Bình an tuổi già

.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những ngày này, người cao tuổi cần chú ý các vấn đề sức khỏe, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Người cao tuổi cần tuân thủ những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi ra khỏi nhà. Ảnh: TIỂU YẾN
Người cao tuổi cần tuân thủ những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi ra khỏi nhà. Ảnh: TIỂU YẾN

Bà Nguyễn Thị Hồng (81 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) phải sống chung với bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, huyết áp cao nhiều năm qua. Cơ thể bà lúc nào cũng rệu rã, mệt mỏi. Bà thường xuyên đến thăm khám, điều trị tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu. Khi Covid-19 bùng phát lần hai, bà ở nhà, cố gắng ăn và ngủ đủ giấc, phụ vợ chồng con trai mấy chuyện lặt vặt, tránh việc phải ngồi một chỗ ảnh hưởng vùng lưng. Bà Hồng kể bản thân thường có cảm giác đau tê từ thắt lưng đến gót chân, đi lại khó khăn, thỉnh thoảng ngứa râm ran một phần cơ thể.

Bác sĩ Lê Nghiêm Bảo, Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng cho biết, thoát vị đĩa đệm là căn bệnh về cột sống, xương khớp khá phổ biến ở người cao tuổi. Để tránh biến chứng, mọi người cần thăm khám định kỳ để phát hiện triệu chứng bệnh, giúp tăng khả năng hồi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các dấu hiệu nhận biết có thể kể đến như: đau cột sống và đau rễ thần kinh, đau khi vận động, giảm khi nằm nghỉ và tăng đau khi rặn, hắt hơi, ho, cúi người. Người già mắc bệnh thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện những cơn đau ở vùng cổ, vai gáy, chạy dọc xuống cánh tay khiến bàn tay tê bì, đau tức ngực, mỏi xương khớp.

Cơn đau thường tái phát nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài chừng 1-2 tuần. Theo bác sĩ Bảo, đối với người cao tuổi, khả năng chữa khỏi thoát vị đĩa đệm rất khó, nhưng có thể hạn chế bằng các biện pháp như: nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, chiếu đèn hồng ngoại, thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ. Trong thời điểm xảy ra Covid-19, người cao tuổi ở nhà có thể tăng cường các loại thuốc bổ thần kinh như vitamin B6, B1, B12; thuốc giảm đau thần kinh Neurontin, giãn cơ Myonal, Mydocalm, giảm đau chống viêm Diclofenac, Meloxicam...

Thời điểm Covid-19 bùng phát, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với trạm y tế các phường trên địa bàn tổ chức các đợt khám bệnh tại nhà cho bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền, đi lại khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hoạt động khám bệnh tại nhà cho người cao tuổi nằm trong khuôn khổ dự án trên.

Theo đó, trạm y tế các phường được giao quản lý hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, hằng tháng gọi điện thăm hỏi sức khỏe, định kỳ cấp phát thuốc. Đối với trường hợp khó khăn trong việc đi lại, cán bộ y tế linh động đến nhà thăm khám, phát thuốc. Đơn cử, Trạm Y tế phường Hòa Quý đang quản lý hồ sơ hơn 300 trường hợp người cao tuổi có bệnh lý nền thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, huyết áp cao, đái tháo đường…

Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, cán bộ y tế phường đến tận nhà thăm khám, cấp phát thuốc. Ông Nguyễn Văn Hai (73 tuổi, trú phường Hòa Quý) cho biết, bản thân ông mắc bệnh đái tháo đường, đi lại khó khăn. Từ tháng 3 đến nay, mỗi khi sức khỏe sụt giảm, ông đều chủ động gọi điện đến trạm y tế nhờ thăm khám.

22 giờ đi ngủ và thức dậy từ 5 giờ sáng hôm sau là thói quen của ông Huỳnh Tấn Hoàng (68 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) gần 20 năm nay. Sau khi vệ sinh cá nhân, ông thưởng thức ly mật ong, tinh bột nghệ ấm và bắt đầu những bài tập thể dục quen thuộc: dùng tay massage phần đầu, cổ, tai, mặt, hốc mắt, thái dương và gót chân; kết thúc bài tập này, ông chạy vài vòng cầu thang bộ, tưới cây quanh vườn trong lúc chờ mồ hôi ráo hẳn rồi đi tắm.

Những việc này ông làm trong khoảng 90 phút, sau đó thưởng thức ly cà phê trước hiên nhà. Mùa hè, thay vì tập thể dục ở nhà, ông Hoàng ra biển lúc sáng sớm. Ngoài những bài massage, ông bơi vài trăm mét, đi bộ vài cây số bờ biển rồi mới về nhà. Với lối sống tích cực này, các chỉ số sức khỏe định kỳ của ông đều tốt, cơ thể khỏe mạnh dù ở tuổi U70.

Ông Hoàng cho biết, những ngày phải ở nhà vì Covid-19, ông duy trì thói quen tập thể dục, tăng cường vitamin C, thuốc bổ canxi, hoạt huyết dưỡng não, chống loãng xương và một số thực phẩm chức năng dành cho người già. “Thức dậy sớm giúp chúng ta có đủ thời gian chăm sóc bản thân và lên kế hoạch công việc hằng ngày, như vậy vừa không bị áp lực về thời gian, vừa thoải mái tinh thần, rất tốt cho sức khỏe”, ông Hoàng khẳng định.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, để tránh cơ thể uể oải, mất tập trung, suy giảm trí nhớ, người già nên bổ sung thuốc hỗ trợ xương khớp, giúp lưu thông máu và tập thể dục mỗi sáng. Khung giờ thích hợp cho việc tập thể dục từ 5-6 giờ, không nên vận động quá sớm khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh dẫn đến đột quỵ. Tùy tình hình sức khỏe, nếu cơ thể cảm thấy mệt thì nên dừng lại nghỉ ngơi, không cần cố gắng hoàn thành bài tập.

Khi đời sống ngày càng phát triển, sức khỏe và tâm sinh lý tuổi già cũng được xã hội quan tâm. Chương trình “Vui khỏe cùng người cao tuổi” được UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) tổ chức, duy trì hơn một năm qua với tần suất hoạt động mỗi tháng một lần. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho hay, người già ở nông thôn phần lớn sống neo đơn, nghèo khó, không nơi nương tựa. Do đó, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và một ít từ ngân sách địa phương, UBND xã Hòa Nhơn mong muốn mang lại môi trường sinh hoạt vui, khỏe, lành mạnh cho người cao tuổi, thông qua việc tổ chức các hoạt động như: đọc báo, xem phim, văn nghệ, chơi cờ, khám sức khỏe định kỳ và tổ chức các bữa ăn giàu dinh dưỡng. “Trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tụ tập đông người tạm thời dừng lại. Dù vậy chúng tôi vẫn tổ chức thăm khám sức khỏe, hỗ trợ các phần quà cần thiết để các cụ sống vui, sống khỏe trong thời điểm hiện nay. Ngoài chăm sóc sức khỏe, sự quan tâm về mặt tinh thần cũng rất quan trọng”, ông Nguyễn Tấn Phát cho biết.

TIỂU YẾN

 

;
;
.
.
.
.
.