Công nhân hiện gặp nhiều khó khăn khi các công ty lần lượt chọn phương án giãn giờ làm, chia ca, thậm chí cho người lao động nghỉ việc không lương do ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19. Tuy nhiên, công nhân động viên nhau khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng phát khẩu trang cho công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh để tăng cường phòng, chống Covid-19. Ảnh: TIỂU YẾN |
Cắt giảm lao động
Khoảng 4 tháng nay, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, quản lý dãy nhà trọ công nhân trên đường Lê Thương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) liên tục đăng thông tin cho thuê phòng lên mạng xã hội facebook. Bà Hạnh nói, trước đây dãy trọ luôn kín phòng, ai muốn thuê phải đăng ký trước, giờ thì trống trơn, công nhân lần lượt dọn hành lý, trả phòng về quê. “Hiện tôi còn vài phòng trọ trống, nằm ngay chỗ Công ty TNHH Daiwa nhưng chưa cho thuê được. Cũng có công nhân tới hỏi nhưng xin ở chung 3-4 người cho phòng 2 người nên tôi đang cân nhắc”, bà Hạnh cho hay.
Khi một số bạn bè, người quen lần lượt về quê do thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Th. (quê xã Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vẫn cố bám trụ trong căn phòng trọ 12m2 nằm sâu trong kiệt 245 Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc. Covid-19 khiến Công ty Vinakad (nơi chị Th. làm việc - PV) mất khá nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ. Không có đơn hàng, công ty lần lượt cho 100 lao động nghỉ việc, số còn lại làm việc luân phiên, cắt giảm giờ làm, nghỉ theo hình thức phép năm và chị Th. là một trong những công nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Cách đây 4 tháng, vợ chồng anh Nguyễn Tiến Nhân (quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cùng làm việc cho một công ty đông lạnh trên đường Vũ Tông Phan (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) với mức lương cơ bản 4,2 triệu đồng/người. Khi dịch bệnh xảy ra, công ty cắt giảm lao động, hai vợ chồng chỉ một người được ở lại làm việc. Thu nhập giảm một nửa, trong khi con nhỏ gửi nhà trẻ, chi phí cao nên cả hai tạm nghỉ việc về quê bán cá. Anh Nhân cho biết, 3 giờ sáng, anh dậy chở vợ xuống bến cá ở Hội An mua về bán dạo, ngày lời gần 300.000 đồng. Thời gian còn lại trong ngày, vợ chồng anh tập tành trồng rau màu, hái bán được thêm chừng 100.000 đồng. Anh Nhân tâm sự: “Tính ra không hơn lương công nhân, nhưng trong thời buổi công việc khó khăn thì đây là sự lựa chọn tốt nhất của vợ chồng tôi”.
Từ đầu năm đến nay, gần chục doanh nghiệp (DN) ở các KCN tại Đà Nẵng đã cắt giảm lao động do thiếu nguồn nguyên liệu và các đơn hàng vào thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tạm ngưng. Ông Hồ Sỹ Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vinakad cho biết, công ty nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, nay thị trường nguyên liệu hầu như “đóng băng”, đơn hàng chuyển đi Mỹ cũng bị cắt gần hết, nhà máy duy trì 20% công suất, từ cuối tháng 3 phải cho 100 lao động nghỉ việc; nếu tình hình diễn biến xấu hơn, sẽ tiếp tục cho nghỉ thêm.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho hay, hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động khi phải giãn việc, giảm giờ làm, tạm nghỉ không lương một thời gian. Theo ông Sơn, tính đến giữa tháng 5-2020, có 93 DN bị ảnh hưởng Covid-19, trong đó có 21 DN đề nghị hỗ trợ. Nguyên nhân chính do các DN này có quan hệ mua, bán hàng hóa, nguyên liệu với Trung Quốc; một số DN cũng bị ảnh hưởng do công nhân xin ở nhà giữ con nhỏ trong thời điểm cách ly toàn xã hội. Ngoài ra, các công ty có sản phẩm cung cấp chính cho thị trường khách du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đầu ra hạn chế. Một số DN có lao động, chuyên gia là người Trung Quốc về nước chưa qua lại gây khó khăn trong điều hành sản xuất. Hiện tại, có khá nhiều DN trong giai đoạn cầm cự sản xuất, chưa đánh giá được mức độ ảnh hưởng cũng như sự sụt giảm về doanh thu.
Xoay xở trong tình hình dịch bệnh
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến cuối tháng 6-2020, Sở đã tiếp nhận 14.482 người lao động đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp, thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng cho 2.896 trường hợp. Các phiên giao dịch việc làm được tăng cường nhưng vị trí việc làm bị sụt giảm do tình hình dịch bệnh, số lượng thất nghiệp đang có chiều hướng gia tăng.
Ông Trương Ngọc Hùng, Phó phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, đối với một bộ phận lao động thất nghiệp có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, Sở đã đẩy mạnh chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, với tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện đang quản lý, điều hành hơn 1.375 tỷ đồng. Sở đã thẩm định và giải ngân cho vay hơn 285 tỷ đồng với 6.362 dự án, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 6.400 lao động, bình quân mỗi lao động được vay gần 45 triệu đồng. Ước tính đến cuối năm 2020, các thành phần kinh tế tạo vị trí việc làm tăng thêm cho khoảng 26.700 lao động (đạt 4,2%), bảo đảm chỉ tiêu hằng năm (4-5%/năm), phấn đấu hạ tỷ lệ lao động thất nghiệp xuống còn 3,0%.
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng, tổng số lao động tại khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (tính đến ngày 14-5) là hơn 73.500 người; trong đó lao động đang làm việc trong DN FDI hơn 34.200 người. Tính đến ngày 28-7, các DN có số lao động từ 300 người trở lên như Ba Sao, Kazanki, KaneM, Keyhinge, Việt Hoa, Mabuchi, Whitex, Lywayway, Daeryang đều duy trì việc sản xuất, làm việc bình thường. Các DN khác như Vinakad, Dệt Hòa Khánh, Blues, Yuri áp dụng làm việc luân phiên, giảm giờ làm…
Bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, thực hiện Công văn số 4869/UBND-SYT ngày 25-7-2020 về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng yêu cầu các DN triển khai đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, yêu cầu người lao động đeo khẩu trang và giãn bữa ăn giữa ca, bổ sung tấm ngăn trong bữa ăn để bảo đảm an toàn trong phòng bệnh...
TIỂU YẾN