Người đứng sau những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh

.

Như một điều quen thuộc và hiển nhiên, 35 năm qua, với tác phẩm nào mới ra mắt của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đa phần độc giả biết người vẽ bìa và minh họa là họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường với một độc giả nhí của Hà Nội. Ảnh: HUY SƠN
Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường với một độc giả nhí của Hà Nội. Ảnh: HUY SƠN

1. Cách đây 4 năm, tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với họa sĩ Đỗ Hoàng Tường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cùng nói về công việc vẽ tranh minh họa, về những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong sự điềm đạm và chừng mực, ông nói một cách say sưa, từ những cuốn sách “thích nhiều” như Đảo mộng mơ, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Tôi là Bê tô, đến cả cuốn sách “thích ít” là Ngồi khóc trên cây.

Phải thừa nhận rằng, bên cạnh những câu chuyện trong trẻo, hồn nhiên, điều khiến độc giả thích thú mỗi lần đón nhận một tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chính là những bức tranh minh họa dễ thương và bay bổng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Nếu nhà văn mỗi lần ra sách có rất nhiều độc giả đón đợi, thậm chí xếp hàng dài chờ xin chữ ký thì họa sĩ như ông ít được nhắc đến.

Tôi đem thắc mắc này hỏi họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, nghĩ rằng ông sẽ có đôi chút chạnh lòng. Nhưng ông cười: “Tôi thấy không có gì chạnh lòng cả. Có thể minh họa của tôi góp phần làm cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh hay hơn một chút, còn tôi không hề so sánh hay mong muốn nhận lại điều gì đó. Sách đó là của Nguyễn Nhật Ánh chứ không phải của tôi. Tôi không vẽ minh họa để có thu nhập, mà là vì hứng thú”.

Đỗ Hoàng Tường nói, hầu như lần nào nhận sách của Nguyễn Nhật Ánh, ông cũng đều cảm thấy áp lực, lúc thì đã ấn định ngày ra mắt sách, lúc sắp tới hội sách, hay sắp đến ngày tổ chức sự kiện… “Tôi là người chỉ làm một việc thôi, chứ không sáng làm việc này, chiều làm việc kia được, mà phải dồn sức cho cuốn sách. Thời gian luôn khiến tôi bị áp lực, không thoải mái, nhưng khi đồng cảm được rồi thì giải quyết ngon lành”, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường tâm sự. Ông lý giải thêm: “Người làm sáng tạo luôn có bước bị bức bối và bước hứng khởi. Mỗi cuốn sách tôi thể hiện một kiểu, một bút pháp khác nhau. Mỗi cuốn là một cuộc khám phá mới của tôi về cuốn sách và về chính bản thân mình”.

2. Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1984. Sau đó một năm, ông bắt đầu bén duyên với việc vẽ tranh minh họa cho truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua tập truyện ngắn Cú phạt đền (NXB Trẻ). Liên tiếp sau đó là bộ truyện Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Ngồi khóc trên cây, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…, gần đây là Con chim xanh biếc bay về. “Lúc đó, tôi mới ra trường, chưa quen biết với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà chỉ làm việc thông qua NXB Trẻ”, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường nhớ lại.

Đã biết nhau từ trước và cũng từng “gắn tên” cùng nhau qua một số tác phẩm nhưng phải sau bộ truyện Kính vạn hoa, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới càng ngày càng thân thiết hơn, trở thành bạn ngoài đời rồi… bạn nhậu hằng tuần. Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường sinh năm 1960, kém nhà văn Nguyễn Nhật Ánh 5 tuổi. Sự chênh chênh lệch về tuổi tác không đáng kể nên ít nhiều tạo sự gần gũi nhất định giữa hai người.

Đặc biệt, thêm một điều khiến họ càng có lý do gắn bó với nhau: cùng là những người con của đất Quảng (Đỗ Hoàng Tường quê ở huyện Quế Sơn, còn Nguyễn Nhật Ánh ở huyện Thăng Bình). Yếu tố này góp phần quan trọng vào việc thể hiện tranh minh họa, bởi đa phần tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có bối cảnh ở Quảng Nam. “Tôi cảm thụ được văn chương Nguyễn Nhật Ánh, những câu chuyện lôi cuốn, duyên dáng, nhân vật sinh động. Nguồn gốc quê hương cũng có sự đồng cảm nhất định, nó lôi cuốn tôi về miền tuổi thơ của mình”, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường bày tỏ.

Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ rằng, đối với ông, Đỗ Hoàng Tường không đơn giản là người vẽ minh họa, mà còn là người đọc tinh tế, sắc sảo. Họa sĩ không ngại ngần phản biện về ý đồ thể hiện mà đôi khi còn góp ý các chi tiết giúp nhà văn hoàn thiện tác phẩm. “Để vẽ được cho truyện của Nguyễn Nhật Ánh, tôi phải đọc tới đọc lui nhiều lần. Khi vẽ bìa, người họa sĩ chỉ cần đọc qua truyện, nắm tinh thần chung để vẽ, nhưng lúc vẽ minh họa thì cần nắm rõ mọi thứ về nhân vật: tính cách, lứa tuổi, sở thích... để khắc họa chân thực nhất, hợp lý nhất giúp người đọc hình dung đúng theo mạch truyện”, Đỗ Hoàng Tường cho biết.

Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến Đỗ Hoàng Tường mà chỉ nói về phần tranh bìa và minh họa cho tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, hay những bức chân dung nhân vật mà ông từng cộng tác với một tờ báo. Thực tế, ông đã và đang thực hành nghệ thuật bằng vẽ tranh và điêu khắc, và là một tên tuổi nổi bật trong giới mỹ thuật. Từ năm 1989, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường đã tham gia nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Ông được giới chuyên môn đánh giá “là một trong những gương mặt tiêu biểu của hội họa đương đại Việt Nam với lối vẽ pha trộn phong cách biểu hiện siêu thực, chuyên mô tả về sự cô đơn và nỗi đau giằng xé của phận người”.

Một người rất đúng hẹn

Ngày 5-12-1995, tập đầu tiên của bộ truyện dài Kính vạn hoa với tên gọi Nhà ảo thuật được phát hành và lập tức gây sốt. 25 năm qua, Kính vạn hoa đã có 7 phiên bản khác nhau, phiên bản nào cũng được độc giả chào đón. Theo chia sẻ của nhà văn Lê Phương Liên - người trực tiếp biên tập bộ truyện, khi đó, dù đã có thời gian làm việc cùng họa sĩ Đỗ Hoàng Tường trong mảng truyện tranh, nhưng khi nhận được tranh bìa và tranh minh họa cho tác phẩm Kính vạn hoa, bà không giấu được ngạc nhiên. “Khi nhìn bìa và minh họa anh Tường chuyển đến, tôi thực sự rất ngạc nhiên vì nó vừa mới mẻ, vừa hiện đại, lại vừa rất... thiếu nhi, rất hợp với Kính vạn hoa. Nhưng điều hay nhất của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là cả hai anh đều rất đúng hẹn. Cứ đúng ngày đều chuẩn bị bản thảo rất đầy đủ”, nhà văn Lê Phương Liên cho biết.

HUY SƠN

;
;
.
.
.
.
.