Thấu hiểu và đồng hành trẻ tự kỷ

Giúp con hòa nhập cộng đồng

.

Với nhiều cha mẹ có con bị tự kỷ, việc chấp nhận con mình không như những đứa trẻ bình thường khác là điều không dễ dàng. Nhưng rồi những ông bố, bà mẹ ấy nhận ra rằng, tình yêu thương, kiên nhẫn đồng hành với con là cách duy nhất giúp con sớm hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh sự can thiệp của y học thì sự đồng hành của phụ huynh trong quá trình điều trị cho trẻ tự kỷ là rất quan trọng. Ảnh: MAI HIỀN
Bên cạnh sự can thiệp của y học thì sự đồng hành của phụ huynh trong quá trình điều trị cho trẻ tự kỷ là rất quan trọng. Ảnh: MAI HIỀN

Hơn 8 năm chờ đợi kỳ tích

Tôi gặp chị U. (SN 1983, ngụ quận Thanh Khê) ngay sau khi chị đưa bé P. (SN 2009) đến lớp học ở Trung tâm Hướng Dương (cơ sở 2, số 87 Kỳ Đồng, quận Thanh Khê). Ngày nào cũng vậy, có hôm mẹ, có hôm ông ngoại đưa bé P. đến trung tâm học với hy vọng bé sớm bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa. Niềm hy vọng từ tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm kia đến giờ đã hơn 8 năm.

Rơm rớm nước mắt, chị U. chia sẻ: “Khoảng giữa năm 2011, bé P. khoảng hơn 18 tháng, thấy con chưa biết nói, vợ chồng tôi nghĩ chắc bé chậm nói nên không để ý. Tại thời điểm đó, tôi chỉ nghe qua về chứng tự kỷ. Đầu năm 2012, chúng tôi đưa bé đến khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Tôi không nhớ rõ bác sĩ có kết luận bé bị tự kỷ không, chỉ nhớ bác sĩ bảo bé bị rối loạn về ngôn ngữ và khuyên chúng tôi nên cho bé đi học can thiệp sớm”.

Vợ chồng chị U. không muốn tin những gì bác sĩ nói với họ. Nhưng với bản năng của một người cha, người mẹ, anh chị đã tìm đến Trung tâm Hướng Dương với hy vọng con sẽ sớm bình thường. Tuy vậy, anh chị chỉ đến trung tâm tìm hiểu thông tin rồi về và gửi con ở một nhóm lớp độc lập tư thục. Hơn một tháng đi trẻ, gần như trưa nào bé P. cũng la hét khiến các bạn khác không thể ngủ. Bé P. cũng không chơi cùng bạn nào, không giao tiếp với bất kỳ ai. Đến lúc này, vợ chồng chị U. mới dần chấp nhận sự thật về tình trạng của con và đăng ký cho con theo học tại Trung tâm Hướng Dương.

Chị U. chia sẻ: “Khi được bác Chất (cử nhân Phục hồi chức năng, phụ trách Trung tâm Hướng Dương - PV) đưa ra những biểu hiện của trẻ tự kỷ để đối chiếu với bé, chúng tôi mới nhận ra con mình có biểu hiện từ rất sớm nhưng chúng tôi không hay biết”. Ban ngày, bé P. đi học ở trung tâm, tối đến vợ chồng chị tập cho con những bài tập trị liệu theo mẫu giấy kỹ thuật viên đã hướng dẫn chi tiết. Theo thời gian, xấp giấy ghi “bài tập về nhà” của bé P. cũng dần dày lên và chị U. lưu giữ không sót tờ nào. Bên cạnh đó, chị vào mạng tìm hiểu thêm kiến thức về tự kỷ để hiểu về những hành vi bất thường của con. Chị còn in ra những bài tập trị liệu sưu tầm được để tập cho con.

Sau hơn 8 năm, từ một đứa trẻ đến cả hành động ngồi cũng không biết, chẳng bao giờ chịu đứng yên một chỗ để mẹ cột tóc, nay bé P. biết ngồi, biết đứng yên, biết mang dép, đeo khẩu trang, đội mũ, biết giúp mẹ quét nhà hay lấy giúp một vật nào đó. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên bé tự nói được một câu dài như “Chào mẹ con đi học về”. Với vợ chồng chị U., đó là quả ngọt sau hơn 8 năm nỗ lực của anh chị, của bản thân bé và cả Trung tâm Hướng Dương.

Bệnh viện là nhà

Từ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, chị T. cùng con gái thứ hai - bé C. (SN 2016) khăn gói ra Đà Nẵng để điều trị chứng tự kỷ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng hơn nửa năm nay. Cũng chừng ấy thời gian, hai mẹ con chị xem bệnh viện là nhà, khoảng 3-4 tuần mới về Phù Cát một lần.

Chị T. kể: “Bé C. vốn sinh non nên khi bé được 20 tháng tuổi, thấy con vẫn chưa biết đi, vợ chồng tôi nghĩ chắc do ảnh hưởng của việc sinh non, từ từ rồi con cũng đi được. Nghĩ là vậy nhưng vẫn bất an nên vợ chồng tôi đưa cháu đi khám. Bác sĩ kết luận cháu bị yếu cơ nên chậm đi. Đến khi con 30 tháng tuổi, cháu biết đi, gia đình tôi mừng lắm nhưng có thêm nỗi lo khác vì cháu chậm nói hơn so với bạn cùng lứa, bé cũng không chơi cùng ai, suốt ngày để tay lên miệng. Tôi lên mạng tìm hiểu thì hay những biểu hiện của con rất giống tự kỷ”. Vợ chồng chị T. chưa đưa con đi kiểm tra. Khi bé C. 36 tháng tuổi, anh chị một lần nữa dẫn bé đến khám tại bệnh viện và bác sĩ kết luận C. bị tự kỷ.

Vợ chồng chị cho bé theo học tại một trung tâm dạy trẻ tự kỷ gần nhà. Sau 3 tháng, thấy con không có tiến triển gì nên chị cho nghỉ học và quyết định ra điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Tuần nào bé C. cũng học 4 tiết học cá nhân, 4 tiết học nhóm, mỗi tiết từ 15-45 phút, trải đều từ thứ Hai đến thứ Năm. Chị T. bộc bạch: “Những ngày đầu, con không hợp tác với các cô, tôi lo lắm, chỉ biết ôm con rồi khóc. Giờ bé hợp tác hơn nhưng chỉ được một khoảng thời gian ngắn thôi".

Những giờ con lên lớp, chị T. nhìn con qua cửa kính rồi học lỏm cách các cô dạy. Các cô dạy con cái gì thì về phòng chị T. tập lại cho bé y vậy. Các cô cho con chơi gì thì chị lại tìm mua đồ chơi đó cho con. Hiện tại, C. biết nói “không” khi không thích điều gì đó. C. hiểu những gì mẹ nói với bé và biết quay lại mỗi khi mẹ gọi.

Không bàn tình trạng của bé P. hay bé C. ai nặng hơn, hành trình đồng hành với con của các bậc cha mẹ bên nào dài hơn, mà chỉ nhìn vào việc họ vẫn giữ được tinh thần lạc quan cũng đủ thấy họ đã cố gắng và mạnh mẽ đến dường nào. Chị U. chia sẻ: “Phải mất 5-6 năm để con tôi hoàn thiện được một kỹ năng cơ bản nhưng chúng tôi sẽ luôn cố gắng đi cùng con, cùng nhau chờ đợi kỳ tích, con tôi sẽ được đến trường”.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.