Một nhánh sông 'lạ'

.

Hồi tôi còn nhỏ, nhà ở cạnh một con sông. Một con sông nhỏ xuất phát từ các khe suối nhỏ, vô danh nên mơ hồ cội nguồn. Sông chảy qua Núi Quế (xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), vượt lộ Một chảy lòng vòng, nhập cùng sông Bà Rén, tới Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thì nhập với Thu Bồn trước khi chảy ra biển.

Chảy dọc cùng sông là những rặng dừa nước. Ảnh: LÊ TRÂM
Chảy dọc cùng sông là những rặng dừa nước. Ảnh: LÊ TRÂM

Ký ức mơ hồ cùng những cơn lũ dữ dằn mãi khắc sâu trong tôi hình ảnh những người ngồi trên mái nhà vật vờ giữa cơn lũ dữ, trôi ngang nhà rồi không biết về đâu. Do vậy, ngoài khát vọng sớm thoát khỏi lũy tre làng, tôi còn có khát vọng vượt qua dòng sông đầy ám ảnh ấy.

Phía sau nhà tôi là mênh mông ruộng đồng trải ra tít tắp về phía biển. Về hướng sông chảy là chợ Cũ (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) đong đầy tiếng lốc cốc của những thanh gỗ do thợ làm bánh gõ vào khuôn ngày này đến ngày khác. Là những chợ Bàn Thạch (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên), Nồi Rang (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) xa xôi và quyến rũ sau những câu chuyện kể của mẹ tôi mỗi bận đi chợ về.

Thi thoảng, chợ Bàn Thạch được “cụ thể hóa” qua bóng dáng những người đàn bà bán chiếu dạo đi ngang ngõ cùng tiếng rao lanh lảnh; và những câu chuyện kiểu “nói thách như bọn bán chiếu”, hay “thằng nớ đi chợ Bàn Thạch rồi!”, nghĩa là nó trốn đi đâu đó làm một giấc (ngủ) rồi! Là chợ Nồi Rang qua câu chuyện của những người đi mua dạo tro bếp thỉnh thoảng mươi ngày nửa tháng lại ghé qua nhà “xin miếng nước”, ngồi ở bậc thềm nhà nghỉ chân một lúc rồi tiếp tục di chuyển. Là cái chợ bán đủ thứ kể cả gà con, hom sắn, v.v…, nói chung tất tần tật.

Chảy dọc cùng sông là những rặng dừa nước um tùm, xanh nghít quanh năm. Ở đó đầy cá và tôm, cua. Rừng dừa nước như là nơi “tao ngộ” của nhiều con nước. Nước từ sông Ly Ly - Bà Rén chảy ra. Nước từ sông Bàn Thạch “chia” từ sông Thu Bồn nơi gần cầu Bà Ngân (nối Duy Vinh - Cẩm Kim) chảy vào. Nước từ sông Trường Giang “chảy” ra từ phía các đoạn sông phía nam, xa đến tận Bến Ván, An Tân, Núi Thành.

Phải ghi là “chảy” vì đoạn sông nằm dọc theo biển vùng đông Quảng Nam này không biết đâu là nguồn, đâu là cửa biển. Có khi nước chảy từ Cửa Đại, “duềnh” lên rồi chảy vô nam. Có khi lại bắt đầu từ cửa An Hòa gần Chu Lai theo thủy triều “duềnh” lên rồi chảy ngược ra bắc, chảy cho đến khi có vài khúc sông bị hẹp hẳn dòng chảy ở đoạn ngang huyện Thăng Bình mới thôi.

Tích cũ về Chợ Được (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) còn ghi rằng một thời ghe thuyền từ Cửa Đại lên Hồng Triều, ngoặc vô Trường Giang chạy dọc theo sông còn tới được tận Chợ Được và Hà Lam mang theo bao thứ hàng hóa. Và các sản vật miền núi lẫn trung du tập trung về Chợ Được rồi theo tàu, ghe ngược ra Hội An. Hồi chống Pháp, tàu quân sự còn ra vô theo ngõ Chợ Bà - Lạc Câu - Chợ Được tấp nập... Trường Giang ngày ấy cứ như là sông của dừa nước.

Từ Duy Xuyên trở vào, dọc theo sông ken dày dừa nước. Có lẽ do hợp thổ nhưỡng. Bây giờ, vùng ven sông từ Chợ Bà qua Lạc Câu vô Chợ Được vẫn còn những đoạn sông xanh um dừa nước. Khi đường lộ chưa phát triển, con sông đã thành nơi các thuyền bè đi lại và thông thương hàng hóa. Và các bến sông, các chợ nằm ven sông đã trở thành nét đặc trưng của vùng sông nước này. Một “phiên bản” của Trường Giang hao hao giống là sông Cổ Cò nối Đà Nẵng với Cửa Đại. Nhiều khúc sông đã bị bồi lấp hẳn, việc khơi lại trọn vẹn một dòng sông đã bị vùi thiệt khó, khó là vì đó chính là… lịch sử! Đã trải qua bao nhiêu thời gian, bao nắng mưa, bao phận người.

Nghe nói, đang có dự án nạo vét dòng Trường Giang đoạn qua Thăng Bình để khơi thông dòng chảy bị nghẽn bao nhiêu năm. Ngoài câu chuyện du lịch, có lẽ sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi “dòng sông lạ” được hồi sinh. Như những câu chuyện đã qua có khi được dịp cũng hồi sinh cùng dòng sông “lạ”, mà quen thuộc!

LÊ TRÂM

 

;
;
.
.
.
.
.