Mặc dù đại dịch Covid-19 làm kiệt quệ nền kinh tế ở nhiều nước, nhưng tại Nhật Bản, có một thực tế bất ngờ đã được truyền thông nước này phản ánh: nhu cầu mua hàng xa xỉ không những không thay đổi mà còn tăng.
Một cửa hàng thời trang xa xỉ tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: VOGUEBUSINESS |
Bất kể lo ngại về mức sụt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế suy thoái vì dịch bệnh, doanh số bán đồng hồ có mức giá trên 10 triệu yên (khoảng 96.000 USD) vẫn tăng ở một số cửa hàng lớn của Nhật.
Người giàu tiêu tiền
“Chúng tôi thấy có nhiều khách hàng tới mua đồng hồ hạng sang hơn trước đây”, ông Masakazu Yukizaki, Chủ tịch chuỗi bán lẻ đồng hồ trang sức Gem Castle Yukizaki có cơ sở tại thành phố Fukuoka, phía tây Nhật Bản chia sẻ với báo Mainichi (Nhật).
Vào giai đoạn cao điểm của mùa mua sắm cuối năm và Giáng sinh vừa qua, khách hàng kéo đến 16 chi nhánh của chuỗi bán lẻ này để chọn đồng hồ. Điều thú vị là khi các cửa hàng được phép mở lại vào giữa tháng 5-2020 sau thời gian đóng cửa tạm thời để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, doanh số bán tại mỗi chi nhánh của Gem Castle đều nhanh chóng tăng vọt 30%. Kể từ đó, hầu hết các cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ này đều duy trì doanh số bán hằng tháng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Các loại đồng hồ có giá từ 2-3 triệu yên (khoảng 19.000 - 29.000 USD) là những sản phẩm được các thượng đế giàu có ưa chuộng nhất. Đáng chú ý, tập đoàn bán lẻ Gem Castle Yukizaki cũng đã bán được ít nhất mỗi ngày một chiếc đồng hồ giá hơn 10 triệu yên. Trước năm 2020, chuỗi này thường chỉ bán được một vài chiếc như vậy mỗi tháng. “Việc mua đồng hồ và đồ trang sức rất vui. Trong đại dịch thiếu niềm vui, vậy nên chúng tôi trở thành nơi để những người giàu có tới tiêu tiền”, ông Masakazu Yukizaki nói.
Các loại đồng hồ trang sức và các tác phẩm hội họa cũng là những mặt hàng dẫn đầu về doanh số bán tại các gian hàng bách hóa trong đại dịch. Theo Hiệp hội Bách hóa Nhật Bản, trong tháng 11-2020, doanh số bán những mặt hàng này trên cả nước tăng lại bằng 85,7% so với tổng doanh số của năm trước đó.
Một lãnh đạo tại cửa hàng bách hóa Iwataya Mitsukoshi ở Fukuoka xác nhận thực tế tích cực về doanh số bán của tranh và đồng hồ xa xỉ. “Căn cứ vào việc lượng du khách nước ngoài chiếm từ 6-7% trong năm 2019, có thể thấy sức tiêu thụ của người Nhật vẫn giữ nguyên so với năm trước đó”, người này nói.
Rót tiền vào các mặt hàng xa xỉ
Câu hỏi đặt ra là vì sao mọi người bắt đầu chi tiêu nhiều tiền hơn trong đại dịch? Bà Akane Yamaguchi, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Daiwa, giải thích: “Càng kiếm được nhiều tiền, người ta càng chi tiêu mạnh tay hơn cho vui chơi giải trí như các chuyến du lịch nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, tiền mặt thời gian qua đã được chi tiêu vào hàng hóa xa xỉ”.
Trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bắt nguồn từ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, giá cổ phiếu cho tới nay vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Ngân hàng Nhật Bản, số tiền mặt và tiền ký gửi của các hộ gia đình ở Nhật đến cuối tháng 9-2020 là khoảng 10.000 tỷ USD, cao hơn 4,9% so với năm trước đó và cũng là mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, số tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng cũng đang tăng, đó là kết quả của việc sụt giảm chi tiêu do thiếu cơ hội đi du lịch nước ngoài hoặc đi ăn uống cùng người khác. Khoản tiền trợ cấp 100.000 yên của chính phủ dành cho mỗi công dân cũng làm gia tăng thêm các khoản gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, còn một thực tế nữa là trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người Nhật nhìn nhận các tác phẩm nghệ thuật và đồ trang sức cũng là những tài sản đóng góp vào nền kinh tế. Theo ông Masakazu Yukizaki, việc chi tiêu “bạo tay” hơn cũng đang là một xu hướng dần trở nên phổ biến ở các nước mới nổi, từ đó đẩy giá bán cao thêm với những mặt hàng với nguồn cung có hạn như trang sức và vàng. “Trong khi giá trị chứng khoán, ngoại tệ khá bấp bênh và lệ thuộc vào tình hình quốc tế, việc giữ đồ trang sức ít rủi ro hơn”, ông Yukizaki phân tích.
Tuy nhiên, việc mua các hàng hóa xa xỉ không phải chỉ là lựa chọn của những người giàu có, theo quan điểm của một nhà kinh doanh đồ trang sức. “Số các nhân viên công ty tới xem các loại đồng hồ xa xỉ cũng tăng lên. Họ không thể ra ngoài để vui chơi giải trí trong đại dịch nên tôi nghĩ họ mua chúng để tự thưởng cho mình”, người này phân tích.
Liên quan tới một mặt hàng gọi là các túi may mắn “fukubukuro” thường được bán trong các dịp năm mới, một quản lý cửa hàng bách hóa cho biết: “Các loại túi may mắn có giá bán khoảng 10.000 yên (khoảng 100 USD) trước đây thường bán chạy nhất, nhưng nay các loại có giá 15.000 yên (khoảng 145 USD) lại là mặt hàng bán online rất chạy. Các loại túi may mắn có giá cao hơn nữa như những loại giá 50.000 yên (480 USD) cũng đang bán rất tốt”.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Kyodo News, Nikkei)