Má than trời lạnh hoài chân cũng quíu, sáng mới đi tản bộ một vòng đã thấy tê chỉ muốn rúc vô mền nằm tiếp. Thèm nắng quá chừng. Thèm thấy khoảng sân ngập trong màu vàng ấm, non mềm như những cánh cúc mới chớm. Tối nay, trời đổ mưa bất chợt, cái lạnh càng được dịp bò vô tận mùng dù cửa cài kín bưng. Má đốt mẻ un vừa xua muỗi, vừa cho nhà thêm hơi ấm, chậc lưỡi trong mùi khói thơm thơm những vỏ quýt khô bén lửa, biết nào nắng mới lên.
Vậy mà sáng hôm sau, trời như đáp lại mong cầu của má, vươn tay thu bớt cái lạnh về. Ông mặt trời vén mây chào, rải nắng vung vãi mặt sân. Má bước ra, khoan khoái hít hà mùi nắng mới. Tưởng thảnh thơi mà không, má chỉ đủng đỉnh được lát đã quày vô nhà đem quần áo, mùng chiếu ra phơi.
Mảnh sân buồn hiu bỗng như đơm bông, đủ sắc màu của vải trên giàn phơi. Có mấy cái áo con mặc hồi nhỏ xíu giờ lớn bộn mặc đâu có vừa, má kêu giữ lại làm kỷ niệm. Có cái mền ghép bằng vải vụn kỳ công, hay xuất hiện trong những câu chuyện má nhắc về bà ngoại hồi đó cặm cụi cắt may. Có cả con gấu bông của nhỏ Út Mén, con nhỏ sợ ma phải có nó mới ngủ ngon được. Má đem cả mấy miếng giẻ ra phơi. Má mở toang những cánh cửa sổ. Nắng tràn vô nhà nhểu từng khoảnh trên sàn. Làm như má muốn mọi thứ đều ngấm mùi của nắng để cả căn nhà cùng thơm.
Từ nhỏ, con đã biết mùi của nắng. Mùi trên chính tóc con khét cháy hoe vàng, bà nội hay hít hà thằng chó con của bà thơm quá. Mùi của những cái áo vá đủ nắng, con tự tin mặc đến trường. Mùi của những khúc củi giòn khô, bắt lửa bập bùng tay má khéo léo khiến nó nấu lên những mâm cơm ngon no nứt bụng. Mùi của những miếng chuối ép rỉ mật óng vàng, nhìn thôi đã tươm nước miếng đầy trong miệng.
Lâu lâu sang hơn thì có mùi của những khúc lạp xưởng sắp ráo mỡ, con cứ len lén nhìn tưởng tượng tới lúc má chiên rồi đặt lên tô cơm nóng hổi, xịt thêm miếng xì dầu ăn tới cạn đáy nồi chưa đã thèm.
Đặc biệt nhất vẫn là mùi nắng sau mưa dầm. Sau khi mùi đất đã bốc lên gần hết, đứng giữa trời để cơ thể uống những ngọn nắng non nhuốt, nghe tất cả được hong khô và nhẹ dần đi, lúc đó là lúc mùi nắng “đã” nhất. Hệt như cảm giác vừa khỏi bệnh hăng hái trở lại làm việc. Và giống như nụ cười đầu tiên bung nở sau những ngày mệt mỏi buồn phiền.
Má chắc đang nhấm nháp mùi nắng đó, khi trên giàn phơi có áo của ba. Mặt má nhẹ tênh, điềm nhiên như những chiếc lá ưỡn người ra tắm nắng. Ba đi lâu rồi, nỗi buồn đã kịp lắng xuống. Hay má đã đem cả nỗi buồn của mình ra phơi, cho khô đi những cơn nước mắt? Trời chan chứa nắng, làm nẩy mầm trong lòng người niềm tin mới.
Ước chừng vài bữa nữa là nắng ngọt. Thứ nắng ngát vàng trong gió bấc, không cáu gắt mà giòn giã như tiếng cười trẻ con. Lúc đó, phơi kiệu là hợp nhất, cho kịp Tết. Con sẽ chở má ra chợ, kiếm mua kiệu Huế. Kiệu phải thật nhỏ, ngâm càng ngon càng thơm. Nhưng làm lại cực vô cùng. Niềm vui của má là được tỉ mẩn lặt từng củ kiệu một, rồi phơi cả chục lần nắng. Má đâu cần gì hơn, ngoài vẻ mặt hít hà khen ngon của mấy đứa con bên mâm cơm ngày Tết. Mỗi một đợt nắng, mặt má càng ánh lên vui sướng.
Má hay giỡn, làm kiệu xài nắng hao dữ thần. Phơi đâu chín mười đợt nắng. Má bỏ kiệu vô thau, đổ đầy nước, lựa chỗ nắng bung đầy trong sân phơi một lát cho dễ lột. Làm kiệu xong thì phơi cho ráo. Phơi tiếp mấy lần cho héo. Cho trắng. Cho giòn. Khi những củ kiệu nhỏ nhỏ đã nằm ngoan ngoãn áp nhau trong lớp nước giấm đường, nắng lại xoa bàn tay ấm ủ lấy cho kiệu mau lên men và ngấm. Kiệu má làm không hăng mà giòn ngọt, bùi bùi, ăn kèm thịt kho hột vịt hay món gì ngày Tết cũng đã răng. Tưởng như mỗi củ kiệu ngậm đầy ứ nắng, ăn như ăn cả trời đầy nắng.
Má nhìn nắng rưới trên những sịa kiệu phơi lủ khủ trong sân, mắt má như cũng có nắng. Nắng đầy mây không giữ nổi, chảy tràn xuống sân, lan cả vô hàng ba. Nắng nhuộm mọi thứ trong màu vàng ánh lên, nắng sưởi cả lòng người ấm sực. Con ngồi kế bên má, tay cầm ly trà con cua đưa má, nắng rớt vô hòa tan làm vị trà trở nên thật lạ. Tí tách tiếng mai đâm chồi ra nụ. Tí tách tiếng nhịp thời gian trôi.
Vài bữa nữa mọi người sẽ về. Đem theo nắng miền khác về, thơm trên vai trên tóc. Má xoa từng mái tóc còn tung tóe nắng, hun lấy hun để như tụi con vẫn còn nhỏ xíu. Những cũ càng đã được má đem ra hong hết rồi, nên nhà mình ngập trong mùi nắng. Nắng ướp những nụ cười ruộm vàng, hơn cả đám vạn thọ đang trổ ngoài sân.
PHÚC GIANG