Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật

.

Văn hóa dân tộc không chỉ chứa đựng những tinh hoa của nhân loại mà còn là món ăn tinh thần của mỗi người dân của dân tộc ấy. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế thị trường, việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật (VHNT), nhất là VHNT truyền thống ngày càng khó khăn.

Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng đã đầu quân cho Nhà hát Trưng Vương hay các đơn vị khác để hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.  TRONG ẢNH: Một tiết mục được dàn dựng kỹ lưỡng trên sân khấu Đà Nẵng. Ảnh: HÀ TIẾN ANH
Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng đã đầu quân cho Nhà hát Trưng Vương hay các đơn vị khác để hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. TRONG ẢNH: Một tiết mục được dàn dựng kỹ lưỡng trên sân khấu Đà Nẵng. Ảnh: HÀ TIẾN ANH

Công tác tuyển sinh gặp khó

Bà Vũ Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng cho biết, hằng năm thành phố giao chỉ tiêu 300 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, nhà trường chỉ tuyển sinh được khoảng 100 em/năm. Năm học 2019-2020, chỉ có 30 em ra trường.

Trước đây, nhờ mở thêm ngành sư phạm âm nhạc và mỹ thuật nên học sinh đăng ký đông hơn. Nhưng sau khi Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thực hiện nâng chuẩn giáo viên bậc tiểu học và THCS nên trường không đào tạo nữa. Để đạt chỉ tiêu của thành phố giao, năm nay nhà trường hướng tới phương thức mở rộng quy mô đào tạo và thực hiện tuyển sinh thành 2 đợt với các cấp học gồm sơ cấp, trung cấp, trung cấp dài hạn. Trong đó, trung cấp dài hạn tuyển sinh các em có độ tuổi từ 9-14 tuổi với các ngành gồm piano, guitar, violon. Đây được xem là lứa tuổi vàng để đào tạo tài năng nghệ thuật và hứa hẹn sẽ cho ra nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của nhà trường, bà Tuyết Lan cho biết: “Do tính cạnh tranh cao giữa các trường cao đẳng VHNT của các địa phương trong khu vực nên nhà trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Trong khi đó, các trường đại học thực hiện xét điểm tuyển sinh và tăng quy mô nên các em có điều kiện để theo học đại học. Vì vậy, nhà trường phải hạ chỉ tiêu tuyển sinh năng khiếu. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào nên việc đào tạo tài năng nghệ thuật có chất lượng chuyên môn cao cho ngành VHNT của địa phương trở nên khó khăn hơn. Nguy cơ có một số ngành đang mai một, đặc biệt các ngành văn hóa truyền thống dân tộc. Một số ngành nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, sáo chỉ có từ 1-2 em/ngành. Các em ra trường chỉ như muối bỏ bể. Điều này sẽ tác động rất lớn đến việc tiếp nối và bảo tồn văn hóa dân tộc cho mai sau”, cô Lan trăn trở.

Về vấn đề này, ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố cho biết, mỗi năm trung tâm tổ chức khoảng 250 chương trình biểu diễn quần chúng như: Vũ điệu sông Hàn, Hát bài chòi, Âm nhạc đường phố, Cuộc thi tài năng nghệ thuật và các chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố. Do đó, trung tâm cần nhiều diễn viên. Hầu hết nguồn diễn viên quần chúng được lấy từ các câu lạc bộ (CLB) trên địa bàn thành phố như: CLB Khiêu vũ, CLB Vũ điệu thể dục thể thao, CLB Văn hóa điện ảnh và các CLB khác của các quận, huyện. “Các hoạt động của các chương trình văn nghệ mang tính quần chúng cao để thu hút du khách. Đối với những chương trình biểu diễn quần chúng mang tính nghệ thuật cao, trung tâm sẽ ưu tiên tuyển chọn các diễn viên không chuyên, đa số họ đi lên từ quần chúng, trong đó có nhiều diễn viên được đào tạo từ Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng. Chẳng hạn như, chương trình Vũ hội đường phố được tổ chức trong 5 năm qua vào thứ Bảy hằng tuần trên tuyến đường Trần Hưng Đạo có gần 200 vũ công tham gia, trong đó có khoảng 30-40 diễn viên đến từ Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng. Nhìn chung, các em có chuyên môn tương đối, đảm nhận được công việc chuyên môn. Họ làm với tinh thần nghệ thuật quần chúng nên mang tính nghiệp dư. Tuy nhiên, trung tâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các diễn viên, nhạc công ở các lĩnh vực văn hóa truyền thống dân tộc”, ông Ngọc chia sẻ.

