66 năm trôi qua và đã có thêm nhiều bài hát hay về Hà Nội ra đời, nhưng có thể nói Tiến về Hà Nội vẫn là ca khúc hay nhất, nổi tiếng nhất về ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Song, không phải ai, nhất là giới trẻ bây giờ, đều biết bài hát được sáng tác trước sự kiện lịch sử này 5 năm. Và trước đó bài thơ Ngày về của Chính Hữu, Lương Hữu Trác phổ nhạc đã trở thành bản anh hùng ca của những người lính Kinh kỳ.
Nhân dân Hà Nội đứng hai bên đường đón chào đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô. (Ảnh tư liệu) |
Tiến về Hà Nội của Văn Cao
Trong một số tài liệu, cố nhạc sĩ Văn Cao đã nói về hoàn cảnh ra đời bài hát Tiến về Hà Nội. Tháng 4-1949, đang công tác ở chiến khu Việt Bắc, nhạc sĩ Văn Cao cùng một số văn nghệ sĩ kháng chiến được triệu tập họp phổ biến tình hình chiến sự. Các văn nghệ sĩ được giao nhiệm vụ sáng tác phục vụ kháng chiến, chuẩn bị cho tổng phản công. Sau đó, nhạc sĩ Văn Cao cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân được phân công về Liên khu 3 (đồng bằng Bắc Bộ) công tác, cơ quan đóng ở làng Hòa Xá (nay là xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Tháng 10-1949, trong một cuộc họp chi bộ, nhạc sĩ Văn Cao nhận nhiệm vụ sáng tác một bài hát về Hà Nội và được ông Lê Quang Đạo (lúc đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội) dặn dò: “…Vậy nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng, vừa trữ tình nhé”. Ngay trong đêm mùa thu ấy, trên con đường làng Hòa Xá lung linh ánh trăng, ý tưởng viết một bài hát về Hà Nội với tinh thần lạc quan, phấn khởi và niềm tin mãnh liệt vào ngày giải phóng Thủ đô đang đến gần đã hình thành, và những ca từ, nét nhạc đầu tiên xuất hiện: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…”.
Có thể nói, Tiến về Hà Nội thêm khẳng định Văn Cao không chỉ là một tài năng âm nhạc, mà còn là thiên tài về khả năng dự cảm. Cũng giống trường hợp Tiến quân ca ra đời vào mùa đông năm 1944, trước tổng khởi nghĩa giành chính quyền gần một năm, đầy tính dự cảm về khát vọng giải phóng dân tộc, thì Tiến về Hà Nội được sáng tác trong những đêm dài gian khó của kháng chiến, mơ tới “lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, nhân dân được sống trong hòa bình, yên vui… Đó là dự cảm, dự báo về ngày chiến thắng. Ca từ, giai điệu sinh động, gần như trùng khớp với những thước phim hay những bức ảnh tư liệu ghi lại không khí hào hùng, tưng bừng, náo nức của ngày giải phóng Thủ đô.
Ngày về của Chính Hữu
Trước Tiến về Hà Nội của Văn Cao ra đời, một người lính trẻ của Trung đoàn Thủ đô sau khi cùng đồng đội vượt sông Hồng thực hiện cuộc rút lui chiến lược lên chiến khu Việt Bắc đã viết bài thơ đầu tay mang tên Ngày về. Đó là người lính Vệ quốc đoàn Trần Đình Đắc, sau này trở thành nhà thơ mang bút danh Chính Hữu. Bài thơ bắt đầu bằng những câu:
“Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường”.
Phải nói rằng đây là một tứ thơ lạ. Thời điểm đó là năm 1947, những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhưng những câu thơ nói lên sự háo hức, mong chờ và tin tưởng vào ngày “nghe tiếng gọi của những người Hà Nội. Trở về, trở về chiếm lại quê hương…”.
Đọc đến đây, chúng ta nhớ tới câu thơ của Nguyễn Đình Thi viết trong cái đêm mùa đông Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng lên chiến khu: “Đêm, cái đêm vượt qua gầm cầu. Anh, anh đã hẹn ngày mai anh trở lại”. Dường như nỗi khao khát trở về giải phóng Thủ đô yêu dấu đã thôi thúc, cháy bỏng tâm can những người lính trẻ Hà Nội ngay từ ngày đầu kháng chiến, và cùng với đó là niềm tin bất diệt về ngày chiến thắng.
Một cái lạ nữa, đó là những vần thơ thấm đẫm chất kiêu hùng, bay bổng lãng mạn:
“Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”
Ngày về ngay trong năm 1947 đã được nhạc sĩ Lương Hữu Trác phổ nhạc thành bài hát cùng tên như một lời hịch xung trận, một bản anh hùng ca của những người lính đất Kinh kỳ, vừa lãng mạn, hào hoa, vừa khí phách, oai hùng.
66 năm trôi qua, đọc lại hai tác phẩm của hai tác giả tên tuổi, dễ thấy có một điểm chung: Những rung cảm thời cuộc của người nghệ sĩ nặng lòng với non sông đất nước, với Thủ đô yêu dấu. Những rung cảm đó cùng xuất phát từ khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, nên mang tính dự cảm rất cao. Và đó thực sự là những bản hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh.
BÙI ANH TUẤN