KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1-8-1930 – 1-8-2020)

Về lại Hòn Tàu

.

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2020), cuối tháng 7-2020 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức chuyến về nguồn, về lại căn cứ địa Hòn Tàu tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đấy là chuyến về nguồn đầy cảm xúc, linh thiêng của nhiều thế hệ người làm Tuyên giáo, với cả phóng viên các cơ quan báo, đài.

Đoàn làm lễ dâng hương, tưởng niệm. Ảnh: TRỌNG HUY
Đoàn làm lễ dâng hương, tưởng niệm. Ảnh: TRỌNG HUY

1. Đây là lần thứ hai tôi trở lại căn cứ địa Hòn Tàu, sau đúng 8 năm. Sau hơn một giờ đồng hồ từ Đà Nẵng vào đến xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, xe dừng ở bãi đáp. Dãy núi Hòn Tàu hiện ra trước mắt, một màu xanh của cây rừng bạt ngàn, trải rộng, xen kẽ ngọn núi “Chúa” chọc thẳng lên trời. Đoàn nhằm hướng chỉ núi, xuất phát. Dẫn đoàn là Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Thái Đình Hoàng, người có nhiều kinh nghiệm đi về căn cứ Hòn Tàu nhất, cũng là người lớn tuổi nhất đoàn.

Đồng hồ điểm 7 giờ 35 phút. Đoàn bắt đầu đi. Trong đoàn có khá nhiều chị em phụ nữ, có những người lần đầu tham gia chuyến đi. Mặc dù có người đi tiền trạm, đánh dấu sơn đỏ dẫn đường, có người kỳ cựu dẫn đoàn, nhưng tại nhiều nơi đoàn vẫn phải nghỉ chân để kiểm tra, định vị và xem xét lại hướng đường cho bảo đảm chính xác. Rừng già cứ im ắng như thử thách lòng kiên gan, như ru ngủ người đi rừng với những dây nhợ, những ngã rẽ mập mờ sáng tối. Thỉnh thoảng một tốp người trong đoàn bị chậm lại, lại vọng lên tiếng hú của người đi rừng để ới chờ nhau. Rừng già im ắng kỳ lạ, ngoài tiếng thì thào của đoàn chúng tôi. Khi có người mệt, lại cất lên câu đùa vui “Cho em nằm lại đất lành Duy Xuyên” khiến tiếng cười lại vang lên, xua đi cái yên ắng.

2. Hòn đá có gắn biển ghi sự kiện ngày 22-5-1972 và tên 10 cán bộ, chiến sĩ của Ban Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh cách đây 40 năm hiện ra trước mặt. Mọi người ai cũng thở phào như quên hết mệt nhọc của chặng đường núi gần 2 giờ đồng hồ leo dốc, luồn cây, cào gai để đi. Cảm giác mắt ai cũng rưng rưng trong phút mặc niệm khi nghĩ những người đã hy sinh cách đây 40 năm. Khói hương tỏa lẩn với ánh sáng rừng len qua tạo không khí trầm mặc, trang nghiêm và linh thiêng giữa núi rừng. Ông Thái Đình Hoàng kể, việc tìm kiếm và đưa 5 người hy sinh vào rạng sáng 22-5-1972 bị vùi dưới đá sâu trở về đất mẹ, về bên đồng đội, đồng chí vào năm 2011 là cả một hành trình dài đầy chông gai, thử thách. Trong quyết tâm, còn có cả chiến lược và sự may mắn khi dùng thuốc nổ để đánh lệch khối đá hàng chục tấn đang tì chắn lối vào nơi các anh nằm lại.

Tại khu căn cứ Hòn Tàu, những vải tăng, những cục pin cũ, vải màn, cuộn phim còn rải rác xen lẫn trong đất. Đá vẫn trầm mặc với thời gian. Cây vẫn xanh. Giữa thăm thẳm núi rừng, hương khói bay lên tỏa thơm ngát. Tấm băng-rôn tưởng niệm của Ban Tuyên giáo Thành ủy mang theo thay thế cho tấm băng-rôn cũ, chói đỏ, lấp lánh. Khu vực trước tấm bia dán trên đá được dọn sạch để làm bàn thờ trang nghiêm và giản dị, thể hiện tấm lòng tri ân và luôn trân quý của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh với bậc cha anh. Đoàn chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ.

3. Đoàn chúng tôi xuống núi khi đồng hồ điểm 10 giờ 35 phút. Tiếng í ới không còn rộn rã như lúc đi lên. Trong tâm tưởng, dường như ai cũng còn nghĩ về hình ảnh cứ địa Hòn Tàu, về những câu chuyện kể giữa núi rừng tại nơi các anh nằm lại. Lặng lẽ đi, lặng lẽ bước cho đến khi mệt nhoài mới dừng chân tiếp nước. Chân của nhiều người trong đoàn tấy sưng vì lần đầu đi núi, lần đầu leo dốc giữa rừng.

Giữa cái nắng chói gắt trưa hè miền Trung, mặc dù mệt nhưng ai cũng phấn chấn. Hòn Tàu không bao giờ xa cả. Hòn Tàu không chỉ là tiếng vọng, dẫu cách núi, dẫu rừng rậm u linh.

Cứ địa Hòn Tàu đã được khẳng định giá trị lịch sử. Năm 2012, Di tích Hòn Tàu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Tháng 10-2017, khu di tích Đặc Khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu được tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành. Việc đầu tư kinh phí, công sức của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam những năm gần đây đối với di tích cứ địa Hòn Tàu - căn cứ cách mạng Đặc Khu ủy Quảng Đà, với việc dựng bia, xây nhà truyền thống, phục dựng khu nhà làm việc, làm đường ô-tô rộng rãi chạy vào sâu tận căn cứ Hòn Tàu, là sự khẳng định giá trị lịch sử vĩnh cửu của căn cứ Hòn Tàu.

Đường về Hòn Tàu hôm nay không còn xa, không còn gian khó như trước, ngoài chặng đường bộ vượt núi lên cứ địa, nơi làm việc của Cơ quan Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà trên dãy núi Hòn Tàu.
Hòn Tàu là “địa chỉ đỏ” cho thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ, tìm về.

MINH SƠN

;
;
.
.
.
.
.