CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI

Để người cao tuổi sống vui, sống khỏe

.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ các hội đoàn thể và địa phương, công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi (NCT) trên địa bàn Đà Nẵng được triển khai thực hiện hiệu quả.

Phòng khám khang trang, sạch đẹp, cán bộ y tế tận tình là điểm cộng của Trạm Y tế xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.  TRONG ẢNH: Nhân viên y tế khám bệnh cho ông Lê Hữu Huy ((67 tuổi, trú thôn Lệ Sơn 2). Ảnh: Q.T
Phòng khám khang trang, sạch đẹp, cán bộ y tế tận tình là điểm cộng của Trạm Y tế xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế khám bệnh cho ông Lê Hữu Huy ((67 tuổi, trú thôn Lệ Sơn 2). Ảnh: Q.T

“Nhớ mặt, bắt bệnh”
Mới đầu giờ sáng, Trạm Y tế (TYT) xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) đã có hơn chục bệnh nhân đến chờ khám bệnh. Ông Lê Hữu Huy (67 tuổi, trú thôn Lệ Sơn 2) mang theo cả hai số bảo hiểm y tế (BHYT) của mình và vợ đến chờ khám. Hôm nay, ông chỉ đến một mình vì bà bị tê bì chân tay, không ngồi xe máy được. Hai vợ chồng ông đều mắc đủ chứng bệnh mạn tính của người già, từ sỏi thận đến đại tràng, huyết áp. Gần chục năm nay, ông đều đặn đến khám và lấy thuốc tại TYT xã. Các y sĩ ở trạm dường như “nhớ mặt, bắt bệnh” những người già ở xã. Cứ cách tuần, người già lại được bổ sung vào đơn các loại thuốc bổ tăng sức đề kháng.

“Trên 60 tuổi thì xác định sống chung với bệnh rồi. Hai vợ chồng tôi tuân thủ yêu cầu của y sĩ tại trạm, cứ đúng 5 ngày là tái khám, uống thuốc theo đơn, đúng liều, đúng giờ. Từ hồi trạm triển khai khám bệnh, người già chúng tôi không có thói quen xuống Bệnh viện đa khoa huyện khám nữa vì đã có đội ngũ y, bác sĩ ở trạm chăm sóc, cảm giác rất dễ chịu. Hơn nữa, không chỉ điều trị bệnh theo phương pháp Tây y, trạm còn có vườn thuốc Nam phong phú để điều trị Đông y”, ông Huy nói.

Y sĩ Đinh Thị Kim Thông (TYT xã Hòa Tiến) cho hay, từ đầu năm, TYT xã đã phối hợp với Hội NCT xã tổ chức rà soát số NCT tại các thôn, lập danh sách theo độ tuổi. TYT cũng phân công từng nhân viên đứng điểm tại các thôn, có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, kết hợp phục hồi chức năng cho NCT neo đơn tại nhà hằng tháng.

“Các cụ chủ yếu mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm đa khớp, viêm phế quản, mất ngủ, suy nhược thần kinh… TYT xã đã lập hồ sơ theo dõi bệnh của các cụ để chữa trị kịp thời. Đồng thời, chúng tôi tổ chức các buổi tuyên truyền tại thôn để thăm khám, tư vấn cho các cụ và người nhà bổ sung đa dạng chất dinh dưỡng, tập thể dục tại nhà, giữ ấm vào mùa đông… Chăm sóc sức khỏe cho các cụ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của trạm. Việc quản lý tốt, điều trị tốt giúp các cụ giám sát được bệnh tật, làm giảm nguy cơ tai biến, giảm chi phí điều trị, giúp phòng ngừa bệnh tật tốt hơn”, chị Thông nói.

Theo Thông tư số 35/2011/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT, TYT phải cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với NCT cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với việc chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng, tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở NCT để NCT tự phòng bệnh. Tùy theo điều kiện của từng địa phương để lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp như: tài liệu, sách, tờ rơi, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu, hội thảo, nói chuyện, các phương tiện truyền thông tin đại chúng.

