Gọi nhau hai tiếng "Đồng bào"

.

Mỗi người con đất Việt, dù sinh sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, đều tự hào với nguồn gốc “chung một bọc Rồng Tiên”, luôn hướng về nhau bởi hai tiếng “Đồng bào”.

“Còn ai ở đây không..., còn ai không...?” - tiếng đồng đội gọi các anh cứ vọng dần về phía núi rồi lẫn trong tiếng mưa, tiếng gió. Không một ai trả lời, không một tiếng động nào của sự sống từ dưới lớp đất đá đổ nát kia đáp lại lời gọi tha thiết đó. Đồng đội, sau những giờ phút đau xót, vẫn dũng cảm đối diện với mọi nguy hiểm rình rập tứ phía - khi mưa lũ đã làm núi đồi, đất đá đứt gãy, sạt lở nghiêm trọng - để tìm bằng được thi thể của các anh và đưa các anh về an nghỉ. Đó không chỉ là tình đồng đội, mà cao cả hơn, đó còn là nghĩa đồng bào - là nghĩa tình giữa những con người cùng chung cội nguồn, đất nước.

Tang lễ 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268 (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày 18-10. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Tang lễ 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268 (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày 18-10. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Ý thức về nguồn cội

Những hình ảnh về sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) và tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trong cơn lũ lịch sử vừa qua đã minh chứng phần nào tình nghĩa đồng bào. Những cán bộ, chiến sĩ quân đội đã không quản ngại hiểm nguy, dầm mình trong mưa bão để giúp nhân dân ứng phó với thiên tai. Để rồi, khi các anh nằm xuống, những đồng đội thay các anh tiếp nối truyền thống tự hào của người lính Cụ Hồ. Người dân trên cả nước đã nhanh chóng sẻ chia với gia đình các anh. Nghĩa đồng bào là vậy - yêu thương, đùm bọc, che chở nhau.

Chắc hẳn, mỗi người, từ thuở ấu thơ đã được nghe rất nhiều về hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng trong từng bài giảng, câu chuyện. Rồi lớn lên, trải qua bao thăng trầm, thử thách của cuộc sống, mỗi người đã “cảm” được rõ hơn về tình nghĩa thật sự ẩn chứa trong hai chữ “đồng bào” bình dị mà ấm áp.

Từ “đồng bào” có nghĩa là “chung một bọc”, xuất phát từ sự tích Quốc mẫu Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Về sau, 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống biển sinh cơ lập nghiệp. Như vậy, “nghĩa đồng bào” chính là nghĩa tình ruột thịt của những người cùng một mẹ sinh ra trong cùng một bọc, cùng mang một dòng máu “con Rồng cháu Tiên”. Từ đó, mỗi người Việt Nam, dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, cũng đều ý thức được về cội nguồn của mình và không ít lần thấm thía nhận ra, chỉ có đồng bào mới có thể yêu thương, đùm bọc nhau đến thế.

Chung sức, đồng lòng

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới, một chuyến bay đặc biệt của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) bay thẳng đến tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) để đón 30 công dân Việt Nam về nước. Chuyến bay ấy làm lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam.

Đúng như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Những trường hợp thật sự cần thiết phải về nước, dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức để lo cho bà con. Đó là nghĩa đồng bào”. Đất nước chúng ta, so với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới, vẫn chưa phải là một nước giàu mạnh về kinh tế, nhưng chúng ta có quyền ngẩng cao đầu tự hào về một đất nước giàu tình nghĩa. Tiếng khóc chào đời khỏe mạnh của một em bé, con của một bệnh nhân Covid-19, ngay giữa tâm dịch Đà Nẵng hồi tháng 8 đã thể hiện sức sống mạnh mẽ và sự chung sức, đồng lòng của người dân Việt Nam. Đó cũng là đạo lý truyền thống tốt đẹp đã được đồng bào cả nước gìn giữ, phát huy từ bao đời nay.

Trong thiên tai, đồng bào cả nước luôn chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người dân vùng khó khăn. Trong cơn bão dịch bệnh, đồng bào cả nước lại đoàn kết để giữ gìn bình yên cho cộng đồng. Rõ ràng, dù đối diện với thử thách, khó khăn nào, tình nghĩa đồng bào - sự gắn kết tự nhiên đến từ nguồn cội, từ niềm tự hào và tự tôn dân tộc của mỗi cá nhân - sẽ tạo nên sức mạnh kỳ diệu.

Điều này lý giải vì sao Việt Nam - một đất nước nhỏ bé, lại là nước đầu tiên khống chế thành công dịch bệnh SARS cách đây hơn 10 năm, và giờ cũng là một trong những nước kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Và đôi khi, chính vẻ đẹp, sức mạnh tổng hòa đến từ niềm tin, tình thương yêu, tinh thần đoàn kết hướng về cộng đồng lại tạo nên giá trị, tầm vóc cho một dân tộc, một quốc gia.

Trở lại với miền Trung trong đợt bão lũ lịch sử vừa qua, giữa những khốc liệt của thiên tai, những mất mát mà người dân phải gánh chịu, sự sẻ chia của đồng bào cả nước và sự đùm bọc lẫn nhau của chính những người dân trong tâm bão lũ càng trở nên ngời sáng hơn bao giờ hết. Trong đêm tối sóng to, gió lớn và mưa trắng trời, đã có nhiều tấm gương quên mình cứu người giữa biển lũ .

Nhiều nhóm thiện nguyện đã kêu gọi nhau cùng đóng góp để nấu cơm, hỗ trợ thực phẩm cho bà con. Nhiều người tình nguyện đóng góp công sức, phương tiện di chuyển phù hợp để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ kịp thời tại các địa phương. Dường như nghĩa tình đồng bào còn vượt cao, vượt xa hơn cả đỉnh lũ lịch sử kia.

Mưa bão, lũ lụt rồi sẽ qua, chỉ có tình người còn mãi cùng thời gian. Để rồi mỗi người con đất Việt, dù sinh sống trong nước hay định cư nơi đâu, đều tự hào với nguồn gốc “chung một bọc Rồng Tiên”, luôn hướng về nhau bởi hai tiếng “Đồng bào”.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.