Cần bồi dưỡng hạt nhân văn hóa nghệ thuật kịp thời

Để giải quyết tình trạng thiếu diễn viên VHNT truyền thống, hằng năm Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố phải mở các lớp bồi dưỡng hò hát dân ca bài chòi, các lớp bồi dưỡng năng khiếu nhạc cụ dân tộc, đồng thời bồi dưỡng hô hát bài chòi cho các giáo viên phổ thông để các thầy cô về truyền lại cho các em học sinh nhằm phát hiện và bồi dưỡng. “Đối với VHNT truyền thống phải có năng khiếu thực sự thì mới bồi dưỡng được. Chẳng hạn, để hát dân ca thì cần có chất giọng mềm ngọt, truyền cảm. Bên cạnh đó, nhà quản lý cần tổ chức tạo sân chơi cho các em hoạt động trong lĩnh vực VHNT truyền thống có đất diễn để phát triển nghề nghiệp và có điều kiện thu nhập để sống được bằng chính nghề nghiệp của mình”, ông Cao Tấn Ngọc đề xuất.

Trong khi đó, Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng cũng đã xây dựng chương trình đào tạo giảm 30% lý thuyết, tăng 70% thực hành, đặc biệt là các ngành biểu diễn. Nhờ vậy, các em được tiếp xúc thực tiễn thông qua các hoạt động chuyên môn của Trung tâm thực hành với các đề án thành phố giao cho nhà trường như: Đề án xây dựng chương trình VHNT phục vụ khách du lịch tại khu phố An Thượng, đề án các chương trình văn hóa lễ hội bên bờ sông Hàn. “Trước đây, các em chủ yếu trưởng thành từ các đơn vị công tác thì bây giờ, các em đã được biểu diễn trước sân khấu từ khi học năm nhất. Trung tâm thực hành của nhà trường tổ chức khoảng 40 chương trình/năm. Các em đều có quyền tham gia đăng ký biểu diễn violon, piano, múa, hát. Đối với những em có chuyên môn kỹ thuật vững vàng thì nhà trường cho tham gia biểu diễn chính, các em khác thì có thể đăng ký biểu diễn như du khách. Trung bình mỗi tuần, mỗi học sinh, sinh viên có từ 2-3 suất diễn. Điều này không chỉ tạo môi trường thực hành biểu diễn tốt cho các em, mà còn tạo thuận lợi cho các thầy cô giám sát học trò của mình”, bà Vũ Thị Tuyết Lan cho biết thêm.

Theo số liệu khảo sát của Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng, hằng năm có khoảng 80% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm và đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng như các đơn vị thuộc Sở Văn hóa - Thể thao gồm: Nhà hát Trưng Vương, Thư viện Tổng hợp, Bảo tàng và đoàn Văn công Quân khu 5, các trung tâm văn hóa quận, huyện. Tuy nhiên, để phát triển và bảo tồn VHNT truyền thống dân tộc, thành phố cần có chính sách đặc thù riêng cho nhà trường bởi VHNT là nghề đặc thù, không thể so sánh với các ngành nghề khác để áp đặt chỉ tiêu tuyển sinh; đồng thời, cần có chế độ đãi ngộ cho học sinh, sinh viên vào học các ngành VHNT truyền thống, nhất là các em là đồng bào dân tộc. Bởi việc học chỉ diễn ra một thầy một trò, quy mô nhỏ, thời gian đào tạo kéo dài, kinh phí lớn. Hiện nay, tình trạng cơ sở vất chất của nhà trường xuống cấp, nhà trường vẫn còn thiếu các loại nhạc cụ hiện đại, không có ký túc xá và phòng giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên. Do đó, thành phố cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở 2 của nhà trường tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) hoặc nâng cấp cơ sở 1 (vì hơn 10 năm qua nơi đây vẫn chưa được sửa chữa) nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt cho việc dạy và học.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.