Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2021)

Những người đi trước về sau

.

Năm 2021, ngành y tế tiếp tục năm thứ hai không kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành trên cả nước. Dù Đà Nẵng không phải là vùng dịch đợt thứ ba này, nhưng một lần nữa chúng tôi - những phóng viên tác nghiệp trực tiếp trong đợt dịch thứ hai tháng 7 và tháng 8-2020 - nhớ lại những ngày khó quên ấy. Đó là những ngày mà chúng tôi chứng kiến các nhân viên y tế và lực lượng quân đội lo nơi ăn, chốn ngủ cho đồng bào cách ly từ khi họ chưa về nước. Chúng tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc thật đẹp về những người “đi trước về sau” khi họ dấn thân vì sức khỏe của cộng đồng. Niềm vui trọn vẹn của họ là không có ca nhiễm Covid-19 để mọi người rời khu cách ly sau 2 tuần tập trung. Từng đợt người cách ly đến rồi đi, nhưng nhiệm vụ của những người ở tuyến đầu vẫn chưa dừng lại.

“Chú khủng long diệt khuẩn”- y sĩ Võ Mai Bình trong một  ca làm việc. Ảnh: BÌNH PHÚ
“Chú khủng long diệt khuẩn”- y sĩ Võ Mai Bình trong một ca làm việc. Ảnh: BÌNH PHÚ

“Hết Covid-19 thì về một thể”

Một sáng giữa tuần tháng 8-2020, chúng tôi có mặt trong buổi tiễn gần 100 công dân vừa hoàn thành cách ly 14 ngày. Vui mừng, những vòng tay ôm tạm biệt nhau trước khi được cấp giấy chứng nhận “an toàn” để về với gia đình. Được giải tỏa tâm lý sau nhiều ngày căng thẳng, nhiều người không đợi loa thông báo đã sẵn sàng hành lý tại sân để lên đường về quê. Trong số ấy, chúng tôi thấy có nhiều người lớn tuổi tiến tới bắt tay Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Trung, thuộc Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu, kèm lời chúc “anh ở lại mạnh giỏi”. Đó là những người trải qua cảm giác nhớ con, muốn chia sẻ khi biết anh Trung “đi khu cách ly” gần 2 tháng nay. “Tôi là lính, đây là nhiệm vụ nên quen mà”, bác sĩ Trung nói.

Tham gia trực khu cách ly từ những ngày đầu đến nay, nhiệm vụ chống dịch lâu dài nên trước khi đi, anh Trung dặn vợ: “Hết Covid-19 thì về một thể”, vừa để bảo đảm an toàn cho mọi người, vừa tránh ảnh hưởng đến bà con hàng xóm. Nhà có 4 người, không phải mỗi anh Trung xác định làm xong nhiệm vụ trong mùa dịch thì mới về, mà cậu con trai của anh vừa vào ngành Công an cũng cùng chung chí hướng với cha. “Những đợt cao điểm chống dịch, vợ tôi là giáo viên và con gái út được ở nhà dạy và học trực tuyến. Hai cha con tôi xác định rằng mình đi làm để hai mẹ con được ở nhà”, anh Trung cười và bày tỏ về “thế cân bằng” trong gia đình.

Với Trung úy Nguyễn Tuấn Khanh, cán bộ trực gác ở khu tiếp nhận người cách ly Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, việc có thêm nhiều người được về với gia đình nghĩa là anh cũng sắp được về nhà. Làm nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt cho người cách ly, dù nhà chỉ cách điểm “đóng quân” vài cây số nhưng nhiều khi 1-2 tháng cha con chưa được gặp nhau. Do trực tiếp làm việc với những người thuộc diện cách ly nên mặc nhiên anh cũng trở thành đối tượng “nội bất xuất”. Có lần vợ anh Khanh nóng ruột lên thăm chồng nhưng phải đứng thật xa nhìn chồng rồi quay đi lau nước mắt.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt tại khu cách ly ở Đà Nẵng.    Ảnh: BÌNH PHÚ
Nhân viên y tế đo thân nhiệt tại khu cách ly ở Đà Nẵng. Ảnh: BÌNH PHÚ

Nụ cười sau lớp khẩu trang

Nhiều người vẫn nhắc lại bộ nhật ký tranh ký họa của Phạm Thị Hảo (19 tuổi, quê Tuyên Quang, du học sinh trở về từ Hàn Quốc) vẽ trong đợt cách ly 14 ngày ở đợt dịch đầu tiên tại Trung tâm Bồi dưỡng quốc phòng - an ninh, Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng. Hảo làm chúng tôi ấn tượng với 18 bức vẽ, nổi bật là hình ảnh những cán bộ y tế, quân đội coi sóc khu cách ly với tinh thần trách nhiệm và đầy tình nghĩa. Một trong số những nhân vật được đề cập trong cuốn nhật ký là “chú khủng long diệt khuẩn” - Đại úy Võ Mai Bình. Từng đợt người cách ly đến rồi đi, nhưng anh Bình vẫn kiên trì với nhiệm vụ của mình.

