Cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành âm nhạc Anh đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mới đây, Hội Âm nhạc Anh (UK Music) đã đề nghị chính phủ nước này cần có sự hỗ trợ cần thiết để giúp lĩnh vực biểu diễn âm nhạc trực tiếp và các lễ hội âm nhạc vượt qua cơn khủng hoảng.
Lễ hội âm nhạc Glastonbury hằng năm thu hút khoảng 175.000 người tham dự đã bị hủy bỏ do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Prsformusic |
Hiện Anh là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19. Theo đó, ngành âm nhạc trị giá 5,8 tỷ bảng Anh (7,88 tỷ USD) cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề, nhất là các lễ hội âm nhạc mùa hè.
Vốn được xem là trụ cột của lĩnh vực biểu diễn âm nhạc đậm chất văn hóa của Anh, mỗi năm các lễ hội âm nhạc mùa hè thu hút hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước tham dự. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều chương trình âm nhạc phải lỗi hẹn với khán giả. Đơn cử như, lễ hội âm nhạc Glastonbury nổi tiếng mang lại cho nền kinh tế Anh khoảng 100 triệu bảng Anh. Nhưng lệnh hạn chế tập trung đông người cùng với phong tỏa đường hàng không do Covid-19 đã khiến các lễ hội âm nhạc mùa hè năm 2020 bị hủy bỏ, ảnh hưởng đến lực lượng trực tiếp tham gia vận hành lễ hội, ước tính khoảng 85.000 người.
Theo báo cáo của UK Music, mùa biểu diễn âm nhạc 2020 hoàn toàn bị SARS-CoV-2 “xóa sổ” và thực trạng này có nguy cơ tái diễn trong năm 2021 khi dịch bệnh tại Anh tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện biến thể của SARS-CoV-2, buộc chính phủ nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa cao nhất tại Anh và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4-1-2021. Trước khó khăn này, tháng 7-2020, UK Music đã nhận được 250 triệu bảng trong Quỹ phục hồi văn hóa của Anh để duy trì hoạt động nghệ thuật trong thời kỳ dịch bệnh.
Tuy nhiên, UK Music cho rằng, khoản tiền cứu trợ đó như “muối bỏ bể” và tổ chức này đang kêu gọi nhà chức trách công bố thời điểm dự kiến cho phép tổ chức trở lại các lễ hội âm nhạc, đồng thời xây dựng một cơ chế bảo hiểm của chính phủ cho ngành này. “Việc hỗ trợ và giúp ngành âm nhạc trở lại trạng thái bình thường là lợi ích quốc gia. Nếu không có sự hỗ trợ và bảo đảm thỏa đáng cho các nhà tổ chức sự kiện, các nghệ sĩ ở thời điểm hiện tại, mùa biểu diễn âm nhạc hè 2021 có nguy cơ bị hủy”, Giám đốc điều hành UK Music, Jamie Njoku-Goodwin lo ngại.
Mặc dù những thống kê mới nhất cho thấy, tăng trưởng GDP của Anh trong quý 3-2020 tăng 16% - mức cao kỷ lục trong năm qua, nhưng mức tăng này vẫn chưa thể bù đắp được mức sụt giảm 18,8% trong quý 2-2020. Đặc biệt, các biện pháp phong tỏa mới nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh sau khi phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể đẩy Anh rơi vào cuộc suy thoái khác.
Hiện thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh - một trong những điểm yếu của nền kinh tế - đã chiếm tới 2,9% GDP. Công ty Tư vấn Capital Economics cho rằng, Anh có thể rơi vào suy thoái kép nếu nước này vẫn phải duy trì các hạn chế mới nhất. Tuy nhiên, công ty này cũng lạc quan tin tưởng GDP của Anh có thể phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2021 nếu sản xuất thành công vắc-xin ngừa Covid-19 và phổ biến rộng rãi.
Giáo sư Iain Begg tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) cũng cho rằng: “Kinh tế Anh có thể sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ kể từ quý 2-2021 khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch được nới lỏng và nhu cầu tiêu dùng được phục hồi”. Ông Iain Begg chia sẻ thêm rằng, nền kinh tế Anh phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực dịch vụ, trong khi sản xuất chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP, nên sự phục hồi kinh tế sẽ dựa vào các lĩnh vực như du lịch và vận tải. Do đó, đến năm 2023, nước này mới có thể trở lại mức GDP trước khi bùng phát Covid-19.
ĐOÀN GIA HUY (tổng hợp)