhiều về chuyện các nhà làm luật… đi trên mây, dẫn tới luật đi đằng luật, không “chung làn” với cuộc sống. Chính các đại biểu Quốc hội trong một số phiên thảo luận cũng thẳng thắn chỉ rõ cần chấm dứt tình trạng soạn thảo luật trong phòng máy lạnh.
Để chấm dứt tình trạng đó, chắc chắn không bắt đầu từ phía người dân mà phải từ phía các nhà làm luật. Để cơ quan lập pháp xây dựng được luật, bộ luật chính xác; để các cơ quan khác ban hành văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, sát thực tế… thì các cơ quan tham mưu, dự thảo phải đủ tầm, sáng suốt, trách nhiệm, không bị lợi ích nhóm chi phối. Ngược lại, sẽ rất khó chấm dứt chuyện luật chưa ban hành đã “chết lâm sàng” hoặc sau khi có hiệu lực thì sớm trở nên… mất hiệu lực!
Đặc biệt, phải có cơ chế xử lý, chế tài đích đáng cá nhân, tổ chức tham mưu hoặc ban hành luật sai, xa rời thực tiễn. Không chấp nhận đổ thừa “công của tôi, tội của chúng ta” mỗi khi có quy định pháp lý bị cơ quan tư pháp “tuýt còi” hoặc bị thực tiễn cuộc sống từ chối.
QUANG DƯƠNG