 "Mười bốn ngày tưởng sẽ trôi qua dài đằng đẵng nhưng hóa ra phút chốc đã kết thúc. Vừa lúc đặt chân xuống sân bay đến khi xếp vali rời khỏi khu cách ly, con luôn cảm thấy an tâm về tình hình chống dịch của đất nước. Các cô chú đã phải thức khuya dậy sớm, mang đồ bảo hộ nóng nực để bảo đảm an toàn cho từng người mà vẫn tươi cười, nhớ tên từng người. Con sẽ không quên những ngày này”
Trích thư của nữ sinh Phan Trúc Hải (du học sinh trở về từ Mỹ) gửi Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng.

Là y sĩ, nhiệm vụ hằng ngày của anh Bình là mặc bộ đồ bảo hộ đến từng dãy, gõ từng phòng ở khu cách ly để phun thuốc diệt khuẩn. Công việc này được anh thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 lần nên ai ở khu cách ly cũng có ấn tượng sâu sắc về anh. Anh luôn mặc trang phục bảo hộ, kèm theo tiếng kêu đặc biệt của máy phun thuốc nên các bạn trẻ tại khu cách ly gọi anh là “chú khủng long diệt khuẩn”. Cứ thế, những nụ cười lại giòn tan sau lớp khẩu trang, để rồi những người từng sống, làm việc ở khu cách ly sẽ còn nhiều chuyện để nhớ, để kể...

"Vỏn vẹn 14 ngày cách ly tại Đà Nẵng. Tất cả mọi người ở đây, chẳng ai ngờ được chúng ta sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh này. Một chút lo sợ bị nhiễm bệnh, một chút bồi hồi vì trở về quê hương… Là tự nhiên thấy yêu nước, yêu cái cách nói chuyện chân chất ở đây, yêu cách được giả giọng miền Trung, miền Nam bị mọi người trêu đùa. Là khi bên ngoài kia với biết bao nhiêu công việc khác nhau, nhưng điều mà những người ở đây chọn là bảo vệ công dân, bảo vệ Tổ quốc. Tớ sẽ chẳng quên được đâu, Đà Nẵng trong tim tớ. Đẹp nhẹ nhàng mà chân thành biết bao. Cảm ơn và xin lỗi nơi này vì tất cả. Cầu mong mọi người ở đây luôn hạnh phúc, bình an”
Trích nhật ký của Phạm Thị Thảo (du học sinh trở về từ Hàn Quốc) trong những ngày cách ly tại Trung tâm Bồi dưỡng quốc phòng an ninh, Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng.

Hơn nữa, anh Bình còn trực tiếp đo thân nhiệt cho bà con ở khu cách ly. Mỗi đợt công bố kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và hoàn thành cách ly đối với một số người, cảm xúc trong anh lại trào dâng. Cá nhân anh dù có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhưng để chăm sóc tốt nhất cho bà con và sẵn sàng nhận người mới đến cách ly, anh cũng xác định mình “tự cách ly” ở lại đơn vị.

Hơn 2 tuần sống trong khu cách ly vào tháng 8-2020, chị Nguyễn Thị Kim - giáo viên dạy yoga người Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chị ấn tượng nhất là khả năng kiểm soát giờ giấc và làm việc theo kế hoạch của những người lính trong khu cách ly. Có lần chị thử canh đồng hồ thì thấy giờ phun thuốc của hai dãy nhà trùng khớp thậm chí không lệch một phút nào. “Họ là những người thức khuya dậy sớm, đi trước về sau với sự chuyên nghiệp và trách nhiệm với những người cách ly như chúng tôi”, chị Kim bày tỏ.

Những liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên sẽ dành cho tuyến đầu
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: “Những liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên của hãng dược AstraZeneca đã có mặt kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới. Chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin khác để cung cấp đầy đủ vắc-xin cho người dân trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

BÌNH PHÚ

;
;
.
.
.
.
.