1. Sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ công dân đang tạm trú tại Đà Nẵng có nguyện vọng trở về các địa phương trong lúc xảy ra Covid-19, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức những chuyến xe đưa bà con trở về quê nhà. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh, yêu cầu rà soát, thống kê số lượng người Thừa Thiên Huế đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đà Nẵng; đồng thời xây dựng phương án đưa công dân về địa phương.
UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đưa hơn 700 công dân của tỉnh này có nguyện vọng trở về địa phương vào ngày 22-8. TRONG ẢNH: Công dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên xe. Ảnh: XUÂN SƠN |
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp nhận thông tin qua các kênh như: tổng đài 1022, các địa phương (UBND xã, phường), doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… nhằm tiếp tục giúp đỡ người dân ngoại tỉnh về lại nơi cư trú cũng như học sinh, sinh viên tại Đà Nẵng đến các tỉnh, thành để nhập học. UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mở hai tuyến tàu xuất phát từ Ga Đà Nẵng đi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (được đỗ tại các ga theo quy định). Việc tổ chức đưa/đón sẽ bảo đảm đúng các quy định về an toàn phòng, chống Covid-19.
Chủ trương này của thành phố là hợp lý khi nhiều người có nguyện vọng về nơi cư trú. Sự linh động tháo gỡ khó khăn về nhu cầu di chuyển còn tránh tình trạng người ngoại tỉnh tìm cách rời khỏi Đà Nẵng khi chưa được xét nghiệm SARS-CoV-2 hay theo dõi sức khỏe, khiến nguy cơ mầm bệnh lây lan trong cộng đồng.
2. Chưa có thống kê chính xác về những thiệt hại do dịch bệnh gây ra nhưng chắc chắn tác động của đại dịch đối với kinh tế và cuộc sống của con người là chưa từng có. Trong khi chưa có vắc-xin cùng thuốc đặc trị, các cấp, các ngành nên sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch bệnh để có những phương án chống dịch dài hơi và căn cơ hơn, tạo dần trạng thái bình thường mới một cách an toàn trong điều kiện có dịch bệnh. Cùng với đó, người dân phải thay đổi để thích ứng với nếp sống mới và tập dần những thói quen lành mạnh để bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng tốt hơn bằng cách tuân thủ các khuyến cáo về phòng dịch.
Theo đó, việc giãn cách hay cách ly xã hội phải được tuân thủ chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc trên tinh thần tự ý thức của mỗi người. Việc đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn, rửa tay xà phòng, giữ khoảng cách phải trở thành thói quen từ trường học đến công sở hay ở những nơi công cộng. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh ở tất cả lĩnh vực đều phải đổi mới, sáng tạo để thích ứng hoàn cảnh. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, ngành du lịch tận dụng và phát huy tiềm năng du lịch nội địa…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của Thường trực Chính phủ bàn giải pháp phòng, chống Covid-19 vào chiều 21-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”. Đó là vừa đề phòng, khống chế bằng được dịch bệnh, phong tỏa, kiên quyết chặn đứng nguồn lây; vừa tiến hành các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.
3. Thay đổi thói quen sống và làm việc chẳng đơn giản nhưng không phải là điều không thể. Để làm được điều này, mỗi địa phương, đơn vị, cá nhân phải mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Theo tạp chí Forbes, một nghiên cứu thực hiện trên 122 nhân viên tại Mỹ đã phát hiện “phục hồi tâm lý” sau các sự kiện căng thẳng có thể bắt đầu trong khi chúng ta vẫn đang vật lộn với trải nghiệm. Nghiên cứu được bắt đầu vào ngày 16-3-2020, bằng cách khảo sát nhiều lần mỗi ngày trong 2 tuần về ảnh hưởng của Covid-19 đến cuộc sống cũng như cách thức 122 nhân viên Mỹ trở lại trạng thái bình thường.
GS. Trevor Foulk, Trường Kinh doanh Robert H. Smith của Đại học Maryland (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu nói trên, cho biết “hệ thống miễn dịch tâm lý” của chúng ta có sức mạnh để phục hồi. Hầu hết những người tham gia bắt đầu cảm thấy bình thường nhanh hơn nhiều so với dự kiến. “Mọi người cảm thấy ít bất lực hơn và chân thực hơn - ngay cả khi mức độ căng thẳng chủ quan của họ đang tăng lên. Tốc độ mà mọi người cảm thấy bình thường trở lại thật đáng chú ý và cho thấy chúng ta có thể kiên cường như thế nào khi đối mặt với những thách thức chưa từng có”, GS. Trevor Foulk nhận định.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cuộc chiến chống Covid-19 là thách thức nhưng là cơ hội để mỗi người vượt qua giới hạn của bản thân, rèn luyện sức khỏe, tinh thần, cũng như trau dồi kiến thức, năng lực để làm quen với cuộc sống mới.
MỘC MIÊN