Hơn 15 năm kể từ khi tôi cùng một số cựu chiến binh (CCB) bắt đầu sưu tầm những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam để cho ra đời rất nhiều cuốn sách thuộc Tủ sách Mãi mãi tuổi 20, công tác biên soạn đã quy củ hơn, những cuốn sách cũng được in đẹp hơn. Đến nay, tôi vẫn tiếp tục công việc này bởi muốn lưu giữ những kỷ vật hào hùng và đau thương của một thời chiến tranh làm bài học tinh thần, bài học lịch sử cho thế hệ mai sau.
Nhà văn Đặng Vương Hưng (trái) tặng sách cho thân nhân gia đình Anh hùng LLVTND - liệt sĩ, nhà văn Chu Cẩm Phong tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7-2020. Ảnh: P.V |
Tháng 12-2004, nhóm các nhà văn và CCB chúng tôi chính thức phát động cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các tác phẩm: Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống để yêu thương và dâng hiến, Gửi lại mai sau, Tài hoa ra trận, Nhật ký Vũ Xuân, Trở về trong giấc mơ, Tây tiến viễn chinh... chính là kết quả của cuộc vận động này. Đó cũng là những tác phẩm tiêu biểu, cùng hàng trăm cuốn sách khác của Tủ sách Mãi mãi tuổi 20.
Di vật quý giá
Là một nhà văn, đồng thời là một người lính từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, như nhiều CCB khác, tôi hiểu thế nào là chiến tranh cùng sự hy sinh, mất mát. Nghề báo giúp tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện, nhân chứng và sưu tầm tư liệu...
Công việc viết văn giúp tôi “ngộ” ra một điều: Đôi khi chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ.
Ý tưởng làm bộ sách tư liệu về chiến tranh qua những trang nhật ký được viết trong thời chiến đã hình thành như thế. Đó là bộ sách tư liệu chân thực về các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Những cuộc chiến đó đã kết thúc từ lâu nhưng dấu ấn của nó vẫn còn in đậm trong các gia đình Việt Nam.
Thực ra, viết thư hay ghi nhật ký không phải là làm văn, mà trước hết đó chính là cuộc đời. Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành tác giả nhật ký. Bởi thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến lạ kỳ.
Tôi còn nhớ, những ngày tháng đầu đọc hàng vạn lá thư, hàng trăm cuốn nhật ký, có những lá thư đã nhuốm màu máu, có lá thư bị cháy sém một góc, hay có trang nhật ký vẫn còn găm vết đạn… Tôi gọi đó là những trang văn lấm đất chiến hào. Tôi biết tất cả những kỷ vật đó vô cùng thiêng liêng với những người đã nằm xuống và cũng là di vật quý giá đối với người thân của họ.
Mắc nợ đồng đội
Trong mỗi người lính thời đất nước có chiến tranh đều có những niềm vui, nỗi buồn và tình yêu không bao giờ vơi cạn. Điều quan trọng là họ tiếp tục chiến đấu cho tới ngày toàn thắng. Không ai có thể phủ nhận được lý tưởng cao đẹp và tình yêu quê hương đất nước của các anh - những người đã ngã xuống và những người còn sống trở về. Sẽ không có bút mực và cũng không có nhà văn nào viết được những tác phẩm như thế, trừ những người trong cuộc viết ra trong một khoảnh khắc nào đó, đáp ứng nhu cầu của tình cảm riêng tư.
Đó là những trang viết máu thịt của cuộc đời. Đọc những trang viết, ta có thể hình dung ra từng số phận con người, và cao hơn nữa là hơi thở của cả thời đại. Vì thế, qua những trang nhật ký ấy, ta có thể hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của nhiều thế hệ, đã góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975 vĩ đại của dân tộc.
Trong xã hội hiện đại, cùng với sự phát triển của internet và điện thoại thông minh, những trang nhật ký được viết bằng bút mực trên giấy ngày một hiếm. Công nghệ số hóa cho phép người ta chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại thông minh là có thể lưu giữ cảm xúc, suy nghĩ, hoặc gửi cho nhau cách xa hàng vạn cây số, và nhật ký không chỉ có con chữ, mà còn có cả hình ảnh, âm thanh sống động…
Nhưng có lẽ vì thế mà những trang nhật ký viết tay, đặc biệt là nhật ký thời chiến Việt Nam, càng có giá trị hơn. Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ, ố vàng vì thời gian ấy, ta nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống.
Hơn 15 năm làm công tác biên soạn những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam, tôi vẫn cảm thấy mình chưa làm được gì nhiều và dường như mình còn mắc nợ đồng đội, mắc nợ thân nhân các anh hùng liệt sĩ, CCB, bởi có những lá thư tôi nhận từ năm 2004 không có thuyết minh để tôi có thể xác định được người viết là ai, thậm chí người gửi thư đó ở đâu, tên gì. Rồi nhiều gia đình liệt sĩ đã gửi cho chúng tôi những lá thư đi kèm giấy báo tử, di ảnh để mong chúng tôi tìm được mộ cho thân nhân của họ. Nhưng việc tìm mộ liệt sĩ có cả một hệ thống, phải nhiều người vào cuộc, phải có kinh phí, sức lực, thời gian. Đấy là điều tôi cảm thấy tiếc nuối, day dứt…
Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam gồm 4 tập, mỗi tập 1.000 trang, vừa được ra mắt đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc cả nước, thân nhân các anh hùng liệt sĩ, các cựu chiến binh… Đây là lần đầu tiên những tác phẩm Nhật ký thời chiến Việt Nam hay nhất, nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách, với 30 tác phẩm của 30 tác giả. Năm 2021, cuốn sách Trái tim người lính tập đầu tiên (thuộc Tủ sách Mãi mãi tuổi 20) dự kiến được phát hành, đăng tải những lá thư và nhật ký của các cựu chiến binh đã tham gia trực tiếp cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Cuốn sách sẽ mang đậm chủ đề về cuộc sống tình cảm của những người lính, về hậu phương, những câu chuyện tình cảm gia đình và tình yêu... |
ĐẶNG VƯƠNG HƯNG