Năm 2019, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Sơn Trà triển khai quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại TYT. Hiện nay, 7/7 TYT thuộc quận đã cấp phát thuốc điều trị, chẩn đoán, quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. TYT khám sức khỏe NCT tập trung tại trạm cũng như thăm khám, cấp phát thuốc tại nhà. Từ năm 2020, TTYT quận Sơn Trà triển khai sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), chuẩn bị bước đầu đưa vào quản lý điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc TTYT quận Sơn Trà cho biết: “Qua thăm khám nhận thấy NCT trên địa bàn quận phần lớn mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa khớp, đục thủy tinh thể. Từ đầu năm nay, bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe NCT, chúng tôi lồng ghép các chương trình tuyên truyền tư vấn cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe tại nhà, các buổi tuyên truyền lưu động, nói chuyện tại các khu dân cư, tư vấn chế độ dinh dưỡng, các hoạt động thể dục...”.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trên địa bàn thành phố hiện có 429 CLB các loại (56 CLB tư vấn và chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, 135 CLB dưỡng sinh, 35 CLB thơ, 24 CLB văn nghệ, 14 CLB liên thế hệ tự giúp nhau và hơn 100 CLB các loại khác). Hơn 6.580 người cao tuổi (NCT) tham gia tập luyện tập thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ.
 
Các sở cũng đã phối hợp tham mưu thành phố triển khai các chính sách bảo trợ xã hội, miễn giảm giá vé, phí dịch vụ tham quan, giao thông công cộng và khám chữa bệnh cho NCT. Mức chuẩn trợ cấp cũng được nâng từ 270.000 đồng lên 350.000 đồng/tháng; đồng thời mở rộng mức hưởng, đối tượng hưởng so với quy định của Trung ương; nâng mức mừng thọ NCT trên địa bàn thành phố cao hơn 70% so với mức quy định của Trung ương…
 

Thích ứng với già hóa dân số

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Năm 2019, tỷ lệ NCT chiếm 11,86% dân số. Dự báo tỷ lệ NCT sẽ tăng lên 16,66% dân số vào năm 2029 và lên 26,1% dân số vào năm 2049. Nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí..., đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT.

Theo bác sĩ Huỳnh Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, để thích ứng với quá trình già hóa dân số, đòi hỏi phải can thiệp đồng bộ cả việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế kết hợp với việc đầu tư cơ sở y tế chuyên ngành lão khoa và tăng cường chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng.

“Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai nhiều hoạt động góp phần nâng cao sức khỏe cho NCT. Trong đó, công tác truyền thông vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng… được quan tâm. Đồng thời, tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT, từng bước xóa bỏ các định kiến cũ về chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão…). Các cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng không kỳ thị và coi NCT là gánh nặng; cần quan tâm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT”, bác sĩ Tân nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ,TB&XH thành phố cho biết, hiện vẫn còn những hạn chế như: công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách NCT chưa được thực hiện toàn diện, đồng bộ và thường xuyên. Các dịch vụ chăm sóc NCT chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các tầng lớp NCT hiện nay. Việc huy động nguồn đầu tư xã hội hóa cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng NCT chưa được phát huy do Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ (miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất...) cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thành lập các trung tâm, cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc NCT. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với NCT còn hạn chế. Mức trợ cấp cho cán bộ Hội các cấp còn thấp, chưa khuyến khích hội viên tham gia.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất thành phố về chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho NCT từ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Đồng thời, tiếp tục triển khai cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao, gương sáng””, bà Hương nói.

112.747 
là số người từ 60 tuổi trở lên đang sinh sống ở Đà Nẵng, chiếm 9,95% dân số; gần 70.000 người được hưởng các chế độ, chính sách hằng tháng. 
(Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng)


QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.