Xin âu lo không về qua đây

.

Đà Nẵng đang trải qua những ngày khó khăn vì đại dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Chỉ trong 3 ngày, toàn thành phố có 35 ca dương tính với SARS-CoV-2. Và nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng bởi sơ đồ dịch chuyển trước khi phát hiện dương tính với virus của các bệnh nhân khá phức tạp. Song, điều đó không làm người dân Đà Nẵng hoang mang, lo lắng, bởi họ biết rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của chính quyền thành phố và của ngành y tế, họ luôn được bảo vệ an toàn trước sự tấn công của dịch bệnh.

Có nhiều cách thể hiện tình yêu và sự sẻ chia trong cuộc chiến chống Covid-19.  TRONG ẢNH: Một khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng thắp sáng đèn hình trái tim. Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH
Có nhiều cách thể hiện tình yêu và sự sẻ chia trong cuộc chiến chống Covid-19. TRONG ẢNH: Một khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng thắp sáng đèn hình trái tim. Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH

Đường phố Đà Nẵng những ngày này vắng bóng xe cộ, người qua lại. Hàng quán đóng cửa, người người ở trong nhà, tuân thủ quy định của Chính phủ và của chính quyền thành phố về giãn cách xã hội. Sự tuân thủ nghiêm ngặt đó đang góp phần giúp chính quyền và ngành y tế từng bước chống lại sự tác oai tác quái của con virus vô hình nhưng có sức công phá mạnh.

“Nếu không có việc gì cần thì không ra ngoài. Nếu cần thiết ra ngoài thì phải đeo khẩu trang và rửa tay kỹ bằng cồn sát khuẩn” trở thành khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại trong tâm trí từng người dân Đà Nẵng trong những ngày giãn cách này. Đó là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình và để yên lòng những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Những hình ảnh xúc động của các y bác sĩ, nhân viên y tế ở Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C lan truyền trên báo, trên mạng xã hội trong những ngày qua làm bao trái tim tan chảy. Clip về một bác sĩ của Bệnh viện C bắt nhịp cho các bệnh nhân đang cách ly trong bệnh viện cùng hát bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” và động viên bệnh nhân an tâm điều trị khi không có người thân bên cạnh làm nhiều đôi mắt nhòe lệ vì thương, vì cảm thấy niềm tin được nhân lên về ngày chiến thắng đại dịch...

Hình ảnh các nữ bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng cắt mái tóc dài của mình để khỏi vướng víu trong những ngày cách ly và điều trị cho bệnh nhân làm hình ảnh của các “thiên thần áo trắng” trở nên đẹp hơn. Sự hy sinh ấy bao hàm rất nhiều điều. Họ làm yên lòng những người dân từng phút, từng giờ dõi theo diễn biến của dịch bệnh và từng ca bệnh đang dần hồi phục bởi sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế trong vùng cách ly.

Thật xúc động khi đọc “Nhật ký phong tỏa bệnh viện” của bác sĩ Đặng Văn Trí, Phó Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện C Đà Nẵng về “sự quan tâm và chia sẻ mới”: “Tất cả chúng tôi và những bệnh nhân của chúng tôi, ngày thường vẫn là những con người đó, những gương mặt đó, những công việc đó. Nhưng những ngày này, ai cũng dành sự quan tâm chia sẻ cho nhau, thứ tình cảm giữa người với người cảm giác gần gũi thân thương.

Bữa ăn quá giờ vẫn gọi chờ nhau, kỹ thuật chuyên môn khó vẫn quyết cùng nhau hoàn thành, bệnh diễn biến nặng lại cùng nhau hội chẩn để giải quyết, vẫn những tiếng gọi nhau í ới đó nhưng rất chân thành sâu lắng. Tình đồng đội, đồng môn như gắn bó chúng tôi hơn. Và như thế, tất cả chúng tôi hoàn thành hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác để mỗi công việc của chúng tôi đều góp phần ngăn chặn sự lây lan và nhiễm chéo SARS-CoV-2, tiến tới dập dịch hoàn toàn...”.

Bên ngoài các bệnh viện, người dân Đà Nẵng dù ít, dù nhiều kêu gọi nhau góp sức mình để hỗ trợ, chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho những người đang ngày đêm đối đầu với dịch bệnh. Từng hộp khẩu trang y tế, từng thùng nước uống, rồi những suất cơm hộp, chăn màn, vitamin bổ sung… được người dân Đà Nẵng và cả nước gom góp gửi vào khu cách ly cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế và người bệnh để giúp họ có thêm điều kiện trang bị, thêm chút sức lực. Những việc làm tự nguyện ấy làm ấm lòng những chiến binh đang ở tuyến đầu, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh để họ mau hồi phục và trở về với cuộc sống thường ngày.

Cuộc đời vẫn đẹp sao khi tất cả cùng lo lắng cho nhau, cùng nắm tay ca bài ca hy vọng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, và mọi người sẽ trở lại nhịp sống bình thường, sôi động vốn có.

Đà Nẵng ơi, xin âu lo không về qua đây!

KIM EM
 

;
;
.
.
.
.
.