Mỗi năm thế giới có khoảng 12,7 triệu bệnh nhân ung thư mới mắc được phát hiện và 7,6 triệu bệnh nhân tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 165.000 ca ung thư mới, 115.000 ca tử vong. Đã có nhiều chương trình tầm soát cũng như tuyên truyền sâu rộng nhằm phát hiện sớm ung thư được tổ chức, song rất nhiều bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn muộn.
Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tham gia khám bệnh cho trẻ em tại cộng đồng. (Ảnh do Bệnh viện Ung bướu cung cấp) |
Phát hiện bệnh sớm để điều trị hiệu quả
Năm 2011, trong đợt khám bệnh định kỳ do cơ quan tổ chức, anh M.T.H (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn đầu. Đó là một cú sốc tinh thần với gia đình anh. Anh xin nghỉ làm để chữa bệnh, có vợ theo sát chăm sóc trong những ngày ở bệnh viện. Sau mấy đợt hóa trị, tóc anh H. rụng gần hết, song bệnh tiến triển tốt. Ba năm sau, tế bào ung thư trong người anh biến mất. Đến giờ sức khỏe anh rất tốt. Anh H. nói vui: “Nếu không có đợt khám bệnh đó, chắc giờ tôi xanh cỏ rồi!”.
“Mục tiêu của điều trị bệnh lý ung thư là loại bỏ tổ chức ung thư, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau được phát triển và áp dụng. Nhưng dù áp dụng biện pháp điều trị nào thì để đạt hiệu quả điều trị cao, vấn đề cốt lõi là phải phát hiện ra bệnh lý ung thư ở giai đoạn càng sớm càng tốt. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa quan trọng không những giúp định hướng phát hiện sớm ung thư mà còn tăng khả năng chữa khỏi bệnh”
ThS.BS Nguyễn Ngọc Sơn, Đơn vị tầm soát ung thư, Khoa Khám bệnh cấp cứu, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng
|
Không chỉ bệnh ung thư - căn bệnh hiện nay được xem như mắc phải là mang án tử, mà nhiều bệnh khác nếu được phát hiện sớm, chữa trị thì tỷ lệ khỏi bệnh hoặc giảm nhẹ rất cao. Điều này đã được khẳng định qua các nghiên cứu y khoa cũng như thực tế bệnh lý đang diễn ra hằng ngày ở các bệnh viện.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Sơn, Đơn vị tầm soát ung thư, Khoa Khám bệnh cấp cứu, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, chương trình phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp, có tỷ lệ cao trong cộng đồng bằng phương pháp xét nghiệm, chụp, siêu âm mang lại hiệu quả cao, giá thành phù hợp với nhiều người, như phương pháp kiểm tra ung thư vú (siêu âm, chụp nhũ ảnh, siêu âm đàn hồi mô), kiểm tra ung thư cổ tử cung (xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, xét nghiệm virus HPV), dạ dày, đại tràng (nội soi), phổi (chụp CT), sàng lọc tiền liệt tuyến (xét nghiệm PSA). Mới đây, Bệnh viện Ung bướu áp dụng thêm phương pháp siêu âm đàn hồi mô và sinh thiết tiền liệt tuyến.
Các bệnh như ung thư vú, phổi, dạ dày, đại - trực tràng, tiền liệt tuyến… có triệu chứng khá mơ hồ, thậm chí không có triệu chứng nhận biết cơ thể đang mang bệnh. Lâu nay, bác sĩ xác định bệnh dựa trên hình ảnh, xét nghiệm. Hay như ung thư dạ dày được phát hiện dựa trên nội soi, nên hầu hết khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn 2, 3, dẫn đến hiệu quả điều trị hạn chế. Trong khi đó, ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ sống trên 5 năm luôn đạt trên 95%; khi phát hiện ở giai đoạn 2, 3, tỷ lệ sống chỉ còn khoảng 40%.
TS.BS Võ Đắc Truyền, Phó Giám đốc Bệnh viện C, Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện C, chỉ ra nguyên nhân ban đầu của bệnh ung thư phổi là do hút thuốc lá, đặc biệt với những người nghiện thuốc lá nặng. “30% bệnh ung thư có thể phòng tránh được nếu biết kiểm soát, tiêm ngừa và có lối sống lành mạnh. Và quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị sớm mới có thể sống lâu dài ”, TS. BS Truyền nhấn mạnh.
Cũng theo TS.BS Võ Đắc Truyền, hiện nay, số lượng bệnh nhân bị ung thư phát hiện sớm rất ít. “Tỷ lệ chủ động đi tầm soát còn ít, rơi vào nhóm người có điều kiện kinh tế khá giả hoặc gia đình có người từng mắc bệnh, do ý thức phòng bệnh chưa cao”. Với đặc điểm của Bệnh viện C có rất đông người cao tuổi điều trị, thì những bệnh nhân ung thư phổi, do phát hiện trễ nên chỉ 30-40% có thể điều trị bắt đầu bằng phẫu thuật; còn lại không thể điều trị tích cực do quá giai đoạn có thể phẫu thuật hoặc bệnh nhân lớn tuổi.
Tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân
Hiện nay, các bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại - trực tràng, ung thư thanh quản và ung thư thực quản. Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến nhất là: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại - trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Phần lớn bệnh nhân ung thư đang trong lứa tuổi lao động, từ 45-60 tuổi, nhiều người giữ vai trò trụ cột trong gia đình, có nhiều đóng góp cho xã hội. Bởi vậy, căn bệnh ung thư gây ra những tổn thất rất lớn cho người bệnh cũng như gia đình, vì quá trình chữa trị phải mất số tiền lớn, trong khi bảo hiểm y tế mới chi trả được một phần viện phí và thuốc điều trị.
Gói tầm soát, khám sức khỏe bệnh ung thư ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng dao động từ 2,7 - 5,8 triệu đồng, gói tầm soát nâng cao trị giá trên 10 triệu đồng. Các xét nghiệm tầm soát hay thăm dò chức năng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào độ tuổi, các yếu tố nguy cơ như tiền sử bệnh của bản thân hay gia đình. ThS.BS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, gói tầm soát ung thư của bệnh viện thấp hơn nhiều so với các bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thường từ 25-35 triệu đồng/gói tầm soát.
Khi bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, quá trình chữa sẽ tốn ít hơn rất nhiều so với khi mắc trọng bệnh. Ví dụ, phát hiện polyp ở đại - trực tràng, nếu nội soi cắt polyp chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng cho ca mổ, ngăn chặn bệnh phát triển thành ung thư. Còn khi đã trở thành bệnh ung thư, ca phẫu thuật cắt polyp mất khoảng 25-30 triệu đồng; nếu tiến hành hóa trị sẽ mất thêm 50-70 triệu đồng nếu không có bảo hiểm chi trả, dùng thuốc miễn dịch và điều trị trúng đích sẽ tốn hàng trăm triệu đồng, có thể phải điều trị kéo dài 10-12 chu kỳ. “Một số bệnh ung thư nếu phát hiện sớm, không phải tiến hành hóa trị thì tỷ lệ sống rất cao (trên 5 năm). Còn khi đã mắc bệnh, nếu phẫu thuật và tiến hành điều trị với thời gian dài thì không thể bảo tồn cơ quan trong cơ thể, mà thời gian sống, chi phí điều trị cao, tâm lý của bệnh nhân và người thân bị ảnh hưởng rất lớn”, ThS.BS Nguyễn Ngọc Sơn phân tích.
Nhiều bệnh ung thư có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin như tiêm ngừa viêm gan B, tầm soát viêm gan B, C để ngừa ung thư gan; tiêm chủng ngừa vắc-xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung, vòm họng, dương vật, ống hậu môn do nhiễm virus HPV. Nhiều bệnh nhân ung thư đại - trực tràng do liên quan đến chế độ ăn, đặc biệt là thức ăn nhanh, có lối sống lười vận động, hay uống rượu bia...
Đồ họa: THANH HUYỀN |
TS.BS Võ Đắc Truyền cho biết, khi Trung tâm Ung bướu được thành lập từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện C có các chương trình tuyên truyền về phát hiện sớm, phòng ngừa ung thư qua trang web của bệnh viện, truyền thông địa phương và các câu lạc bộ người cao tuổi; tăng cường công tác tư vấn, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và người thân. Ông cũng mong muốn thực hiện các điều tra, nghiên cứu về bệnh ung thư trong cộng đồng để có hướng tuyên truyền, phân loại những người nào thuộc nhóm nguy cơ cao có khả năng bị ung thư cần phải theo dõi - tầm soát ung thư định kỳ.
Hằng năm, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng còn tổ chức 2-3 đợt tập huấn về tầm soát ung thư cho các bệnh viện tuyến quận, huyện. Ngày 1-10-2020, bệnh viện thành lập Đơn vị tầm soát ung thư, có chức năng khám, tầm soát ung thư cho người dân, các cơ quan, đơn vị; truyền thông giáo dục về vai trò, ý nghĩa của tầm soát ung thư.
Năm 2021, Đơn vị tầm soát ung thư dự kiến triển khai tầm soát cho 1.500 - 2.000 lượt khám là phụ nữ, giáo viên. Bệnh viện cũng đang xin chủ trương của thành phố để nâng Đơn vị tầm soát ung thư lên thành Trung tâm Tầm soát ung thư. Bước đầu đã chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chẩn đoán, mua sắm thêm thiết bị, tăng quy mô đón và chữa bệnh cho bệnh nhân; kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước về khám bệnh từ xa.
“Xét nghiệm máu không có nhiều giá trị trong phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư. Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau. Khi xét nghiệm máu, người ta có thể phát hiện ra một số chất chỉ điểm như AFP, PSA, CEA... để phát hiện ung thư, tuy nhiên những chất chỉ điểm này không đặc hiệu. Giá trị của xét nghiệm máu thấp, chỉ có ý nghĩa trong việc theo dõi, xem hiệu quả điều trị và sau điều trị”
TS.BS Võ Đắc Truyền,Phó Giám đốc Bệnh viện C, Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện C
|
HOÀNG NHUNG